Đường dẫn truy cập

Ðặc sứ LHQ 'lạc quan' về lập trường của Ấn Ðộ đối với vấn đề Miến Ðiện


Đặc sứ Liên hiệp quốc tại Miến Điện cho biết sẽ trở về đất nước do quân nhân cai trị này sớm hơn kế hoạch đã định. Ông Ibrahim Gambari đưa ra lời loan báo sau những cuộc đàm phán 'nhiều triển vọng' với các nhà lãnh đạo chính phủ Ấn Độ về việc chính phủ Miến Điện đàn áp tàn bạo những người biểu tình đòi dân chủ. Từ New Delhi, phái viên Steve Herman gửi về bài tường thuật sau đây:

Chuyến thăm của ông Ibrahim Gambari nằm trong khuôn khổ chuyến công du 6 quốc gia Châu Á nhằm mục đích làm áp lực với New Delhi, Bắc Kinh và các chính phủ khác tiến hành thêm các biện pháp để thúc đẩy cải cách dân chủ ở Miến Điện.

Ấn Độ đang bị chỉ trích vì sự đáp ứng quá yếu ớt trước vụ Miến Điện đàn áp thô bạo các cuộc biểu tình do các nhà sư lãnh đạo.Ấn Độ bán thiết bị quân sự cho Miến Điện và hợp tác với Miến Điện để chống lại các phần tử ly khai hoạt động dọc theo đường biên giới rừng rậm chung. Ấn Độ cũng có nhu cầu tăng vọt về năng lượng và đang cạnh tranh với Trung quốc để khai thác các tài nguyên dầu khí của Miến Điện.

Quan hệ mật thiết này đã khiến Ấn Độ cưỡng lại những lời hô hào trừng phạt nước láng giềng của mình, và nói với đặc sứ Liên hiệp quốc rằng chính phủ ở Miến Điện, còn có tên là Myanmar, có thể tiến tới dân chủ mà không cần cưỡng ép.

Không cho biết chi tiết, ông Gambari nói ông coi các cuộc gặp gỡ trong tuần này với các nhà lãnh đạo Ấn Độ, kể cả thủ tướng Manmohan Singh, là một thành công.

Ông Gambari nói: “Tôi rất phấn khởi trước việc họ sẵn sàng làm mọi việc có thể được để hỗ trợ một cách cụ thể cho vai trò chính thức của Tổng thư ký Liên hiệp quốc và dùng ảnh hưởng của họ để khích lệ chính quyền Miến Điện tiếp tục hợp tác và đem lại kết quả cụ thể.”

Ông Gambari cho biết ông sẽ trở lại Miến Điện vào đầu tháng tới, sớm hơn dự kiến. Nhà ngoại giao người Nigeria này nói rằng ông cũng cảm thấy phấn khởi trước một số hành động tích cực mà chính quyền ở đó đã thực hiện kể từ sau chuyến thăm khẩn cấp của ông hồi tháng 9 và tháng 10.

Ông Gambari nói: “Chuyến đi đó có thể không đem lại những kết quả tức thời. Nhưng nếu ta để ý rằng từng bước, chính quyền Miến Điện đã đáp ứng một số vấn đề mà chúng ta để lại cho họ.”

Trong các vấn đề đó có việc dẹp quân đội khỏi các đường phố, trả tự do cho những người bị bắt, và cho phép nhân viên điều tra của Liên hiệp quốc về nhân quyền được đến thăm Miến Điện.

Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu tán thành việc gia hạn các biện pháp chế tài Miến Điện. Hôm qua, Singapore đã bác bỏ những lời kêu gọi Hiệp hội các Quốc gia Đông nam Á cũng làm như vậy.

Một hội nghị thượng đỉnh ASEAN sẽ được tổ chức vào giữa tháng 11 và theo dự kiến, vấn đề Miến Điện sẽ đứng cao trong nghị trình thảo luận. Ông Gambari đã đến Thái Lan, Malaysia, và Indonesia trong chuyến đi này.

Trung Quốc và Nhật Bản nằm trong lộ trình sắp tới của ông.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG