Ngày nay hầu hết mọi gia đình chỉ sinh một vài con là nhiều. Vì sinh ít con nên cha mẹ thường muốn dồn hết tất cả mọi nguồn lực để mong sao cho đứa trẻ lớn lên sau này sẽ thành công. Họ lo lắng cho tương lai con trẻ từ lúc còn nằm trong nôi, cầu mong sao sau này chúng trở thành những người thông thái siêu việt trong một xã hội đầy cạnh tranh về tất cả mọi phương diện, nhất là về vấn đề học vấn.
Chính vì vậy mới có những sản phẩm băng video hay đĩa DVD mang những tên gọi như Baby Einstein ra đời. Vậy những loại băng video và các đĩa DVD này có giúp ích được gì cho sự phát triển trí tuệ của trẻ hay không? Mời quí thính giả theo dõi bài viết sau đây của Lan Phương và ý kiến cuả bác sỹ tâm thần Lê Phương Thúy, hiện hành nghề tại San Jose, bang California.
Mục Sức Khỏe của tờ Washington Post ấn bản hôm thứ ba vừa qua có nhắc đến những băng video và đĩa DVD bán trên thị trường với những cái tên rất hấp dẫn để quảng cáo như : Baby Einstein, Baby Galileo, Baby Shakespeare và ngay cả Brainy Baby với châm ngôn cố hữu “yếu tố tạo dựng một thiên tài tí hon”.
Thế nhưng những sản phẩm bán rất chạy này dành cho những khán giả tí hon có giúp ích gì cho việc phát triển trí tuệ của các em hay không ? Tại Mỹ, phe ủng hộ cho rằng có, còn phe chỉ trích thì nói là những băng đĩa đó không có lợi mà còn gây trở ngại cho sự phát triển về trí tuệ của trẻ.
Câu hỏi này lại được đặt ra khi những nhà nghiên cứu dày kinh nghiệm của đại học bang Washington mới đây đã cho công bố kết quả công trình của họ.
Các nhà nghiên cứu đã khảo sát trên một ngàn gia đình vào tháng 2 năm 2006 và thấy rằng những trẻ thơ từ 8 đến 16 tháng tuổi được xem hai cuốn băng được coi là để giúp phát triển trí tuệ có tên là Baby Einstein và Brainy Baby lại chỉ biết được có 6 đến 8 từ trong số 90 từ, ít hơn những trẻ không được xem những cuốn video đó, thay vào đó những trẻ khác, chỉ xem các chương trình truyền hình thông thường dành cho trẻ em hay cho cả người lớn, lại biết được nhiều từ hơn.
Cuộc nghiên cứu được loan tải trên tờ báo chuyên về nhi khoa Journal of Pediatrics, là cuộc nghiên cứu đầu tiên xét đến ảnh hưởng của những sản phẩm được quảng cáo ráo riết,vẫn tự nhận là có giá trị giáo dục cho trẻ thơ.
Giáo sư Frederick J. Zimmerman chuyên về y tế cộng đồng và nhi khoa, tác giả chính của cuộc khảo sát, gọi ảnh hưởng tiêu cực này tuy lớn lao và có ý nghĩa nhưng ông trấn an các bậc phụ huynh rằng nếu con trẻ chỉ xem những cuốn băng video đó trong vòng 15 phút mỗi ngày thì cũng không sao. Cuộc khảo sát cho thấy những em nhỏ coi đi coi lại những cuốn video đó đến 4 giờ đồng hồ mỗi ngày thì mới là vấn đề.
Theo quan điểm của giáo sư Zimmerman, các bậc cha mẹ đã bị đánh lạc hướng về những quảng cáo ồn ào nói đến những lợi ích của của các băng video dành cho việc phát tirển trí tuệ của trẻ thơ. Những băng đĩa này có thể chiếm mất hết thời giờ của trẻ, thay vì dành thời giờ để các em được cha mẹ bồng ẵm, chơi đùa với chúng. Trong thực tế, chính những điều đó mới là yếu tố giúp cho con trẻ phát triển tốt đẹp.
Các chuyên gia khác cũng đồng ý. Học Viện Nhi Khoa Hoa Kỳ khuyến cáo không nên để cho trẻ dưới 2 tuổi coi truyền hình hay bất cứ những băng đĩa gì,dù ngay cả những sản phẩm được quảng cáo là có lợi cho sự phát triển trí tuệ. Đã có nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy trẻ trên 3 tuổi coi truyền hình qúa nhiều thường gặp những khó khăn trorng việc học tập và kém khả năng chú ý, cũng như bị chứng bệnh phì mập và khó ngủ.
Dĩ nhiên là những nhà sản xuất các băng đĩa được quảng cáo là giúp phát triển trí tuệ cho trẻ em dều lên tiếng bác bỏ cuộc nghiên cứu của giáo sư Zimmerman. Họ cho là về phương pháp thì cuộc nghiên cứu này có nhiều sai sót. Họ nêu lên rằng đối với những trẻ từ 17 đến 24 tháng tuổi thì không có sự khác biệt nào trong số từ mà các em học được.
Ông Dennis Fedoruk, tổng giám đốc chấp hành công ty Brainy Baby, nói rằng sản phẩm này có công dụng như một học cụ để cha mẹ dùng cho con trẻ, tạo điều kiện cho chúng tiếp cận với căn bản của việc học. Ông còn cho hay có hàng ngàn khách hàng tự nguyện tuyên bố là băng đĩa của hãng ông đã mang đến kết quả tích cực cho con trẻ của họ, kể cả việc gia tăng chỉ số thông minh.
Còn bà Susan McLain, phó chủ tịch kiêm tổng quản lý của Baby Einstein do công ty Disney sở hữu, cảm thấy bị thương tổn khi những sản phẩm của công ty bị coi là có thể gây tai hại cho trẻ.
Bà nói rằng công ty chưa bao giờ tự nhận là các sản phẩm đó có tính cách giáo dục, mà mục đích chỉ là tạo cho con trẻ làm quen với âm nhạc cổ điển, nghệ thuật và thiên nhiên mà thôi.
Sau đây là ý kiến của bác sỹ Lê Phương Thúy, chuyên khoa tâm thần, hiện hành nghề tại San Jose, bang California, về những điều mà những ông bố, bà mẹ trẻ cần phải lưu ý. Mời quí vị bấm vào đường dẫn ở trên để nghe hoặc tải xuống toàn bộ nội dung của bài phỏng vấn do Lan Phương thực hiện: