Trung Quốc muốn dùng Thế vận hội Bắc Kinh mùa hè năm nay để phô trương mình như một cường quốc hiện đại trên thế giới. Tuy nhiên, Thế vận hội đang thu hút sự chú ý hướng vào thành tích nhân quyền của Trung Quốc. Các nỗ lực của Bắc Kinh trong việc đàn áp các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Tây Tạng nằm trong số những vấn đề gây phẫn nộ không riêng từ phía các tổ chức nhân quyền mà cả từ những nhân vật nổi tiếng trên trường quốc tế trước khi đến ngày Thế vận hội.
Nữ ca sĩ Bjork của Iceland đã gây tranh cãi tại một buổi trình diễn ở Thượng Hải hồi đầu tháng này, khi cô hô to ‘Tây Tạng’,Tây Tạng’ nhiều lần vào lúc trình diễn ca khúc có tựa là ‘Tuyên bố Độc lập.’
Bộ Văn hóa Trung Quốc đã nổi giận và thông báo sẽ siết chặt kiểm soát đối với những buổi trình diễn và các ca sĩ nước ngoài. Các hạn chế đối với nghệ sĩ trình diễn người nước ngoài không phải là chuyện lạ ở Trung Quốc. Tỷ như lúc ban nhạc Rolling Stones đến biểu diễn ở nước này vào năm 2006, thì nhà chức trách đã cấm một số ca khúc trong chương trình biểu diễn. Nhưng sau những lời hô Tây Tạng của cô Bjork, thì Bắc Kinh dường như còn khó chịu hơn nữa.
Nhạc sĩ dương cầm thể loại Jazz Harry Connick Junior đã buộc phải thay đổi vào phút chót nội dụng chương trình biểu diễn ở Thượng Hải hồi tuần trước vì đã nộp nhầm cho giới hữu trách Trung Quốc một danh mục ca khúc cũ. Các giới chức Trung Quốc đã nhất mực đòi Connick phải trình bày những bản nhạc có tên trong danh mục mặc dù ban nhạc của ông không có bản nhạc để chơi.
Bà Sharon Hom, giám đốc tổ chức Nhân quyền Trung Quốc, nói rằng tuy Bắc Kinh muốn các nghệ sĩ nước ngoài trình diễn ở Trung Quốc, nhưng giới hữu trách lại khẳng định không được đụng chạm đến một số vấn đề.
Bà Hom nói: “Họ gửi đi một thông điệp rõ ràng đến những nghệ sĩ nước ngoài cũng như người nước ngoài nói chung rằng chúng tôi hoan nghênh quý vị, nhưng đồng thời chúng tôi cũng muốn khẳng định rõ là chúng tôi sẽ không chấp nhận một số lãnh vực cấm kỵ ở một nước cộng sản. Có ba điều rõ ràng không được bàn đến đều bắt đầu bằng chữ T, theo mẫu tự đầu tiếng Anh. Đó là Tibet – Tây Tạng, Taiwan – Đài Loan hay Tiananmen Square – Thiên An Môn.”
Trung Quốc coi đảo quốc tự trị Đài Loan như một phần của lãnh thổ Trung Quốc và chống lại bất cứ hành động này tiến tới việc chính phủ Đài Loan chính thức tuyên bố độc lập. Bắc Kinh cũng bác bỏ những lời kêu gọi đòi độc lập cho Tây Tạng, khu vực Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát từ năm 1951. Và Trung Quốc cũng từ chối không thảo luận về vụ đàn áp các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở quãng trường Thiên An Môn năm 1989.
Vào lúc sắp diễn ra Thế vận hội, các nhà hoạt động quốc tế đã tăng cường việc chỉ trích các vụ vi phạm nhân quyền của Trung Quốc. Các vấn đề mà họ nêu lên gồm việc Trung Quốc trấn át những người bất đồng chính kiến, hiện tượng thiếu tự do truyền thông, và những cáo buộc đàn áp người Tây Tạng.
Ngoài ra, giới hoạt động còn chỉ trích một số chính sách của Trung Quốc ở nước ngoài – nhất là việc Trung Quốc không giúp chấm dứt tình trạng bạo động ở vùng Darfur của Sudan.
Ông Phelim Kine, một nhà khảo cứu ở Hong Kong thuộc tổ chức Human Rights Watch, nói ông trông đợi áp lực sẽ gia tăng đối với các nhân vật nổi tiếng trên khắp thế giới đòi lên tiếng trước Thế vận hội. Ông nói rằng việc Trung Quốc xử lý các cuộc biểu tình ở Tây Tạng trong mấy ngày vừa qua có thể gây lo ngại.
Ông Kine nói: “Chúng tôi nghĩ rằng phản ứng của Trung Quốc giống như một cuộc đàn áp các cuộc biểu tình đó, có thể tác động đáng kể đến công luận quốc tế về sự cai trị của Trung Quốc tại Tây Tạng và có thể làm hoen ố công luận đối với Thế vận hội.”
Các quy định của Thế vận hội cấm các vận động viên đưa ra những phát biểu có tính cách chính trị trong thời gian tranh tài. Nhưng ông Kine nói rằng đã có những mối quan ngại ngày càng gia tăng trong giới vận động viên về thành tích nhân quyền của Trung Quốc và một số vận động viên đã tính đến việc tẩy chay thế vận hội.
Các tổ chức nhân quyền như Hội Ân xá Quốc tế kêu gọi Ủy ban Thế vận Quốc tế và những công ty bảo trợ cho thế vận hội làm áp lực với Trung Quốc để họ cải thiện thành tích nhân quyền. Ông Mark Allison là một nhà nghiên cứu ở Hong Kong làm việc cho Hội Ân xá Quốc tế.
Ông Allison nói: “Ủy ban Thế vận Quốc tế có nói rằng khi Trung Quốc được phép đang cai Thế vận hội thì Ủy ban sẽ theo dõi tình hình và ít nhất, tình hình nhân quyền sẽ được cải thiện. Nay theo ý chúng tôi, khi nhìn vào tình trạng của những người tranh đấu trong nước, thì tình hình đã xấu đi và chúng tôi muốn Ủy ban Thế vận Quốc tế có đường lối mạnh hơn về những vấn đề này.”
Bà Sharon Hom thuộc tổ chức Nhân quyền ở Trung Quốc cho biết sự phản kháng của những nhân vật nước ngoài nổi tiếng có ảnh hưởng rất lớn đối với chính phủ, vì nhà nước Trung Quốc muốn bảo vệ hình ảnh của mình.
Bà Hom nói: “Tôi cho rằng bất cứ nhân vật nổi tiếng nào, bất cứ người nào được nhiều người biết đến, đưa ra một phát biểu về vấn đề nhân quyền hay thực hiện một quyết định theo lương tâm như nhà đạo diễn Spielberg đã làm, đều sẽ làm cho Trung Quốc quan tâm nhiều bởi vì ảnh hưởng của các hành động đó là gây phương hại cho cái hình ảnh đã được dự trù và kiến tạo một cách cẩn thận – gây phương hại cho cái hình ảnh đó, một hình ảnh rất khoa trương.”
Ông Phelim Kine nói rằng chính phủ Trung Quốc cũng lo ngại về những gián đoạn gây ra cho Thế vận hội. Ông nói rằng chính phủ không giấu giếm gì việc họ có ý định đè bẹp những cuộc biểu tình có liên quan đến Thế vận hội.
Ông Kine nói: “Rõ ràng là có những nhóm như người Tây Tạng, như Pháp luân Công, như người Uighur ở Tân Cương, những tổ chức Cơ đốc giáo, sẽ muốn dùng Thế vận hội 2008 làm diễn đàn để họ đưa ra những lời khiếu nại phản đối chính quyền Trung Quốc. Nhưng để chống lại các kế hoạch đó đã có một hàng rào an ninh khiến cho bất cứ hình thức phản kháng nào khó lòng mà bắt đầu được và dứt khoát là rất ngắn ngủi nếu như có khởi xướng được.”
Ông Kine nói rằng dù sao, các vận động viên và các nhân vật nổi tiếng nước ngoài đến Bắc Kinh vẫn ở thế được hưởng nhiều đặc quyền hơn. Theo ông, bất cứ hình thức phản kháng nào mà họ dự định, cũng sẽ khiến cho nhà chức trách Trung Quốc khó ngăn ngừa hơn.