Các Bộ trưởng Tài chính và quan chức Ngân hàng Trung ương từ các nền kinh tế đang phát triển và các nền kinh tế tiên tiến đang tập trung về thủ đô Washington của Hoa Kỳ để dự hội nghị của Ngân hàng Thế giới và Quĩ Tiền tệ Quốc tế, kéo dài trong 3 ngày từ hôm nay, thứ sáu đến hết ngày chủ nhật. Thông tín viên đài VOA Barry Wood tường thuật về vấn đề này như sau.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trong tình trạng trì trệ nghiêm trọng nhất kể từ sau thế chiến thứ hai. Tăng trưởng kinh tế của châu Âu, Nhật Bản, và Bắc Mỹ ở mức âm, trong khi tăng trưởng của Trung Quốc và Ấn Độ đang chậm lại. Tổng giám đốc Quĩ Tiền tệ Quốc tế Dominique Strauss-Kahn nói rằng tình hình giao thương sút giảm nhanh chóng càng làm cho viễn ảnh kinh tế, vốn đã u ám, lại càng trở nên tệ hơn.
Ông Dominique Strauss-Kahn nói: “Trong tình hình khủng hoảng hiện nay, hoạt động xuất khẩu của các nước đang phát triển và nhập khẩu của các nước tiên tiên đã giảm rất nhiều. Và sự suy sụp của hoạt động thương mại là một tin xấu, và là tin khá gần đây. Vì vậy chúng ta phải xét đến yếu tố này khi tính toán các con số dự đoán về tình hình kinh tế.”
Quĩ Tiền tệ Quốc tế đã hạ rất nhiều mức dự đoán về triển vọng kinh tế toàn cầu, thậm chí ngay từ tháng giêng, một phần là vì lượng giao thương sút giảm.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick, nói rằng trong khi chính phủ ứng phó với tình trạng kinh tế co cụm thì đồng thời họ lại bị áp lực về mặt chính trị thúc đẩy họ phải bảo hộ các công nghiệp nội địa.
Chủ tịch Zoellick nói rằng trong những tuần lễ từ sau hội nghị giữa các nhà lãnh đạo các nước đang phát triển hàng đầu và các nền kinh tế lớn, thuộc khối G20, tại thủ đô London của Anh, áp lực bảo hộ đã lan tràn.
Ông Zoellick nói: “Từ sau hội nghị G-20, cách nay chưa đến 3 tuần, mà đã có 9 nước trong khối áp dụng hoặc đang xét đến việc áp dụng 23 biện pháp hạn chế mậu dịch, bất lợi cho các quốc gia khác. Con số này chiếm gần một nửa số các nước thành viên G-20.”
Các Bộ trưởng Tài chính khối G-20 sẽ họp vào hôm nay, thứ sáu, để thảo luận về mậu dịch và các biện pháp khác có thể giúp chận đà suy sụp kinh tế trên toàn cầu.
Hội nghị này được tổ chức tiếp theo sau cuộc họp sáng thứ sáu giữa Bộ trưởng Tài chính của 7 quốc gia công nghiệp hàng đầu, thường được gọi là nhóm G-7. Nhóm G-7 theo thông lệ đề ra nghị trình cho Quĩ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.
Đọc nhiều nhất
1