Hai vị đặc sứ của Đức Đạt Lai Lạt Ma đang trên đường tới Bắc Kinh để thảo luận với các giới chức Trung Quốc về vấn đề Tây Tạng. Theo tường thuật do thông tín viên Anjana Parischa của đài VOA gởi về từ New Dehli, cuộc thảo luận diễn ra vài ngày sau khi nhà lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng bày tỏ bất mãn đối với tình trạng thiếu tiến bộ trong cuộc đàm phán với Trung Quốc.
Hôm nay phát ngôn viên của Đức Đạt Lai Lạt Ma bày tỏ hy vọng là các giới chức Trung Quốc sẽ nhân vòng đàm phán mới nhất này với các đặc sứ của nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng để đưa ra điều mà ông gọi là 'phản ứng tích cực'.
Cuộc đàm phán này là sự tiếp nối của một cuộc đối thoại bắt đầu từ năm 2002 và diễn ra vài ngày sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma đưa ra một lời tuyên bố khá bất thường, đó là Ngài không còn hy vọng là cuộc đối thoại với Trung Quốc sẽ mang lại bất kỳ giải pháp nào cho vấn đề Tây Tạng.
Lâu nay nhà lãnh đạo tinh thần này vẫn mưu tìm một hình thức tự trị chính trị nào đó để người dân Tây Tạng được tự do theo đuổi tôn giáo và văn hóa của mình.
Tuy nhiên, cuối tuần qua Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố tại một buổi lễ rằng ông quyết định 'bỏ cuộc' vì cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa có hồi đáp tích cực nào trong các cuộc đàm phán. Ngài gợi ý là giới lãnh đạo Trung Quốc không muốn giải quyết vấn đề Tây Tạng bằng một đường lối thực tế.
Phát ngôn viên của Đức Đạt Lai Lạt Ma Tenzin Takhla cho biết người dân Tây Tạng đang bực dọc.
Ông Takhla nói: "Đức Đạt Lai Lạt Ma, cùng với toàn thể nhân dân Tây Tạng, đã cảm thấy bất mãn về việc không có hồi đáp, không có phúc đáp tích cực từ phía Trung Quốc. Thay vì thừa nhận là có một vấn đề bên trong Tây Tạng thì Trung Quốc nhất mực nói rằng mọi việc đều tốt đẹp và người dân Tây Tạng ở Tây Tạng rất hạnh phúc. Họ cứ đổ lỗi cho Đức Đạt Lai Lạt Ma gây ra vụ hỗn loạn. Họ cứ nói rằng không có vấn đề Tây Tạng. Vì vậy cho nên chúng tôi hy vọng là Trung Quốc sẽ nhân dịp này để đưa ra một phúc đáp tích cực."
Cuộc thảo luận trong tuần này là cuộc thảo luận thứ nhì giữa các đặc sứ của Đức Đạt Lai Lạt Ma và Bắc Kinh kể từ khi các lực lượng an ninh Trung Quốc đàn áp cuộc nổi dậy chống Trung Quốc bùng ra hồi tháng 3 ở Tây Tạng.
Bắc Kinh tố cáo rằng những người ủng hộ Đức Đạt Lai Lạt Ma chủ mưu vụ bạo động trong khi nhà lãnh đạo Tây Tạng nói rằng những vụ phản kháng đó là một phong trào của người dân.
Các giới chức Tây Tạng ở Ấn độ đã quyết định triệu tập một hộïi nghị qui tụ các đại biểu của những tổ chức chính trị và cộng đồng người Tây Tạng lưu vong vào trung tuần tháng 11 để thảo luận về cuộc đối thoại với Trung Quốc. Một số các nhà quan sát nói rằng hội nghị này có thể bàn về việc thay đổi sách lược.
Từ trước đến nay, Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn theo đuổi đường lối mà Ngài gọi là 'trung đạo', với nội dung chính là bất bạo động và đối thoại với Trung Quốc. Tuy nhiên, đường lối này đang ngày càng mất đi ảnh hưởng trong giới trẻ Tây Tạng lưu vong.
Trung Quốc đã cai trị Tây Tạng từ năm 1951 và thường xuyên bác bỏ những cáo giác cho rằng họ bách hại dân chúng ở khu vực này.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1