Đường dẫn truy cập

Chi phí sinh hoạt gia tăng: Nỗi lo đối với dân chúng Việt Nam


Chi phí sinh hoạt gia tăng đang là một vấn đề gây lo ngại cho người dân ở khắp Á Châu, nhưng ít có nơi nào mà sự lo ngại về vấn đề này nhiều hơn Việt Nam. Đó là nhận xét của tờ Kinh tế gia (The Economist) ở Anh trong bài bình luận mới đây về tình hình kinh tế Việt Nam.

Bài viết trích dẫn số liệu do chính phủ ở Hà nội công bố hồi tuần trước cho biết tỉ lệ lạm phát của Việt Nam đã tăng lên tới 14,1% -- là mức cao nhất kể từ năm 1995. Với mục đích ngăn chận đà gia tăng này, ngân hàng trung ương của Việt Nam đã quyết định tăng các loại lãi suất 1,5% hôm 30 tháng giêng.

Giá nhiên liệu và thực phẩm tăng mạnh trên thị trường thế giới là một trong những nguyên do khiến cho chi phí sinh hoạt ở Việt Nam gia tăng, nhưng tình trạng này cũng phát sinh một phần từ sự bùng phát kéo dài của nền kinh tế Việt Nam trong hơn một thập niên qua, với tỉ lệ bình quân 7,5% mỗi năm.

Vì kinh tế phát triển nhanh, hoạt động cho vay của ngân hàng đã tăng mạnh - với tỉ lệ gia tăng trong năm ngoái lên tới 37%, và nhu cầu vô cùng to lớn về vật liệu xây dựng và trang thiết bị càng làm tăng thêm mối rủi ro của nạn kinh tế lên cơn sốt.

Nhưng trong tháng giêng vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc lại 'quyết tâm' nâng mức tăng trưởng GDP của năm nay lên tới 9%, sau khi đã đạt mức gần 8,5% hồi năm ngoái.

Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Văn Giàu cũng đã thừa nhận rằng việc ngăn chận đà gia tăng của giá cả là một việc 'rất cấp thiết'.

Bình luận của tờ Kinh tế gia cho biết hai nước láng giềng của Việt Nam là Trung quốc và Thái lan đã siết chặt thêm nữa các biện pháp kiểm soát giá cả đối với một số mặt hàng thực phẩm để xoa dịu sự bất mãn trong dân chúng về nạn giá cả leo thang.

Tuy nhiên, cho đến giờ Việt Nam vẫn chưa áp dụng các biện pháp tương tự và vẫn tiếp tục theo đuổi nỗ lực tự do hóa kinh tế sau khi đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới hồi đầu năm ngoái.

Các giới chức chính phủ ở Hà nội cũng tiếp tục nói tới ý định nới lỏng sự kiểm soát đối với các loại giá cả qua những kế hoạch để cho giá nhiên liệu được định đoạt bởi yếu tố thị trường; và xúc tiến kế hoạch cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước - và do đó làm mất đi sự kiểm soát đối với giá cả của những mặt hàng do các công ty quốc doanh sản xuất.

Trong khi đó, hai định chế tài chánh quốc tế quan trọng nhất là Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế lại đưa ra những khuyến nghị trái ngược nhau đối với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mà Việt Nam đang ra sức thực hiện.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế, với sự lo ngại là các khoản chi tiêu công sẽ làm tăng áp lực lạm phát, đang hối thúc chính phủ Việt Nam tiết kiệm những khoản tiền thu được từ các biện pháp cải cách thuế khoá hồi gần đây, thay vì dùng để chi tiêu thêm cho các công trình như xây đường hoặc xây nhà máy phát điện.

Ngân hàng Thế giới thì thúc giục Việt Nam chi tiêu nhiều hơn nữa vì họ e ngại rằng đà phát triển sẽ bị phương hại nếu không nhanh chóng cải thiện các cơ sở hạ tầng.

Bình luận của tờ Kinh tế gia đã kết thúc với một nhận định lạc quan dè dặt về triển vọng phát triển của kinh tế Việt Nam. Bài viết cho rằng nếu cơn phong ba của kinh tế toàn cầu hiện nay không kéo dài và không quá dữ dội, điều này có thể là một điều tốt cho Việt Nam.

Lý do là vì phần lớn sự tăng trưởng của Việt Nam dựa vào nhu cầu nội địa, nên sự suy yếu vừa phải của nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu có thể hữu ích cho việc giảm thiểu tỉ lệ lạm phát và ngăn chận tệ nạn lên cơn sốt, giúp cho Việt Nam duy trì sự phát triển kinh tế ngoạn mục với một tốc độ hợp lý hơn.


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG