Các nhà lãnh đạo các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới đã kết thúc
hội nghị thượng đỉnh trong 3 ngày bằng cuộc họp với các đối tác của các
nền kinh tế chính đang nổi lên để đề nghị điều mà họ gọi là một ‘viễn
kiến’ về biến đổi khí hậu. Từ Hokkaido, phái viên Kurt Achin của đài VOA gửi về bài
tường thuật sau đây.
Tổng thống George W. Bush là người đầu tiên
rời hội nghị thượng đỉnh G-8 ngay sau khi bế mạc tại bắc bộ Nhật Bản,
với lời ca ngợi tiến bộ đạt được tại cuộc họp về nhiều vấn đề khác
nhau.
Tổng thống Bush nói: “Bằng cách bảo vệ môi trường của
chúng ta, chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, phòng chống bệnh tật, và
quảng bá phát triển, cải thiện sinh hoạt hàng ngày cho hàng triệu trên
thế giới, chúng ta phục vụ cho quyền lợi của chúng ta trong tư cách là
người Mỹ và chúng ta phục vụ quyền lợi của thế giới.”
Trung
tâm điểm của cuộc họp 3 ngày là thỏa thuận rộng rãi ngày hôm qua giữa
các nhà lãnh đạo G-8 nhằm cắt giảm khí thải carbon ít nhất xuống phân
nửa trước năm 2050. Sự thải khí này bị quy cho là gây ra tình trạng
tăng nhiệt toàn cầu.
Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda cho biết
hôm nay, các nhà lãnh đạo đã thảo luận mục tiêu đó với các nhà lãnh đạo
của các nền kinh tế đang nổi lên, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ và
Brazil.
Thủ tướng Nhật nói rằng đây là lần đầu tiên có một cuộc
thảo luận rộng rãi như thế về đề tài phòng chống tình trạng biến đổi
khí hậu toàn cầu. Ông nói rằng tất cả các quốc gia có liên quan đã bầy
tỏ ý chí chính trị vững vàng muốn giảm thiểu việc thải khí.
Nhưng
chỉ có 3 trong số các nền kinh tế đang nổi lên là Indonesia, Nam Triều
Tiên và Australia, là đưa ra cam kết rõ ràng đối với kế hoạch giảm
thiểu 50%. Như thế là không có sự đồng thuận của hai trong số các nước
gia tăng việc thải khí nhiều nhất thế giới là Ấn Độ và Trung Quốc.
Thủ
tướng Ấn Độ Manmohan Singh nói rằng bảo đảm an toàn lương thực, sức
khỏe công chúng, và quản lý các tài nguyên nước hiếm hoi là ưu tiên
hàng đầu của ông. Hơn một nửa tỷ người Ấn Độ sống trong cảnh nghèo khó
cùng cực, với chưa đầy 1 đôla một ngày.
Trung Quốc cũng không
muốn thực thi các biện pháp có thể gây phương hại cho sự phát triển
kinh tế và có rủi ro bất ổn chính trị. Các nhà hoạt động cho môi trường
gay gắt chỉ trích các mục tiêu về khí hậu của khối G-8 là không định ra
được các mục tiêu bằng con số cụ thể cho việc giảm thiểu khí carbon.
Mục
tiêu 50% không liên kết với bất cứ năm nào lấy làm cơ sở cụ thể để tính
toán. Các mục tiêu ngắn hạn hơn đang được hối thúc, nhưng còn tùy thuộc
hoàn toàn vào sự phán đoán của các quốc gia thành viên. Thủ tướng
Fukuda cho rằng thỏa thuận dọn sân cho các cuộc đàm phán sau này.
Nhà
lãnh đạo Nhật nói rằng ý chí kiên quyết bầu tỏ trong thỏa thuận về khí
hậu sẽ biến thành động năng vào năm tới, khi một hội nghị do Liên hiệp
quốc chủ trì sẽ đi tìm một thỏa thuận toàn cầu về vấn đề biến đổi khí
hậu. Ông hứa rằng Nhật Bản sẽ chứng tỏ sự lãnh đạo, bằng cách tập trung
vào một số các mục tiêu kiên quyết hơn của thế giới về giảm thiểu khí
thải.