Đã 26 năm nay, từ năm 1984, trên toàn nước Pháp, 2 ngày cuối tuần lể thứ 3 của tháng 9 được coi là "Những ngày của Di sản Quốc gia" - Les Journées du Patrimoine National.
Đó là 2 ngày hội của đông đảo quần chúng, đi thăm viếng và tham gia các hoạt động văn hoá về Di sản Quốc gia, được xác định là toàn bộ những tài sản vật chất và tinh thần do các thế hệ trước để lại, nay thành tài sản chung của toàn xã hội, cũng là tài sản chung của mỗi công dân.
Ở Pháp, một nước lớn có lịch sử lâu dài, sôi động, hiện có 15.000 địa điểm được xác định là thuộc Di sản Quốc gia, trong đó có 33 điểm được UNESCO công nhận là Di sản có giá trị của toàn thế giới.
Đó là những thắng cảnh thiên nhiên, dãy núi hùng vĩ, bãi biển đẹp, hang động với di tích cổ, những cổ vật được khai quật, những đền thờ, nhà thờ, trường dòng xưa, những lâu đài, thành quách, pháo đài, bãi chiến trường xưa, những kiến trúc, cầu cống, sông đào, đèn biển, vườn hoa có từ thời cổ, những cơ sở kinh tế, nhà nuôi tằm, xưởng dệt thảm, lò rèn, máy xay gió, xưởng làm đồ trang sức, mỹ nghệ, đồ mộc, đồ gốm, xưởng in, xưởng vẽ, điêu khắc...hàng vạn cở sở được thống kê, khôi phục, tôn tạo, chính thức xếp loại cho từng vùng, tỉnh và quận.
Tất nhiên phải kể đến những thắng cảnh du lịch giữa thủ đô Paris như Tháp Eiffel, Mộ Napoléon, Nhà thờ lớn Notre Dame, Lâu đài - Bảo tàng Le Louvre, nhà hát Opéra, Khải hoàn môn, Cối xay Đỏ (Le Moulin Rouge), hay xa hơn là Cung điện Versailles, lâu đài Fontainebleau, hay gần 10 lâu đài soi bóng xuống sông Loire...suốt năm đông khách thăm viếng.
Điều hay là trong 2 ngày 19 và 20-9 năm nay, tất cả các công sở lớn đều mở cửa cho công chúng vào tham quan, từ dinh tổng thống, dinh thủ tướng, toà nhà quốc hội, trụ sở Viện bảo hiến (Cung Vua cũ) cho đến toà Đô sảnh Paris...
Trong 2 ngày thứ bảy và chủ nhật này, trong cả nước mọi cơ sở Di sản Quốc gia kể trên đều vào cửa không mất tiền. Với ý nghĩa là tất cả di sản đều thuộc về mọi công dân. "- Tôi đến thăm nhà tôi, thăm cơ sở của tôi, sao lại phải trả tiền!".
Ngoài việc tổ chức thăm viếng, tham quan, ngành văn hóa còn tổ chức in và phát hành sách, báo, tài liệu về các di sản được xếp hạng, tổ chức hội thảo, nói chuyện về các di sản, các cuộc vui: Nhảy múa, ca hát, hòa nhạc, hóa trang, biểu diễn thời trang, nấu nướng, thủ công...theo những tập quán, phong tục cổ xưa để nâng cao nhận thức về những di sản vật chất và văn hoá - tinh thần của các thời đại khác nhau.
Hơn nữa, trong 2 ngày Di sản Quốc gia, các phương tiện vận chuyển, xe lửa, xe bus, taxi, "xe đạp tự phục vụ" Vélib, tàu thuyền, máy bay ... đều tăng ca, tăng toa, tăng chuyến, tăng giờ phục vụ và hạ giá để phục vụ đắc lực cho đồng bào di chuyển xa gần. Cả một đội quân thanh niên nam, nữ tình nguyện phục vụ, làm hướng dẫn viên, trật tự viên, cổ động viên tham gia chương trình Ngày Di sản Quốc gia.
Tối nay 19-9, ngày đầu Di sản năm 2009, đã có gần 10 triệu người tham gia các chương trình trong toàn nước Pháp, vượt xa các năm trước. Ở Paris, đã có 20 ngàn người đến thăm phòng làm việc, đến sát bàn giấy của tổng thống Nicolas Sarkosy. Trụ sở các bộ Ngoại giao, Kinh tế tài chính, Văn hoá... được chiếu cố nhiều nhất. Tại bộ Văn hoá, được đặt trong một phần của Cung Vua (Palais Royal) xưa, bộ trưởng Frédéric Mitterand đích thân tiếp khách, hướng dẫn và giới thiệu cho người đến tham quan về bộ Văn hoá và thông tin, bộ được giao trọng trách chính về tổ chức 2 ngày Di sản Quốc gia suốt 25 năm nay.
Ở địa phương, Núi Saint Michel (Mont St Michel) bên bờ biển Normandie phía Bắc được hàng trăm ngàn người đổ đến tham quan, do sự kiện đặc biệt khánh thành đập ngăn nước, uốn dòng chảy quanh ngọn núi đá nhằm di chuyển cát bồi quanh đảo để ngọn núi độc đáo này có nhà thờ cổ cao vút trở lại là một hòn đảo sóng bể vỗ quanh như xưa, nối với đất liền bằng chiếc cầu mới thanh thoát, với một bãi xe rộng ở chân đảo. Nơi đây có sản vật quý - cừu nuôi thả tự nhiên trên đồng cỏ nhiễm mặn, thịt và sữa có vị thơm riêng đậm đà - cũng được xếp hạng là di sản quý của đất nước.
Đọc nhiều nhất
1