Đường dẫn truy cập

Hội Ân Xá Quốc Tế quan ngại về việc Miến Ðiện tiếp tục chiến dịch đàn áp


Hội Ân xá Quốc tế vừa phổ biến những lời trần thuật của những người chứng kiến vụ đàn áp dân chủ đang tiếp diễn ở Miến Điện, nói về những hành vi tàn bạo của binh lính và cảnh sát cùng với những điều kiện tệ hại ở các trại giam. Trong khi đó, đặc sứ Ibrahim Gambari của Liên hiệp quốc tiếp tục cuộc vận động ở các quốc gia Á châu nhằm giải quyết vụ khủng hoảng Miến Điện. Mời quí thính giả theo dõi thêm một số chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu do Duy Ái phụ trách sau đây.

Đặc sứ Liên hiệp quốc về vấn đề Miến Điện, ông Ibrahim Gambari đang tiếp tục thực hiện chuyến công du các quốc gia Á châu để tìm cách giải quyết vụ khủng hoảng chính trị ở Miến Điện. Phát biểu với báo chí tại thủ đô Jakarta của Indonesia hôm thứ Năm, ông Gambari đề nghị cộng đồng quốc tế dành cho tập đoàn quân nhân Miến Điện những biện pháp khích lệ để đổi lấy cải cách dân chủ. Ông cũng cho biết ông đang vận động để có thể quay lại Miến Điện sớm hơn thời gian mà ông loan báo trước đây là trung tuần tháng 11.

Trong khi đó, các cơ quan truyền thông nhà nước Miến Điện cho biết trong ngày thứ sáu rằng trong số khoảng 3,000 người bị bắt trong đợt trấn áp những cuộc biểu tình đòi dân chủ chỉ có khoảng 380 người còn đang bị giam. Tuy nhiên, những nhà tranh đấu ở Miến Điện nói rằng số người bị giam giữ vì tham gia cuộc Cách mạng Tăng bào cao hơn con số vừa kể rất nhiều và tập đoàn quân nhân cầm quyền vẫn tiếp tục cuộc trấn áp với những vụ lục soát, bắt giữ và đối xử tàn bạo với những người bị giam.

Ông Htet Zaw, 35 tuổi, là một người hoạt động như một nhà báo tự do ở Miến Điện trong 14 năm qua. Ông đã bỏ trốn sang Thái lan hôm mồng 9 tháng 10.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây tại cửa khẩu biên giới Miến Điện-Thái lan dành cho Hội Ân xá Quốc tế, ông Htet Zaw cho biết như sau:

"Tình hình hiện nay có thể nói là mọi người ai nấy đều phải sống trong sợ hãi. Chính quyền tiếp tục bắt bớ dân chúng. Hầu như nhà nào ở Miến Điện cũng có một vài người tham gia vào cuộc khởi nghĩa. Cảnh sát và binh lính tiếp tục thực hiện những vụ ruồng bố vào ban đêm để bắt những người tham gia biểu tình. Nếu không tìm thấy người mà họ định bắt thì họ cũng bắt bừa một người nào đó trong nhà. Vì vậy ai nấy cũng đều hồi hộp lo lắng vì không biết sẽ bị bắt lúc nào."

Cũng theo lời ông Htet Zaw, tập đoàn quân nhân Miến Điện còn đối xử thô bạo hơn với các nhà sư -- là những người đã lãnh đạo các cuộc xuống đường biểu tình qui tụ cả trăm ngàn người ở Rangoon hồi tháng trước:

Ông Htet Zaw nói: "Tình hình ở các tu viện còn tệ hại hơn. Khi nào không tìm thấy các tu sĩ mà họ định bắt, họ lại đập phá lung tung khắp mọi nơi. Thậm chí họ còn dùng báng súng đập vỡ những lu nước trong chùa."

Bà Mie Mie là một lãnh tụ sinh viên học sinh trong phong trào đòi dân chủ năm 1988 và đã tích cực tham gia các cuộc biểu tình hồi tháng trước. Không lâu trước khi bị bắt hôm 13 tháng 10, bà cho Hội Ân xá Quốc tế biết như sau về những vụ ruồng bố ở Miến Điện:

"Tập đoàn tướng lãnh tiếp tục thực hiện những vụ ruồng bố để bắt những người dính líu tới các cuộc biểu tình. Chẳng những như vậy mà họ còn bắt cả thân nhân của những người đó nếu họ tìm những người đó không ra. Họ không kể gì tới tuổi tác hay tình trạng của những người trong gia đình mà họ bắt đi. Họ nói với các nạn nhân là khi nào người thân của họ ra đầu thú thì họ mới được thả. Chính quyền đã có những hành động không khác gì một băng đảng chuyên bắt cóc. Đây là những bằng chứng rõ ràng cho thấy rằng họ không hề tôn trọng hay đếm xỉa gì tới nhân phẩm của người dân."

Trước đây, bà Mie Mie cũng đã bị bắt vào năm 1996 và bị tuyên án 7 năm tù vì hoạt động trong cánh thanh niên của Liên minh Dân chủ do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo. Người phụ nữ 35 tuổi này kêu gọi cộng đồng quốc tế làm áp lực để các tổ chức nhân quyền được đến thăm các trại giam ở Miến Điện và ngăn chận những hành vi ngược đãi tù nhân, đặc biệt là tù nhân phái nữ:

"Nhiều phụ nữ đã bị nhà cầm quyền bắt ngay ở ngoài đường và thân nhân của họ không hề hay biết gì. Nhà chức trách ở các trạm cảnh sát và các trung tâm tạm giam không hề phân biệt tù chính trị với tù hình sự. Nhân viên cảnh sát đã lạm dụng quyền hạn, và đã xảy ra những vụ cảnh sát xâm phạm tính dục các phụ nữ trẻ trong nhà giam. Chính tôi đã chứng kiếm một số vụ việc như thế. Vì vậy tôi rất lo lắng cho số phận của các nữ tù nhân. Tôi mong rằng những cuộc kiểm tra các trại giam sẽ được nhanh chóng thực hiện để cung cấp những sự giúp đỡ cần thiết cho tất cả các tù nhân chính trị."

Theo bà Mie Mie, hiện còn khoảng 4,000 tăng ni và dân thường bị giam tại các trung tâm giam giữ trên cả nước. Nhiều người trong số này đã bị thương trong lúc binh lính đàn áp các cuộc biểu tình nhưng họ không hề được chăm sóc y tế ở nhà giam.

Ông Hlaing Moe Than, 37 tuổi, là một thành viên của Liên minh Dân chủ. Ông trốn sang Thái lan hôm mồng 7 tháng 10 và nói rằng một thanh niên bị giam ở Học Viện Kỹ Thuật Rangoon đã kể cho ông nghe về tình trạng bi đát ở đó:

"Ở đó có khoảng 1,450 tù nhân - trong đó có chừng 500 người bị thương ở đầu. Họ cần được cứu chữa ngay tức khắc, nhưng lại không được chăm sóc gì cả. Không có nước uống, mà cũng không có nhà cầu. Không có gì hết. Một số nhà sư đã bị lột tăng bào. Binh lính đưa áo thường cho họ, nhưng họ không chịu mặc, cho nên có nhiều vị ở trần. Tôi nghe nói là tình hình ở đó rất bi đát."

Trong cuộc tiếp xúc với nhân viên của Hội Ân xá Quốc tế, vị giáo sư Vật lý này đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ cho phong trào dân chủ ở nước ông:

"Nhân dân Miến Điện đã hy sinh hàng ngàn sinh mạng trong cuộc khởi nghĩa năm 1988 để cho thế giới thấy rằng chúng tôi muốn có dân chủ. Năm 1990, chúng tôi lại cho thấy là chúng tôi muốn có dân chủ khi Liên minh Dân chủ giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử quốc hội. Và tuy đã bị đàn áp một cách thô bạo như thế nhưng năm nay chúng tôi lại một lần nữa chứng tỏ cho thế giới thấy rằng chúng tôi xứng đáng được sống dưới một chế độ dân chủ."

Ông Hlaing Moe Than nói thêm rằng người dân Miến Điện quyết tâm tranh đấu cho đến cùng để đòi dân chủ, cho dù cuộc tranh đấu này không có sự hỗ trợ của quốc tế:

"Nếu cộng đồng quốc tế không tin rằng chúng tôi xứng đáng có được một chính phủ dân chủ hoạt động trong hòa bình và với tinh thần trách nhiệm, chúng tôi vẫn tiếp tục hy sinh cho tới cùng để có dân chủ nhưng thế giới sẽ phải chứng kiến rất nhiều diễn biến bi thảm xảy ra ở Miến Điện trong tương lai."


.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG