Trong ngày làm việc thứ nhì tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn
Dũng đã đến Bộ Thương mại vào sáng thứ Ba để chứng kiến lễ ký kết
một số hiệp định và hợp đồng thương mại giữa hai nước, trước khi đến
Tòa Bạch Ốc hội kiến cùng Tổng thống Bush. Lê Dân của Ban Việt
Ngữ đài VOA đã có mặt tại trụ sở bộ Thương mại Mỹ ở Washington và có
bài tường trình sau đây.
Hôm Chủ nhật, khi phái đoàn của Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Hoa Kỳ, đại diện cao cấp nhất của Chính phủ
Mỹ ra tiếp đón ông tại sân bay quân sự Andrews chỉ là phó trợ lý Ngoại
trưởng, ông Scott Marciel và đại sứ hai nước, thay vì phải là một quan
chức cấp cao hơn theo thông lệ ngoại giao quốc tế.
Tuy nhiên, sự
kiện đó không có ý nghĩa gì nhiều, nếu so sánh với những thành quả
thương mại mà phía Việt Nam hy vọng sẽ đạt được trong chuyến đi này của
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nếu không hơn thì cũng phải tương đương với
kỳ thăm viếng Hoa Kỳ của cựu Thủ tướng Phan Văn Khải vài năm trước.
Phát biểu tại buổi lễ ở trụ sở Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết:
"Tôi
rất lấy làm vui mừng đến đây hôm nay để chứng kiến lễ ký kết giữa bộ
Thương mại Việt Nam và Hoa Kỳ về Xúc tiến Thương mại giữa hai bên và
chứng kiến ký kết một số hợp đồng kinh tế, tiêu biểu cho việc hai bên
tiếp tục thúc đẩy thương mại, đầu tư."
Bộ trưởng Thương mại Hoa
Kỳ Carlos Gutierez cho biết những doanh nghiệp Mỹ tham dự buổi lễ
ký kết hôm nay sẽ giúp Việt Nam đáp ứng các nhu cầu về viễn thông, phát
triển cảng biển, hàng tiêu dùng, khai thác quặng mỏ, hàng không và phát
triển phần mềm điện toán.
Kết quả ngày hôm nay đã bắt nguồn một
phần từ chuyến viếng thăm Việt Nam hồi năm ngoái của Bộ trưởng Carlos
Gutierez cùng với phái đoàn gồm 23 doanh nghiệp lớn của Mỹ dò tìm thị
trường mới.
Trong số các doanh nghiệp đó, có hai tập đoàn Alcoa
và Gannon ký kết hợp đồng ngày hôm nay dưới sự chứng kiến của Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng.
Trong bài nói chuyện, ông Nguyễn Tấn Dũng cam
kết là Việt Nam sẽ thực hiện tất cả những nghĩa vụ đã hứa khi tham gia
vào Tổ chức Thương mại Thế Giới WTO.
Ông Dũng nói: "Việt Nam
sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, bao gồm cả thể chế luật pháp,
thủ tục hành chính, rồi về kết cấu hạ tầng, kinh tế xã hội, rồi đào tạo
nguồn nhân lực. Để tạo ra môi trường đầu tư -kinh doanh - thương mại ở
Việt Nam ngày càng minh bạch, thông thoáng, thuận lợi cho các nhà đầu
tư nước ngoài, trong đó có Hoa Kỳ đến đầu tư kinh doanh thành công ở
Việt Nam."
Trong số những hợp đồng được ký kết có hợp đồng được
tập đoàn khoáng sản Alcoa theo đuổi từ năm 2002 tới nay, cho phép thành
lập công ty liên doanh cổ phần khai thác quặng bô-xít ở Đắc Nông. Theo
thông tin từ tập đoàn này thì phía Việt Nam sẽ nắm giữ 51% cổ phần, bán
ra ngoài công chúng 9% và Alcoa chỉ giữ 40%. Do Việt Nam chưa có lò
luyện nhôm nên phần lớn quăng bô-xít sẽ được chuyển sang tinh chế tại
cơ xưởng của Alcoa tại Brunei.
Tập đoàn Motorola ký hợp đồng với
tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam trị giá 28 triệu đôla để phát
triển mạng GSM tại 12 tỉnh thành miền Bắc.
Vietnam Airlines ký
bản ghi nhớ với tổ hợp Sabre để mua các phần mềm điện toán giành cho
việc đăng ký vé máy bay qua mạng, kiểm soát phi trình và quản trị hàng
tồn kho.
Đổi lại, phía Việt Nam trao cho tổ hợp Mỹ SSA Marine và
công ty cổ phần Cảng Cái Lân chứng chỉ đầu tư thành lập công ty trách
nhiệm hữu hạn Cảng Quốc tế Côngtenơ Cái Lân trong tỉnh Quảng Ninh.
Tập đoàn Bia Gannon được trao chứng chỉ đầu tư thành lập cơ sở sản xuất và đóng chai bia trong tỉnh Long An.
Theo
kế hoạch, phái đoàn Việt Nam sẽ còn ký kết bản ghi nhớ, hợp đồng thương
mại và trao chứng chỉ đầu tư tại một số địa điểm khác trong hành trình
kỳ này. Điển hình như tại Houston bang Texas vào thứ Tư và thứ Năm.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1