Tên thật: Tạ Trung Sơn. Sanh ngày 1 tháng 8 năm 1938
tại Hà Nội. Học Trung Học Dũng Lạc (Hà Nội), Chu Văn An (Saigon), Đại
Học Văn Khoa (Saigon). Tốt nghiệp Cử Nhân Văn Khoa, 1964. Từ 1959 đến
1975 cộng tác với nhiều nhật báo, tuần báo, bán nguyệt san, nguyệt san
tại Saigon. Định cư tại Montreal, Canada, từ năm 1985. Khởi viết truyện
ngắn từ năm 1991. Đã có bài trên các tạp chí: Phố Văn, Làng Văn, Nắng
Mới, Sóng Văn, Văn Học, Văn, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21, Wordbridge.
Tin trên báo chí Việt Nam: chiếc xe hiệu Phantom do hãng Rolls-Royce của Anh chế tạo về đến Tân Sơn Nhứt ngày 29 tháng 1 năm 2008 để kịp lăn bánh trên thành phố vào dịp Tết. Chiếc xe được bà Dương Thị Bạch Diệp, một đại gia nhà đất, đặt làm theo ý riêng. Đặt chứ không phải mua. Logo xe có gắn tên bà. Bên trong xe được thực hiện theo ý bà. Xe được chở bằng máy bay mất hai ngày mới về tới Việt Nam. Hai chuyên viên của Rolls-Royce đã tháp tùng qua để hoàn tất những chi tiết cuối cùng tại Sài Gòn. Trị giá chiếc xe là một triệu rưởi đô la Mỹ.
Báo cũng có đăng bức hình bà Diệp ra Tân Sơn Nhứt đứng cạnh của quý. Hình quá nhỏ nên không rõ nét mặt bà lúc đó ra sao. Chiếc xe không được đăng ký bảng số tại Sài Gòn mà đăng ký ở Bình Định, nơi quê hương bản quán của chủ nhân. Ngoài lý do áo gấm về làng còn một lý do nữa là bảng số đăng ký ở đây mới có hàng số hiệu là 77L. Theo bà Diệp, số 7 theo tướng số của bà là số hên. Cũng vẫn bà tán tụng: con số 7 chứa nhiều yếu tố thần bí như 7 kỳ quan thế giới hay 7 bộ phận quan trọng trên khuôn mặt con người (2 mắt, 2 lỗ mũi, 2 tai và miệng). Bởi vậy nên không biết bằng cách nào bà lấy được số đăng ký là bốn con số 7 thành 7777. Như vậy bảng số xe là: 77L – 7777. Bà đại gia tán thêm: chữ L lật ngược lại cũng là số 7 nên bảng số của bà phải được đọc là 777 – 7777. Khi xe chạy trên đường phố mọi người nhìn vào bảng số thì không thấy chữ L lật ngược. Không biết chủ nhân có lật ngược chữ L không thì không một ai rõ.
Câu bà trả lời phóng viên báo mạng VnExpress khi lần đầu được ôm chiếc xe tại phi trường nhấn mạnh tới điểm bà ưng ý nhất là màu sắc lạ của chiếc xe mà chưa một chiếc xe nào lăn bánh trên đường phố Sài Gòn có.
Tôi đọc tin này cho bà cụ tôi nghe. Cụ ăn tiền già, mỗi tháng đều trích ra một hai trăm gửi về Việt Nam, khi thì giúp đỡ những bà con nghèo, khi thì giúp một thương phế binh mất chân mất tay hay mất cả cuộc đời. Nghe xong cụ lắc đầu không nói gì. Tôi thử ướm một con tính nhỏ trong đầu: vài trăm của cụ được bao nhiêu phần trăm của một triệu rưởi. Nếu với tay lấy cái máy tính thì ra ngay nhưng tôi ngại không dám tính. Tôi nghĩ đến những số tiền chắt chiu, người vài chục người một trăm, mà báo chí và các hội đoàn ở hải ngoại quyên góp để đưa về giúp đồng bào nghèo khổ ở Việt Nam. Đồng tiền đô có màu xanh. Màu chiếc xe quý giá của bà Diệp cũng là màu xanh. Nhưng hai màu khác nhau. Một màu tìm tới người khác và một màu tìm vào lòng hãnh tiến. Chẳng lẽ cùng là mắt người Việt mà mắt này nhìn khác mắt kia.
Khi tôi đi tù cải tạo về, phường khóm o ép tôi đưa gia đình đi vùng kinh tế mới, vùng tử địa cho những thị dân rời thành phố, tôi đã cố tránh né bằng mọi cách. Cùng đối đế tôi phải chui vào cái gọi là “Hội Trí Thức Yêu Nước” để được yên thân. Họ đưa tôi đi học một lớp nghiệp vụ sáu tháng để bổ tôi đi dạy học. Gọi là lớp nghiệp vụ nhưng thực ra trọng tâm là học triết học Mác – Lê. Ê a cho qua cơn bỉ cực, tôi chẳng nhớ gì được nhiều về cái triết học trở thành tôn giáo này. Nhưng tới bây giờ tôi còn nhớ đại khái một câu của Marx. Dĩ nhiên tôi không thể nhớ nguyên văn. Marc bảo ngay cả một con vật cũng không thể đang tâm trau chuốt bộ lông của mình trước những đau khổ của đồng loại.
Chiếc xe Phantom giá một triệu rưởi đô la Mỹ không có lông, còn bà Diệp chắc chỉ có lá!