Đường dẫn truy cập

Nguồn cung ứng, giá cả gây quan ngại cho các nước phải nhập khẩu ngũ cốc


Nguồn cung ứng lúa mì toàn cầu bị sút giảm và giá cả của một số mặt hàng nông nghiệp tăng mạnh đang tạo ra những mối quan tâm lớn cho những nước phải nhập khẩu ngũ cốc. Vài nước sản xuất nhiều lúa mì như Trung Quốc và Nga đã quyết định giảm thiểu lượng xuất khẩu và những hạn chế này đang ảnh hưởng tới những nước phải nhập khẩu lương thực để nuôi sống người dân. Mời quí thính giả theo dõi thêm một số chi tiết dựa theo tường thuật do thông tín viên Naomi Martiq của đài chúng tôi gởi về từ trung tâm tin tức Á Châu ở Hồng Kông.

Giá lúa mì hiện nay đã tăng hơn 50% so với một năm trước. Tình trạng này phát sinh từ việc sản lượng sút giảm, mức cầu gia tăng của các cộng đồng giàu có hơn, và vì tác động của sự gia tăng chung của giá thực phẩm. Cả những nước nhập khẩu lẫn xuất khẩu, giàu cũng như nghèo, đã bắt đầu áp dụng các biện pháp để làm sao cho dân chúng có đủ lương thực với giá cả phải chăng.

Tháng này, Trung Quốc đã bắt đầu áp dụng chính sách ấn định quota tạm thời cho việc xuất khẩu lúa mì, bắp và bột gạo. Bộ Tài chánh cũng loan báo thuế suáát nhập khẩu mới, lên tới 25%, đối với nhiều loại ngũ cốc, kể cả lúa mì, bắp, gạo và đậu nành. Tại Nga, các giới chức chính phủ đã ra lệnh đánh thuế xuất khẩu 40% đối với một số loại ngũ cốc.

Ông Abdolzera Abbassian là Thư ký của Nhóm Liên Chính phủ về Ngũ cốc của Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc ở Roma. Ông cho biết tuy Nga và Trung Quốc đã được mùa trong những vụ thu hoạch hồi gần đây, nhưng cả hai nước này đều chú tâm tới việc bảo vệ thị trường nội địa.

Ông Abbassian nói: "Họ biết rằng số lượng ngũ cốc mà họ sản xuất rốt cuộc có thể được tung ra thị trường thế giới, một thị trường mà nhu cầu đang ở mức cao vì sản lượng sút giảm ở các nước xuất khẩu khác. Vì thế cho nên đối với hai nước này, lượng cung ứng có thể rời khỏi nước họ để tiến vào thị trường thế giới, và vì thế mà rốt cuộc thì giá cả ở nước họ có thể gia tăng mặc dù được mùa."

Theo ông Abbassian, tuy mục đích của việc Trung Quốc và Nga áp dụng các biện pháp ấn định quota và tăng thuế xuất khẩu là ổn định giá cả lương thực trong nước, nhưng các biện pháp này đang gây ra nhiều áp lực cho những nước phải nhập khẩu lương thực, như Malaysia và Indonesia.

Ông Abbassian nói: "Những nước này mua hàng từ các nước xuất khẩu vừa kể, và điều hiển nhiên là họ trở thành nạn nhân đầu tiên của các chính sách mới, bởi vì họ phải tìm mua ở nơi khác để thỏa mãn nhu cầu của mình. Và điều đó có nghĩa là giá lúa mì mà họ mua sẽ đắt hơn. Trước đây lúa mì Trung Quốc có sức cạnh tranh rất cao. Giá bột mì mà họ bán sang vùng Đông Nam Á thường nằm ở mức rẻ hơn từ 30 đến 50% so với bột mì của những nước như Australia hay Hoa kỳ."

Các nhà phân tích cho rằng việc Trung Quốc giảm thiểu số lượng lúa mì xuất khẩu có phần chắc sẽ khiến giá bột mì và bánh mì ở Đông Nam Á gia tăng. Lượng lúa mì Australia xuất khẩu sang Đông Nam Á đã bắt đầu sút giảm vì hạn hán.

Tại Ấn Ðộ, chính phủ đã bắt đầu hủy bỏ thuế nhập khẩu đánh vào bột mì để tìm cách kềm hãm đà gia tăng của giá lương thực, và chính quyền của nhiều nước khác cũng đang ra sức kiểm soát xu thế gia tăng của giá thực phẩm vì họ e rằng rối loạn có thể xảy ra ở những cộng đồng có thu nhập thấp.

Ông Abassian của Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc cho rằng tình hình có thể bớt nghiêm trọng trong năm 2008, vì giá cao sẽ thúc đẩy nông dân các nước trồng thêm ngũ cốc cho vụ mùa sắp tới.

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng từ nay cho tới lúc đó thì chính phủ các nước, đặc biệt là các nước nghèo, cần phải áp dụng những biện pháp tạm thời để làm sao cho dân chúng có đủ lương thực hàng ngày.



Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG