Để đáp ứng với nhu cầu đọc sách Việt và học chữ Việt của con em các gia đình người Việt cư ngụ trong vùng, một phòng đọc sách tiếng Việt đã được thành lập từ năm 2005 tại một thư viện ở Virginia. Cho đến nay phòng đọc sách có khoảng trên 5.000 cuốn và còn phát triển thêm nữa. Mời quý vị theo dõi thêm chi tiết qua phần trình bày của Hà Vũ.
Đọc sách Việt, khuyến khích con em học tiếng Việt không những là nhu cầu không thể thiếu được của cộng đồng Việt Nam cư ngụ trên đất Mỹ cũng như tại các quốc gia khác trên toàn thế giới mà còn giúp bảo tồn văn hóa Việt Nam, nhất là đối với thế hệ trẻ sinh trưởng tại các vùng đất mà cha ông đã đặt chân lên sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Tuy nhiên kinh doanh sách vở, nhất là sách tiếng Việt không phải là một nghề sinh lời. Nhiều nhà sách lần lượt đóng cửa tại vùng Falls Church, với trung tâm Eden là nơi tụ hội, gặp gỡ, mua bán của cộng đồng Việt Nam tại Bắc Virginia, Washington DC và Maryland.
Thấy được nhu cầu cần phải có nơi lưu trữ sách vở, tài liệu bằng tiếng Việt để người tị nạn Việt Nam cư ngụ tại vùng chung quanh thủ đô Washington DC có nơi đọc sách để bồi dưỡng tinh thần cũng như để giữ gìn văn hóa, nguồn cội cho con cháu, hai hội đoàn vùng Bắc Virginia đã cố gắng thành lập một phòng đọc sách tiếng Việt tại Falls Church. Phòng đọc sách này được khánh thành vào ngày 3 tháng 12 năm 2005.
Ông Đỗ Quang Tỏa, một cựu sinh viên Trường Quốc gia Hành chánh, hiện là giám đốc cơ quan phát triển tiểu thương kể lại quá trình thành lập phòng đọc sách tiếng Việt tại Falls Church:
Ông cho biết: “Vào khoảng năm 2003, sau khi tiệm bán sách cuối cùng đóng cửa tại vùng Virginia này thì một số anh chị em có ý kiến là chúng ta nên thành lập một phòng đọc sách tiếng Việt để cho những người Việt Nam muốn đọc sách hoặc những con em Việt Nam muốn trao dồi thêm tiếng Việt có nơi đến để đọc. Do sự vận động của Hội Cựu sinh viên Quốc gia Hành chánh miền Đông Hoa Kỳ và Hội Thân hữu Quảng Đà miền Đông Bắc Hoa Kỳ, chúng tôi đã tiến hành thành lập một Ủy ban yểm trợ phòng đọc sách tiếng Việt tại thư viện Thomas Jefferson tọa lạc tại khu Falls Church, tiểu bang Virginia. Thư viện này được rất nhiều người Việt Nam biết đến tại vì hồi xưa khi mới qua đây định cư, nhiều người Việt Nam ở khu Falls Church này và chỉ cách khu thương mại Eden khoảng chừng hai cây số do đó rất tiện lợi cho vấn đề tới lui cho người Việt Nam. Và vì sự vận động đó nên vào tháng 12, năm 2005, phòng đọc sách tiếng Việt này được chính thức khai mạc rất long trọng với sự chứng kiến của bà Penny Gross, quận trưởng quận Mason, nơi thư viện Thomas Jefferson tọa lạc. Cho đến tháng 6 năm nay chúng tôi đã quyên góp được trên 2.000 cuốn sách. Do đó thư viện Thomas Jefferson hiện thời có khoảng chừng 5.000 cuốn tiếng Việt.”
Để có sách tặng cho phòng đọc sách tiếng Việt tại thư viện Thomas Jefferson, một ủy ban yểm trợ được thành lập với nhiệm vụ thu thập, quyên góp sách cho thư viện.
Bà Lê Tống Mộng Hoa, nguyên chủ tịch Hội Thân hữu Quảng Đà miền Đông Bắc Hoa Kỳ, Phó chủ tịch Ủy ban yểm trợ cho biết:
“Ủy ban yểm trợ phòng đọc sách thư viện Thomas Jefferson do giáo sư Cao Thị Lễ làm chủ tịch, tôi làm phó chủ tịch đi quyên sách của các nhà văn. Chủ trương của chúng tôi là người nào mới xuất bản sách thì chúng tôi xin còn những sách cũ thì khi nào họ có nhiều thì họ cho. Cô Cao Thị Lễ làm Catalogue rồi đem tặng cho thư viện tất cả là 6 đợt, trên 2.000 cuốn.”
Sau nhiều năm hoạt động, thư viện Thomas Jefferson tại Falls Church, nơi có phòng đọc sách tiếng Việt, đang được xây dựng lại cho rộng lớn hơn cũng trên nền đất cũ. Để tỏ lòng tri ân ban giám đốc thư viện dã dành cho cộng đồng Việt Nam một phòng đọc sách tiếng Việt trong thư viện. Những người phụ trách phòng đọc sách Việt Nam thấy cần phải góp phần vào việc xây dựng thư viện Thomas Jefferson mới. Từ đó ý tưởng xây dựng một con đường mang tên là “Con Đường Đến Tự Do” tại thư viện Thomas Jefferson được hình thành.
