Đường dẫn truy cập

Kinh tế VN sau các đánh giá của quốc tế mới đây


Nhân dịp các tổ chức quốc tế công bố bản đánh giá thường kỳ về tình hình kinh tế của các quốc gia trên thế giới, Tiến sĩ Trần Lê Anh, giáo sư Đại học Lasell, bang Massachusetts đã dành cho ban Việt ngữ buổi trao đổi về những điểm mà Việt Nam cần lưu ý qua các bản đánh giá này.

VOA: Nền kinh tế của Việt Nam đã bị ảnh hưởng như thế nào trước sự suy thoái của kinh tế thế giới trong năm qua?

TS ANH: Với một nền kinh tế khá mở và một đất nước đang hội nhập thì Việt Nam đã chịu một số ảnh hưởng tiêu cực.

Theo số liệu gần đây của Tổng cục Thống kê Việt Nam, thì vốn đăng ký đầu tư trực tiếp của nước ngoài trong 9 tháng đầu của năm nay giảm gần 80% so với với cùng kỳ năm trước.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam cũng giảm 16% và cũng đã có dự báo là lượng kiều hối có thể giảm gần tới 20%, so với 7,2 tỉ đôla trong năm 2008.

Nhưng có lẽ ảnh hưởng trực tiếp khá mạnh là kim ngạch xuất khẩu giảm trên 14% trong 9 tháng vừa qua. Những ảnh hưởng này nhìn chung tác động đến nguồn thu ngoại tệ, doanh thu của doanh nghiệp và công ăn việc làm của người dân.

VOA: Trước sự khó khăn đầu ra của hàng hóa sản xuất trong nước do xuất khẩu giảm thì Việt Nam gần đây có phát động phong trào “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”. Tiến sĩ có nhận xét gì về giải pháp này?

TS ANH: Tôi nghĩ đây là một định hướng đúng. Với dân số tương đối khá trẻ và khoảng 87 triệu dân thì thị trường Việt Nam không phải là nhỏ. Tuy nhiên, đây cần phải là chiến lược lâu dài chứ không phải là giải pháp tình thế.

Muốn vậy, các doanh nghiệp cần giải quyết tốt vấn đề chất lượng cũng như các kênh phân phối hàng hóa, và phía chính phủ Việt Nam cần cân nhắc các công cụ pháp lý để đẩy lui các mặt hàng nhập khẩu bất hợp pháp.

Chúng ta thấy hàng Trung Quốc tràn lan thị trường Việt Nam, đa số các mặt hàng này trong nước có thể sản xuất được nhưng doanh nghiệp trong nước cạnh tranh không lại, do giá hàng Trung Quốc quá rẻ, rẻ một cách bất bình thường.

Với tình trạng này, theo tôi, Việt Nam có cơ sở để cho mở cuộc điều tra chống bán phá giá và trợ giá.

Bên cạnh đó cũng phải giải quyết vấn đề hàng nhập lậu và loan báo rộng rãi đến người tiêu dùng để tránh những mặt hàng ngoại nhập kém chất lượng. Được như vậy mới hy vọng người tiêu dùng và doanh nghiệp trong nước đến với nhau nhiều hơn.

VOA: Trong bối kinh tế thế giới vẫn còn tương đối khó khăn hiện tại thì triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay và năm tới là như thế nào?

TS ANH: Việt Nam đề ra chỉ tiêu tăng trưởng cho năm 2009 là khoảng 5%, con số thấp nhất kể từ năm 2000.

Trong 3 quý vừa qua, mức tăng trưởng trung bình là 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái, với mức tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Với đà này, bây giờ Việt Nam dự báo tăng trưởng cho toàn năm là 5,2%, mặc dù dự báo mới đây của một số tổ chức tài chính quốc tế đều dưới 5%.

Qua năm 2010 Việt Nam đề ra chỉ tiêu tăng trưởng là 6,5%. Con số này cao hơn nhiều so với dự đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế là 5,3%. Theo tôi nghĩ, 6,5% là hơi lạc quan.

VOA: Xin cho biết nhận xét của tiến sĩ về những chính sách của Việt Nam để chống suy thoái để tiếp tục giữ được con số tăng trưởng dương trong năm nay?

