Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á lại một lần nữa tụ tập ở Thái Lan để dự hội nghị thượng đỉnh với trọng tâm thảo luận là các vấn đề hợp nhất khu vực và nhân quyền. Giới hữu trách Thái Lan đang áp dụng các biện pháp an ninh nghiêm nhặt để ngăn chận sự tái diễn của những cuộc biểu tình đã khiến hội nghị hồi tháng tư phải bị hủy bỏ. Từ Hua Hin, nơi tổ chức hội nghị, thông tín viên Daniel Schearf của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, tức ASEAN, hôm nay đã khai mạc hội nghị thượng đỉnh thường niên với những nhạc khúc và vũ điệu mà những người tổ chức nói là có nguồn gốc từ khắp nơi trong khu vực.
Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva nói với các phái đoàn tham dự hội nghị rằng ASEAN đã có được rất nhiều tiến bộ trong việc thúc đẩy cho sự hợp tác của các nước trong vùng này trong mọi lãnh vực, từ thương mại cho tới việc ứng phó với những tình huống khẩn cấp. Ông nói rằng ASEAN nên cảm thấy hãnh diện về những thành quả của mình.
Ông Abhisit nói: "ASEAN đã không phụ lòng trông đợi của mọi người và đã lớn mạnh qua nhiều thách thức toàn cầu và khu vực. Nhưng ASEAN vẫn còn một trách nhiệm phải chu toàn là chứng tỏ rằng tổ chức này có khả năng thực thi tất cả những gì đã được tán thành, đã được tuyên bố, hoặc đã được đặt thành mục tiêu."
Hôm nay cũng là ngày mà cơ quan nhân quyền đầu tiên của tổ chức gồm 10 quốc gia hội viên này bắt đầu hoạt động. Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền bị nhiều người chỉ trích là không có đủ quyền hạn để đối phó với những quốc gia thành viên vi phạm nhân quyền, như Miến Ðiện chẳng hạn.
Những nhân vật tranh đấu cho nhân quyền nói rằng ủy ban này đặt trọng tâm vào việc “thúc đẩy nhân quyền” chứ không phải “bảo vệ nhân quyền.”
Tuy nhiên, Thủ tướng Abhisit nói rằng ủy ban này sẽ giúp tạo ra đà tiến cho công cuộc bảo vệ người dân ở Đông Nam Á.
Ông Abhisit nói thêm: "Ủy ban này cũng sẽ gia tăng mức độ thoải mái của các nước hội viên ASEAN để họ có thể chấp nhận một vai trò lớn hơn của ủy ban trong tương lai."
Tin mới nhất cho biết các nhà lãnh đạo của 5 nước ASEAN – Campuchia, Lào, Miến điện, Singapore và Philippines, đã hủy bỏ cuộc họp được ấn định trong ngày hôm nay với những người lãnh đạo của các tổ chức xã hội dân sự của nước họ. Các nhân vật lãnh đạo xã hội dân sự của Indonesia, Malaysia và Thái Lan đã tẩy chay hội nghị để phản đối.
Trong 3 ngày hội nghị, các nhà lãnh đạo vùng Đông Nam Á sẽ ký kết hơn 40 hiệp định, trong đó có nhiều hiệp định về thương mại.
Hơn 35,000 binh sĩ và cảnh sát đã được bố trí ở Bangkok và ở Hua Hin để ngăn không cho những người biểu tình gây rối.
Hội nghị cấp cao này đã bị buộc phải hủy bỏ hồi tháng tư sau khi những người biểu tình chống chính phủ xông vào địa điểm hội nghị và giới hữu trách Thái Lan đã phải dùng trực thăng để di tản các nhà lãnh đạo.
Giới hữu trách Thái Lan cam kết không để cho xảy ra một vụ việc tương tự.
Ông Pavin Chachaval, giáo sư thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nhận xét như sau về vấn đề này.
Ông Pavin nhận định: "Đây là cơ hội chót của ASEAN. Nó cũng là cơ hội chót của Thái Lan để chứng tỏ vị thế lãnh đạo trong khối ASEAN, nếu Thái Lan vẫn có chút ít vị thế lãnh đạo nào còn sót lại."
Giáo sư Pavin cho biết việc tổ chức hội nghị ở Hua Hin, nơi tọa lạc Cung điện Mùa hè của Quốc vương Thái Lan, có thể giúp ngăn chận sự tái diễn của những cuộc biểu tình chống chính phủ.
Nhà vua năm nay 81 tuổi và được dân chúng sùng kính này đã nằm bệnh viện hơn 1 tháng nay vì nhiễm trùng phổi. Tuy nhiên, hoàng gia Thái Lan cho biết nhà vua đang dần dà bình phục.
10 nước hội viên của ASEAN là Miến Ðiện, Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Đọc nhiều nhất
1