Nhân ngày 30 tháng 4 năm nay, Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, một trong số những nhân vật bất đồng chính kiến và cựu tù nhân lương tâm nổi tiếng nhất Việt Nam, đã trả lời phỏng vấn của Đài VOA về một số mặt đáng chú ý trong tình hình Việt Nam hiện nay. Sau đây là toàn văn cuộc phỏng vấn do Nguyễn Lê thực hiện.
VOA: So với những năm trước, kỷ niệm ngày 30 tháng 4 năm nay diễn ra trong tình hình Việt Nam có những gì đáng quan tâm?
GS HOẠT: Năm nay ở Việt Nam có rất nhiều vấn đề mới đáng chú ý. Vấn đề thứ nhất là trước đây hơn 1 tháng đã có những chuyện xảy ra về vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa, rồi ngay gần đây là vấn đề rước đuốc Thế vận Olympic, mà nghe dư luận ở trong nước cũng bàn tán xôn xao là có thể Trung Quốc sẽ rước đuốc qua Hoàng Sa – Trường Sa. Thành ra những cái tin như vậy cũng đã gây một phản ứng ở trong nước, và đang có những chuẩn bị để có thể biểu tình chống đối việc rước đuốc này và nhất và việc đưa đuốc qua Hoàng Sa - Trường Sa. Đấy là vấn đề thứ nhất.
Thứ hai là vấn đề kinh tế, là vấn đề có thể nói là đụng chạm đến tất cả các tầng lớp người dân ở trong nước hiện nay. Vấn đề lạm phát, như chúng ta đã theo dõi, thì đều đã thấy rằng nó rất là trầm trọng, đặc biệt là đối với vấn đề thực phẩm, nhu yếu phẩm, có thể lên đến 30 phần trăm. Hiện nay đã lên đến hai ba chục phần trăm rồi, và có thể còn hơn nữa. Đồng thời cũng có tin rằng có thể trong vài tháng tới đây thì nhà nước sẽ tăng giá xăng, và kể cả giá gạo cũng có thể bị tăng, vì gạo càng ngày càng thiếu rồi. Đây là những vấn đề rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, mà trong suốt nhiều năm qua nhờ kinh tế tương đối có phát triển, thì đời sống cũng tương đối lên rồi. Nhưng mà như chúng ta biết, phát triển kinh tế không có gốc rễ và không bền vững cho nên rất dễ gây ra khủng hoảng. Bây giờ chúng ta đang thấy lạm phát là một mối đe dọa nghiêm trọng cho đời sống quần chúng và cho sự ổn định xã hội. Hai vấn đề này, một vấn đề liên hệ tới danh dự và lãnh thổ lãnh hải của đất nước và danh dự của dân tộc. Vấn đề thứ hai liên hệ tới sự quản lý yếu kém của nhà nước về mặt kinh tế - tài chính. Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề nổi bật nhất trong dịp 30 tháng 4 này.
VOA: Đâu là nguyên nhân gốc rễ của những vấn đề đó?
GS HOẠT: Nguyên nhân chính yếu vẫn là sự lãnh đạo độc quyền, độc tài, toàn trị của Đảng Cộng sản. Tôi nghĩ đấy là nguyên nhân chính, nguyên nhân gốc rễ của nó. Nói một cách khác, hệ thống chính trị hiện nay của Việt Nam không đáp ứng đuợc với tình hình phát triển riêng của đất nước, cũng như với sự thức tỉnh, hiểu biết của quần chúng, của thanh niên, sinh viên, học sinh, của những thành phần, kể cả thành phần lao động, thành phần nông dân. Họ càng ngày càng thấy rõ là đời sống, mặc dù có tăng tiến, nhưng bất công xã hội rất là nhiều, các tệ đoan xã hội cũng ngày càng gia tâng, nạn cường quyền ác bá ức hiếp nhân dân, đặc biệt ở nông thôn, nạn tham nhũng, v.v. nạn đặc quyền đặc lợi, cấu kết với nhau. Những vấn đề đó đều do sự lãnh đạo độc quyền, không có những tiếng nói đối lập, độc lập để phản biện lại người cầm quyền. Đây là nguyên nhân chính mà tôi nghĩ là nó đã gây ra, kể cả vấn đề lãnh thổ lãnh hải, cũng như vấn đề danh dự của dân tộc bị một cường quốc ở phương Bắc xâm phạm. Tôi nghĩ rằng nó cũng do sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã đi theo một đường lối chung với Trung Quốc từ nhiều năm nay, từ mấy chục năm nay, mặc dù đã có một thời gian đánh nhau với Trung Quốc, vì lúc đó do chịu ảnh hưởng của Liên Xô và sự mâu thuẫn Liên Xô - Trung Quốc. Thế nhưng ngay sau đó và từ đó đến nay thì ảnh hưởng Trung Quốc lại lấn át lên, mà Đảng Cộng sản thì vì đã chấp nhận đi theo một đường lối chung với Trung Quốc thì chắc là rất khó khăn trong tương quan với Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng đó là tất cả nguyên nhân gốc của cả hai vấn đề lãnh thổâ lãnh hải của đất nước.
VOA: Cách giải quyết thực tế nhất cho những vấn đề đó trong bối cảnh quốc nội và quốc tế hiện nay là như thế nào?
GS HOẠT: Có hai giải pháp. Giải pháp cấp thời thì cần phải thay đổi đường lối lãnh đạo để chấp nhận những tiếng nói phản biện một cách độc lập đối với người đang cầm quyền dù là nhà cầm quyền hiện nay chỉ là một đảng. Thứ hai là phải cho phép có tiếng nói của những chuyên viên, tức là những người có khả năng điều hành đất nước theo đúng chuyên môn. Đất nước hiện nay không thể được điều hành bởi những nghị quyết của đảng, cũng như bởi đường lối chính trị. Hiện nay thì đảng vẫn dùng đường lối chính trị độc quyền của mình để lấn át lên tất cả các lĩnh vực hoạt động của xã hội, đặc biệt là tiếng nói của những chuyên viên về kinh tế - tài chính, tiếng nói phản biện độc lập của báo chí chống lại tham nhũng, tiếng nói của những nhà giáo có lòng và có khả năng. Hiện nay tất cả những người đó không được nói lên tiếng nói độc lập và có thể nói là phản biện với chính phủ một cách thật sự độc lập. Thứ hai là những người điều hành chính phủ cũng không được độc lập về mặt chuyên môn để có thể điều hành cho có hiệu quả. Điều này thì rất nhiều người hiện nay ở trong nước cũng đã nêu lên, trong đó có những người về kinh tế như ông Lê Đăng Doanh hay là những người về chính trị như cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Trong bài gần đây nhất của ông, ông Kiệt cũng thấy rõ là khả năng quản lý đất nước của chính phủ hiện nay rất là yếu kém do nguyên nhân không chịu chấp nhận, một là những tiếng nói phản biện độc lập của xã hội và của báo chí, hai là những tiếng nói và những quyết định của các chuyên viên. Đó là giải pháp gần.
Giải pháp xa, dài hơn thì tất nhiên phải có một chế độ mới, chế độ dân chủ thật sự. Chế độ đó mới phù hợp với Việt Nam trong thời đại hiện nay, thời đại của toàn cầu, thời đại mà một chế độ dân chủ mới đủ tín nhiệm, đủ tính chính thống đại diện của nhân dân để có thể đối thoại với bất cứ một quốc gia, một cường quyền nào. Phải chấp nhận chế độ dân chủ thì mới có được tiếng nói đó đối với quốc tế cũng như đóng một vai trò rất quan trọng trong quốc tế. Thí dụ như đã ở trong Hội Đồng Bảo An, với tư cách hội viên không thường trực, thì phải có một chính phủ xứng đáng và đại diện thật sự của nhân dân và của quốc gia. Chúng tôi nghĩ rằng đấy là giải pháp bắt buộc phải đi tới thì tất cả những gốc rễ của các vấn đề kia mới giải quyết được.
VOA: Tất cả những vấn đề Giáo sư vừa nêu đều đòi hỏi những giải pháp cấp bách và toàn diện. Nhưng nếu phải chọn lựa, thì những vấn đề nào đáng được dành ưu tiên giải quyết cao nhất?
GS HOẠT: Những người Việt Nam quan tâm tới tình hình đất nước hiện nay kể cả trong nước lẫn hải ngoại, những người thật sự muốn đặt quyền lợi của đất nước và dân tộc lên trên quyền lợi của đảng phái, của tôn giáo, của địa phương, cục bộ riêng tư, muốn đặt quyền lợi chung của toàn thể nhân dân lên trên hết, thì tất cả những ai quan tâm đến tình hình đất nước, trên cái quan điểm như vậy thì đều rất là lo âu. Bởi vì trong tình hình hiện nay của đất nước, những sự phát triển hiện nay hoàn toàn thiếu sự bền vững và thiếu cơ sở lâu dài, và sự phát triển đó đang gây ra rất nhiều vấn nạn rất to lớn cho đất nước và dân tộc. Những vấn nạn lớn nhất, theo tôi nghĩ, là vấn nạn về văn hóa, về sự suy đồi của văn hóa, sự kém cỏi về kiến thức của tầng lớp trẻ, như chúng ta thấy phản ánh trong các bài viết, bài thi của các học sinh chẳng hạn, hay là trong việc hàng trăm ngàn học sinh bỏ trường chẳng hạn. Chúng tôi nghĩ rằng đấy là những vấn đề rất nghiêm trọng cho dân tộc, mà có thể hàng nhiều thập niên tới đây chưa chắc đã giải quyết được nếu không có một chính phủ có hiệu quả và đại diện được quyền lợi của nhân dân. Chúng tôi rất ưu tư về vấn đề đó và tôi nghĩ rằng ở trong nước rất nhiều vị trí thức cũng như những người có lòng với đất nước hiện nay cũng rất là ưu tư. Chúng tôi đọc thấy những cái đó trên báo chí trong nước phản ánh mối ưu tư đó. Chúng tôi nghĩ rằng nhân dịp 30 tháng tư này, nếu chúng ta nghĩ đến tiền đồ của đất nước và của dân tộc, thì có lẽ chúng ta phải nhanh chóng đóng góp để có thể có được một chế độ và một chính quyền thật sự đặt quyền lợi của dân tộc lên trên và triệt tiêu được những cái tệ hại hiện nay của xã hội, của văn hóa, đặc biệt là những sự câu kết của đặc quyền đặc lợi, làm lũng đọan xã hội và tương lai của đất nước. Chúng tôi nghĩ đây là những điều ưu tư lớn nhất mà tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta phải quan tâm tới nhân ngày 30 tháng 4 này.
VOA: Xin cám ơn Giáo sư Đoàn Viết Hoạt.