TS ANH: Bắt đầu từ đầu năm nay, Việt Nam đã triển khai gói kích thích kinh tế khoảng 8 tỉ đôla thông qua các biện pháp như hỗ trợ lãi xuất, giảm và giãn thuế.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng hạ lãi suất cơ bản xuống còn 7% từ đầu năm nay. Đây là mức cắt giảm rất mạnh so với mức 14% của tháng 10 năm 2008. Mục đích là để kích thích các hoạt động vay vốn và đầu tư của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng gia tăng rất mạnh các khoản chi tiêu của chính phủ để thúc đẩy các hoạt động kinh tế nhằm ngăn chận suy thoái.

VOA: Những biện pháp mà Việt Nam sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có để lại hệ quả gì không?

TS ANH: Chúng ta có thể thấy một số vấn đề.

Thứ nhất, do việc nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua biện pháp cắt giảm và hỗ trợ lãi suất, nên tín dụng đã tăng nhanh, dẫn đến khả năng tăng lạm phát trong năm tới.

Hơn nữa, việc tăng trưởng các khoản cho vay tương đối dễ dãi sẽ đặt mầm mống cho nợ xấu gia tăng, có khả năng gây bất ổn tài chính. Các tổ chức đánh giá rủi ro quốc tế như S & P hoặc Moody dự báo nợ xấu sẽ gia tăng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam trong tương lai gần.

Bên cạnh đó, do các khoản chi của chính phủ tăng mạnh nên đã dẫn đến bội chi ngân sách cao. Bội chi ngân sách cũng là một yếu tố làm tăng lạm phát và chi tiêu ồ ạt không có hiệu quả cao làm méo mó việc phân bổ nguồn lực.

VOA: Triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn phụ thuộc vào những yếu tố nào?

TS ANH: Một số tổ chức phân tích kinh tế quốc tế đều cho rằng đẩy mạnh quá trình cải cách là rất quan trọng. Quá trình này bao gồm những vấn đề như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cải cách hành chính và pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.

Nhưng tôi nghĩ quan trọng nhất vẫn là giải quyết vấn đề tham nhũng. Nó là mấu chốt của những vấn đề như lãng phí tài nguyên, làm mất niềm tin của nhà đầu tư, và giảm khả năng nâng cao hiệu suất của nền kinh tế nói chung. Giảm thiểu được tham nhũng sẽ tạo được sức bật mới cho nền kinh tế.

VOA: Có một số chuyên gia cảnh báo rằng mặc dù Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao trong nhiều năm qua nhưng chất lượng của tăng trưởng thì chưa cao. Tiến sĩ nghĩ sao về về cảnh báo này?

TS ANH: Tăng trưởng kinh tế chỉ đơn giản là sự tăng lên của lượng hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong nền kinh tế. Nhưng nếu đốn thêm rừng để gia tăng xuất khẩu gỗ hoặc khai thác ồ ạt các nguồn tài nguyên bất chấp vấn đề môi trường thì cũng đem lại tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, nhưng rõ ràng tăng trưởng kiểu đó là có vấn đề, cho nên mới nói đến vấn đề chất lượng tăng trưởng.

Ở phương diện cơ bản nhất, tăng trưởng có chất lượng là tăng trưởng có tính bền vững, vừa duy trì được tốc độ tăng trưởng lâu dài, vừa không gây ra những hệ quả tiêu cực.

Việt Nam, dù có tốc độ tăng trưởng tương đối cao nhưng đã bộc lộ những tác động tiêu cực lên môi trường; chẳng hạn như ô nhiễm sông ngòi. Trong những năm gần đây, tăng trưởng dựa rất nhiều vào sự gia tăng của tổng đầu tư, chẳng hạn như năm nay gần bằng 43% GDP, nhưng hiệu quả của đầu tư ngày càng giảm đi, thể hiện qua hệ số ICOR ngày càng tăng.

Hậu quả là tài nguyên kinh tế bị lãng phí, cho nên muốn có tăng trưởng có chất lượng thì Việt Nam trước mắt phải giải quyết các vấn đề về hệ quả đầu tư, hạn chế tác động tiêu cực của tăng trưởng lên môi trường, cũng như phải bình ổn kinh tế vĩ mô để giảm bớt những xáo động mạnh trong đời sống của dân chúng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG