Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ đi thăm các nước Đông Á trong tuần này, và đây sẽ là chuyến công du các nước trong vùng Thái bình dương đầu tiên của ông trong tư cách Tổng thống Hoa Kỳ. Theo tường thuật của Thông tín viên đài VOA Paula Wolfson, nhà lãnh đạo Mỹ sẽ tiếp xúc không chỉ với các nhà lãnh đạo châu Á, mà còn với nhân dân châu Á.
Các giới chức Tòa Bạch Ốc nói rằng Tổng thống Obama sẽ mang đến châu Á một thông điệp.
Cố vấn cao cấp nhất của Tòa Bạch Ốc về các vấn đề Đông Á Jeffrey Bader nói: “Tôi nghĩ chuyến đi này của Tổng thống Obama sẽ chuyển đi một thông điệp rất rõ ràng với nhân dân các nước châu Á rằng Hoa Kỳ đang có mặt và sẽ ở lại châu Á.”
Ông Bader đồng thời cũng đưa ra nhận định về các nước châu Á: “Sự vươn lên của châu Á trong vài năm qua có lẽ không được nhắc đến trong các tin hàng đầu nhiều như những khu vực trên thế giới bị tàn phá vì chiến tranh. Tuy nhiên trong dài hạn, nó sẽ mang lại kết quả hơn nhiều.”
Ông Bader nói rằng dân châu Á sẽ nhìn thấy một Tổng thống muốn giao tiếp với khu vực này một cách tích cực. Tuy nhiên người ta không trông đợi họ sẽ đón tiếp nhà lãnh đạo Mỹ như một ngôi sao nhạc rock, như ông đã được dân châu Âu và châu Phi đón tiếp khi ông đi thăm các khu vực đó trước đây trong năm.
Ông Nicholas Szecheyi, một chuyên gia về châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và các vấn đề Quốc tế nói rằng các nước châu Á có thái độ thận trọng hơn.
Ông Szechenyi nói: “Nói chung, quí vị sẽ nhìn thấy sự kết hợp giữa sự chú ý quan tâm, và chào đón nồng hậu, tuy nhiên cũng sẽ có hàng loạt vấn đề được nêu ra, vì có rất nhiều sự hiếu kỳ về việc Tổng thống Obama muốn tiến hành các vấn đề quan trọng trong chính sách theo chiều hướng nào.”
Và đứng đầu danh sách sẽ là vấn đề mậu dịch.
Đây là một khía cạnh chủ yếu trong quan hệ Mỹ-Nhật, và Nhật sẽ là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Á của nhà lãnh đạo Hoa Kỳ.
Tân Thủ tướng Nhật, Yukio Hatoyama đang tìm cách nâng cao quan hệ đối tác mậu dịch với các nước châu Á. Ông cũng đang xem xét các hiệp định quân sự hiện nay với Hoa Kỳ.
Ông Ken Lieberthal, một học giả về châu Á thuộc Viện Brookings trong thủ đô Washington, nhận định rằng đây là một thời điểm quan trọng trong bang giao Mỹ-Nhật.
Học giả Lieberthal nói: “Có nhiều vấn đề cần phải sắp xếp. Và tôi nghĩ rằng đó là những vấn đề chi phối các cuộc thảo luận.”
Ông Liberthal, cố vấn cao cấp nhất về châu Á của cựu Tổng thống Bill Clinton nói rằng chặng dừng chân quan trọng nhất trong chuyến công du này của Tổng thống Obama có lẽ - về mặt nổi - ít được tin tức nhắc đến nhất, đó là diễn đàn Kinh tế châu Á Thái bình dương ở Singapore.
Ông Lieberthal nói: “Tôi đã phụ tá cho Tổng thống Clinton trong lúc tham dự cuộc họp đó trong nhiệm kỳ thứ nhì của ông, khi tôi làm việc trong Tòa Bạch Ốc và đó là một cuộc họp đáng ghi nhớ, qua đó nó thực sự tạo cơ hội cho các đại biểu gặp gỡ nhau - song phương và trong các nhóm khác nhau.”
Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Á Châu Thái Bình Dương - hay APEC không phải là một tổ chức đưa ra quyết định. Tuy nhiên nó lại mang đến một điều có lẽ còn quan trọng hơn, đó là một cơ hội cho các nhà lãnh đạo các nước thuộc vòng đai Thái bình dương, hội ý mà không có nhân viên bên cạnh và có tính cách rất cá nhân.
Ông Lieberthal nói: “Tôi nghĩ rằng Tổng thống Obama thuộc lớp người lãnh đạo có thể nắm lấy lợi thế đó một cách rất hiệu quả. Ông giao tiếp với người khác dễ dàng, là loại người bắc nhịp cầu, và ông sẽ lắng nghe về các triển vọng trong vùng, những điều sẽ rất hữu ích đối với ông.”
Tại Trung Quốc, thời biểu làm việc của Tổng thống sẽ có tính cách công khai hơn, với các chặng dừng chân tại Bắc Kinh và Thượng Hải, thủ đô tài chính của Trung Quốc.
Các vấn đề được thảo luận ở đó có phần chắc sẽ gồm cả những quan ngại về kinh tế và chiến lược – từ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, cho đến vấn đề khí hậu thay đổi, và vấn đề cấm phổ biến hạt nhân.
Ông Douglas Spelman thuộc Trung tâm Woodrow Wilson, là một nhà quan sát về Trung Quốc từ lâu nay, đưa ra một số lời khuyên cho Tổng thống: thực tế và thành thật.
Ông Spelman nói: “Hãy thực tế trong ý muốn hợp tác, và theo tôi ông ấy làm được việc đó, và hãy thành thật về những khác biệt quan điểm chúng ta có.”
Về một phương diện nào đó, đi châu Á, thăm các nước Nhật, Singapore, Trung Quốc và sau cùng là Nam Triều Tiên, đối với Tổng thống Obama, phần nào có tính cách về thăm quê nhà.
Ông đã trải qua một quãng đời thơ ấu ở Indonesia và các quan hệ của ông đối với khu vực này có tính cách cá nhân.
Ông Nicholas Szechenyi nói rằng nhà lãnh đạo Mỹ có phần chắc sẽ nhắc đến tiểu sử của ông trong chuyến đi thăm châu Á này, cũng nhiều như ông đã đề cập đến khi ông đến thăm các nước châu Phi trước đây trong năm.
Ông Szechenyi nói: “Tôi nghĩ rằng mọi người sẽ thực sự cảm thông với điều đó. Và tôi hy vọng Tổng thống sẽ sử dụng tiểu sử của mình để chứng minh sự gắn bó đối với khu vực.”
Tổng thống Obama sẽ không đến thăm Indonesia trong chuyến đi này, tuy nhiên ông dự định sẽ quay lại châu Á và thăm Indonesia trong năm tới.
Đọc nhiều nhất
1