Ngày 30 tháng Tư sắp đến là thời điểm đánh dấu 33 năm chiến tranh Việt Nam kết thúc và cũng là ngày mở đầu cho nhiều người Việt rời bỏ quê hương đi tị nạn khắp nơi trên thế giới mà nhiều nhất là tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, sau khi thiết lập bang giao với Hoa Kỳ vào năm 1995, Việt Nam đã trải qua rất nhiều thay đổi, đặc biệt là trong lãnh vực hội nhập với cộng đồng quốc tế. Nhân dịp sắp đến ngày đánh dấu biến cố 30 tháng Tư, bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, chủ tịch Tổ Chức Quốc Tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản tại Việt Nam của bác sĩ Nguyễn Đan Quế, đã dành cho đài chúng tôi một cuộc phỏng vấn về những sự kiện đã xảy ra tại Việt Nam trong một năm qua trong một số lãnh vực. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn do Trần Nam thực hiện.
Trong buổi điều trần hồi trung tuần tháng trước tại Thượng Viện Hoa Kỳ, ông Christopher Hill, Trợ Lý Ngoại Trưởng Hoa Kỳ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương có nói rằng các mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã phát triển mạnh trong một số lãnh vực kể từ khi hai nước thiết lập bang giao vào năm 1995, tuy nhiên một số vấn đề liên quan đến nhân quyền vẫn chưa được cải thiện.
Và trong cuộc tiếp xúc mới đây với phóng viên Trần Nam của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, khi đề cập đến những diễn tiến tại Việt Nam trong thời gian một năm qua kể từ ngày 30 tháng Tư năm ngoái, Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, chủ tịch Tổ Chức Quốc Tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản tại Việt Nam của Bác sĩ Nguyễn Đan Quế nhận định về những tiến bộ của Việt Nam trong lãnh vực hội nhập với cộng đồng quốc tế như sau.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân: "Trong năm qua sau khi được gia nhập tổ chức thương mại thế giới thì Việt Nam cũng đã vận động được trở thành hội viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Nhờ hai sự kiện mà họ xem như là chiến thắng này họ đã quảng bá và tuyên truyền rằng Việt Nam là một nước ổn định và đang phát triển về kinh tế và đang tiến tới dân chủ. Tuy nhiên, trên thực tế thì trong buổi thuyết trình mới đây tại Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ chúng tôi đã nêu lên rằng Việt Nam trên thực tế vẫn là một nước độc đảng và mất ổn định, và họ có thể sụp đổ bất cứ lúc nào vì rằng họ khó đối phó với một số vấn đề mà họ không thể nào giải quyết được."
VOA: Thưa bác sĩ, có những sự kiện nào để có thể cho rằng chính phủ Việt Nam không thể giải quyết được?
Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân: "Thứ nhất là nạn tham nhũng. Chúng tôi nói rằng trong một chế độ độc đảng, trong đó 3 ngành Hành Pháp, Lập Pháp, Tư Pháp không được đứng độc lập với nhau và đều dưới quyền kiểm soát của đảng thì không có cách nào bài trừ tham nhũng được cả. Thứ hai là vấn đề lạm phát. Mặc dù nhà cầm quyền Việt Nam quảng bá là họ có mức tăng trưởng hàng năm là 8,5% nhưng mà họ quên nhắc đến nạn lạm phát là 12% mà bây giờ trên thực tế là lên đến 18% đến 20%. Và nạn lạm phát đó đã càng ngày càng trở nên trầm trọng vì chính sách quản trị kinh tế tài chính hết sức yếu kém của Việt Nam đồng thời cái nạn gia tăng giá dầu ở Việt Nam cũng đã đóng góp rất nhiều và sự gia tăng lạm phát."
VOA: Trong thời gian gần đây một số người, trong đó có thành phần trẻ tại Việt Nam, đã mạnh dạn lên tiếng về vấn đề Hoàng Sa Trường Sa, bác sĩ có nghĩ rằng đó là một dấu hiệu của sự nới lỏng một phần nào về vấn đề tự do ngôn luận?
Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân: "Tôi không tin như vậy, Việt Nam trong thời gian gần đây đã công khai tuyên bố vấn đề dâng hiến đất đai của tổ quốc cho ngoại bang, và đồng thời cái nạn buôn bán trẻ em và phụ nữ, trẻ con cũng đã làm cho Việt Nam mang tai tiếng và mất hết uy tín đối với dân chúng. Ðiều này đã làm chạm đến tự ái của người dân Việt Nam, nhất là những người trẻ, và họ đã có những phản ứng rất là quyết liệt, cái mặt nạ cuối cùng của Cộng Sản Việt Nam cũng đã rơi xuống vì lâu nay họ vẫn dựa vào câu nói chúng tôi vẫn tranh đấu cho tự do dân chủ và bảo vệ tổ quốc. Ngoài ra tất cả thành phần trong xã hội như là các tổ chức tôn giáo sự chống đối, tất cả các hoạt động tôn giáo đều bị kiểm soát."
VOA: Theo tin tức thì trong tháng tới, một đại hội tôn giáo quốc tế sẽ được tổ chức tại Việt Nam dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, bác sĩ có nghĩ rằng đây là dấu hiệu của sự cải thiện các sinh hoạt tôn giáo?
Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân: "Thưa anh, tôi nghĩ là không vì cái này họ tổ chức đại hội tôn giáo, theo tôi nghĩ là Phật Giáo, có sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, nhưng mà thật sự thì họ chỉ cho những người đi theo đảng, thành phần Phật Giáo đã ghi danh hoạt động với nhà cầm quyền Cộng Sản, nghĩa là chấp nhận sự kiểm soát của nhà cầm quyền Cộng Sản mới được tham dự mà thôi. Riêng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vẫn bị đặt ra ngoài vòng pháp luật và không được mời tham dự. Riêng trường hợp các tôn giáo khác như Công Giáo chẳng hạn thì một số đất đai và tài sản của Giáo Hội vẫn còn bị nhà cầm quyền Cộng Sản chiếm giữ, đồng thời việc bổ nhiệm các chức sắc trong Giáo Hội, các giới chức quan trọng để lãnh đạo trong giới công giáo vẫn phải có sự chấp thuận của nhà cầm quyền Cộng Sản; còn các tôn giáo địa phương như là Cao Đài, Hòa Hảo cũng không khác gì hơn, tất cả đều bị kiểm soát. Riêng về Tin Lành, những người Thượng Tin Lành trên cao nguyên đều hoàn toàn bị kiểm soát và họ vẫn có những chính sách lấn chiếm đất đai và bắt người Thượng ở cao nguyên đi theo đạo Tin Lành phải bỏ đạo."
VOA: Nói đến vấn đề tự do tôn giáo thì không thể không nói đến những quyền cơ bản của con người tức là nhân quyền, bác sĩ có nhận thấy những tiến bộ nào của Việt Nam trong lãnh vực này?
Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân: "Vâng thưa anh về vấn đề nhân quyền thì trong năm vừa qua chế độ Cộng Sản, sau khi gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới thì đã một mặt đàn áp các nhà dân chủ ở trong nước, mặt khác làm như đã có vẻ bắt tay được với Hoa Kỳ và đồng ý cho đàn áp những người chống đối ở Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó đã không làm dập tắt được sự tranh đấu của đồng bào ở trong nước để đòi hỏi những nhân quyền căn bản là tự do thông tin, tự do phát biểu ý kiến và tự do hội họp. Và trong cuộc thăm viếng của ông Phó Phụ Tá Tổng Trưởng Ngoại Giao đặc trách Đông Bộ Á Châu và Thái Bình Dương viếng thăm Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, ông ấy đã xác nhận một số điều. Thứ nhất, ông ấy nói rằng chính sách của Hoa Kỳ ưu tiên hàng đầu vẫn là nhân quyền, tức là phát triển kinh tế, gia tăng viện trợ, gia tăng trao đổi giáo dục và văn hóa nhưng mà nhân quyền vẫn đứng hàng đầu. Thứ hai là việc thăm viếng này mặc dù bị nhà cầm quyền Việt Nam phản đối nó cũng chứng tỏ rằng nhà cầm quyền Cộng Sản không thể nào quên được, không thể nào làm như không có đối lập tại Việt Nam. Và ông Scott Maxwell đã nhấn mạnh với nhà cầm quyền Cộng Sản phong trào đối lập phải là thành phần trong tiến trình dân chủ hóa Việt Nam."