Ông Đỗ Quang Tỏa giải thích về ý nghĩa con đường này:
“Vào năm 2008 khi nghe tin thư viện sẽ được bành trướng và tân trang lại lớn gấp hai thư viện cũ thì chúng tôi có ý định là cộng đồng Việt Nam cũng có thể đóng góp thêm chút đỉnh vào thư viện này. Sau nhiều lần tiếp xúc với ông giám đốc thư viện và những giới chức của quận Fairfax, chúng tôi được biết thư viện sẽ được vẽ lại và có một con đường lót gạch đỏ, dẫn vào cổng chính của thư viện. Chúng tôi đề nghị là những viên gạch xây con đường này để cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ đóng góp và xây dựng. Qua nhiều lần thảo luận, kiến trúc sư của quận Fairfax vẽ nên con đường này và con đường gồm 1.090 viên gạch và chúng tôi đã được chấp thuận đóng góp để xây dựng con đường này. Và khi chúng tôi đóng góp con đường lót gạch này thì những viên gạch này sẽ khắc tên những người Việt Nam đóng góp vô thư viện. Do đó để kỷ niệm sự định cư của người Việt tị nạn Cộng sản tại quận Fairfax nói riêng và tại nước Mỹ nói chung chúng tôi đặt tên con đường này là Đường đến Tự do, tiếng Anh là Gateway to Freedom. Con đường đến Tự do mang nhiều ý nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất, đây là món quà nhỏ của cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản tặng cho nước Mỹ, là nước đã cho chúng ta cơ hội để sống tự do một lần nữa đồng thời cũng là biểu tượng của sự thành công của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ nhất là qua con đường học vấn. Cuối cùng nữa là để mang lại một dấu tích nơi đó, các con em chúng ta những thế hệ sau này có thể nhìn thấy con đường, những viên gạch lót đường cho thế hệ mai sau đi đến và nhất là qua con đường học vấn, qua kiến thức. Đó là một ý nghĩa mà chúng tôi chọn công trình thư viện để làm công việc này.”
Để có thể có đủ gạch lót con đường tự do này và đóng góp thêm cho việc xây dựng thư viện Thomas Jefferson mới, Ban yểm trợ Dự án “Đường Đến Tự Do” kêu gọi toàn thể cộng đồng người Việt cư ngụ không những chỉ ở vùng Washington DC, Virginia và Maryland mà còn trên toàn nước Mỹ nữa đóng góp vào dự án.
Bà Lê Tống Mộng Hoa cho biết thêm:
“Mình không giới hạn trong cộng đồng ở Virginia, Maryland và Washington DC thôi mà nếu có một người ở California muốn đóng góp thì mình cũng phải để cho họ đóng góp. Thành ra bây giờ ưu tiên cho những người nào đóng góp trước."
Theo sự kêu gọi của Ban Yểm trợ Dự Án “Đường Đến Tự Do” thì người Việt tị nạn tại Mỹ có hai cách tham gia vào dự án.
Cách thứ nhất là đóng góp 1.000 đô la, tên của 30 mạnh thường quân được gọi là Founding Sponsors sẽ được ghi vào bảng lưu niệm tại Thư viện.
Cách thứ hai là đóng góp 50 đô la để mua một viên gạch đỏ lót đường vào thư viện. Tên và địa chỉ của người mua được gọi là Brick Donor sẽ được khắc bằng tia laser vào viên gạch.
Bà Lê Tống Mộng Hoa cho biết tổng kết con số người đóng góp vào dự án này cho đến nay:
“Cho đến ngày hôm qua Founding Sponsor được 20 người rồi, còn có 10 người nữa, nhưng mà Brick Donor còn ít, mới 70 thành ra mình cần phải loan báo rộng rãi về người đóng góp viên gạch.”
Tuy nhiên có một điều quan trọng được ban yểm trợ phòng đọc sách Việt Nam quan tâm là để có thể duy trì số sách tiếng Việt tại thư viện cần phải vận động để có nhiều người đến đọc sách, nếu không, sách sẽ được mang đi cho hoặc bán đấu giá.
Ông Đỗ Quang Tỏa giải thích thêm:
“Nếu chúng ta để sách trong vòng một năm không ai đọc, không ai mượn, không ai tới coi thì thư viện sẽ đem đi bán hoặc cho. Do đó sau khi chương trình này hoàn tất thì chúng tôi sẽ có một chiến dịch kêu gọi mọi người đến đọc sách nhất là dẫn con em nhỏ đến đọc, tại vì thư viện sách nếu không có người đọc thì vì không có chỗ chứa, họ sẽ bỏ đi.”
Theo dự trù bắt đầu vào đầu tháng giêng năm 2010, Con đường đến Tự Do bắt đầu được lát và dự trù vào tháng 10 cùng năm, con đường cũng như Thư viện Jefferson mới, trong đó có phòng đọc sách Việt Nam sẽ được khánh thành.
Đọc nhiều nhất
1