VOA: Khi nói đến bác sĩ Nguyễn Đan Quế, thưa bác sĩ có thể cho biết tình trạng của bác sĩ Nguyễn Đan Quế tại Việt Nam hiện nay ra sao?
Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân: "Thưa anh, sau khi xảy ra cuộc thăm viếng bất ngờ của ông Phó Phụ Tá Tổng Trưởng Ngoại Giao sang hỏi thăm bác sĩ Quế về vấn đề, thứ nhất là hỏi thăm bác sĩ Quế về đường hướng mà chính phủ Hoa Kỳ hiện nay nhắm tới ở Việt Nam là dùng kinh tế và viện trợ và dùng những trao đổi về văn hóa giáo dục để thúc đẩy để mà giúp đỡ cho vấn đề phát triển nhân quyền tại Việt Nam thì bác sĩ Quế cũng nói rằng đó là những điều mà ông ấy đã đề nghị với chính phủ Hoa Kỳ từ năm 2000, xuyên qua những bài báo mà ông ấy đã viết trên tờ Wall Street Journal như là 'Đã Đến Lúc Dân Tộc Chúng Tôi Phải Mở Cửa' - It's Time To Open Up, hoặc là 'Hãy Để Cho Dân Tộc Chúng Tôi Giao Thương' - Let Our People Trade. Ông Quế cám ơn và nói rằng các ông đã thi hành lời hứa đó và tôi nghĩ rằng đó là đường lối đúng, nếu quí vị tiếp tục đi thì quí vị sẽ có được dân chủ tại Việt Nam một cách ôn hòa. Sau đó thì họ cũng hỏi làm thế nào mà có thể áp dụng cái lộ trình 9 điểm, và trao đổi với bác sĩ Quế về tất cả những chi tiết về việc làm sao, các phe phái phải làm gì để giúp cho lộ trình này có thể xúc tiến và tránh được sự đổ máu."
VOA: Thưa bác sĩ, sau cuộc tiếp xúc đó thì bác sĩ Quế có gặp khó khăn nào với chính quyền địa phương hay không?
Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân: "Mặc dù không ngăn cản được cuộc tiếp xúc nhưng sau đó thì họ cô lập bác sĩ Quế hoàn toàn, tức là những phương tiện như là telephone, cellphone, máy fax, computer đều bị lấy đi hết cả."
VOA: Như vậy cho đến nay, bác sĩ Quế vẫn còn bị cô lập hay là tình hình đã khá hơn?
Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân: "Hiện nay thì bác sĩ Quế nói rằng rất khó khăn cho sự liên lạc với bên ngoài. Tuy nhiên, sức khỏe và tinh thần của bác sĩ Quế thì rất là vững vàng, và vẫn tin tưởng vào tương lai của dân tộc, nhất là tin tưởng rằng giới trẻ sẽ đóng góp rất nhiều trong vấn đề dân chủ hóa Việt Nam."
VOA: Cám ơn bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, chủ tịch Tổ Chức Quốc Tế Yểm Trợ Cao Trào Nhân Bản tại Việt Nam đã dành cho Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ buổi phỏng vấn hôm nay.