Đã một năm qua kể từ ngày Bắc Triều Tiên làm cả thế giới kinh hoàng bằng các phô trương khả năng vũ khí hạt nhân của họ qua một cuộc thử nghiệm dưới mặt đất. Nhiều tháng sau đó, nhiều quốc gia đã tăng cường việc tham gia các cuộc thương lượng ngoại giao với Bắc Triều Tiên và đã đạt được tiến bộ. Từ Hán Thành phái viên Kurt Achin của đài VOA gởi về bài tường thuật chi tiết sau đây.
Tháng 10 năm ngoái, Đài phát thanh Bắc Triều Tiên loan báo các khoa học gia nước này đã thực hiện cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên.
Cuộc thử nghiệm vi phạm một số cam kết của Bình Nhưỡng là họ sẽ không chế tạo vũ khí hạt nhân và đã đưa tới chuyện Liên hiệp quốc cũng như Nam Triều Tiên, Hoa Kỳ và Nhật Bản lên án và áp đặt các biện pháp trừng phạt.
Cuộc thử nghiệm vừa kể cũng khiến ngay cả Trung Quốc, một đồng minh chính của Bắc Triều Tiên, và cũng là nước chính cung cấp nhiên liệu và nguyên vật liệu cho Bắc Triều Tiên phải lên án. Các nhà phân tích thời cuộc trong khu vực nói rằng Bắc kinh bắt đầu dùng tác dụng đòn bẩy kinh tế của mình để gây áp lực buộc Bình Nhưỡng phải quay lại cuộc đàm phán của 6 nước nhằm kết thúc chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Một năm sau đó sau đó, các cuộc đàm phán đa phương cho thấy có tiến bộ đáng kể. Thủ tướng Nam Triều Tiên Han Duck-soo vừa qua đã nói với các nhà lập pháp tại Hán Thành về vấn đề này
Ông Han cho biết Tổng thống Roh Moo-huyn tin chắc rằng vấn đề vũ khí hạt nhân của miền Bắc sẽ được giải quyết nhanh chóng.
Tuần rồi, ông Roh đã gặp nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Il và hai nhà lãnh đạo Nam-Bắc Triều Tiên đã ký một hiệp ước hợp tác để hoàn tất cam kết của miền Bắc là sẽ từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Cam kết vừa kể được đưa ra đầu năm nay, sau 4 năm nỗ lực ngoại giao của Nam Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Hoa Kỳ. Để đổi lại, các nước vừa kể sẽ cung cấp năng lượng và viện trợ cho Bình Nhưỡng, cũng như các khích lệ về mặt ngoại giao.
Trong khuôn khổ của thỏa hiệp đạt được, Bình Nhưỡng đã ngưng các hoạt động tại lò phản ứng hạt nhân chính của họ. Một toán khoa học gia Hoa Kỳ theo dự trù sẽ đến Bắc Triều Tiên trong tuần này để thảo luận về việc hoàn toàn vô hiệu hóa lò phản ứng hạt nhân Yongbyon.
Bắc Triều Tiên cũng cam kết công bố và giải thể tất các chương trình hạt nhân của họ. Các giới chức Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên cho biết họ lạc quan việc này có thể hoàn tất trước cuối năm nay.
Nam Triều Tiên và Trung Quốc đã đưa 100 ngàn tấn dầu tới Bắc Triều Tiên để đổi lại việc Bình Nhưỡng đóng cửa lò phản ứng hạt nhân Yongbyon. Bình Nhưỡng sẽ nhận thêm 900 ngàn tấn nhiên liệu nữa nếu họ đáp ứng tất cả các cam kết khác.
Nhiều chuyên gia nói rằng việc Bắc Triều Tiên thay đổi lập trường là kết quả của sự thay đổi thái độ của cả Washington và Bình Nhưỡng.
Cách đây hai năm, Washington đã liệt kê một ngân hàng tại Macau vào sổ bìa đen vì cho rằng ngân hàng này giúp Bắc Triều Tiên rửa tiền và luân lưu đôla giả. Hậu quả là hầu như tất cả các ngân hàng trên thế giới cắt đứt quan hệ với Bình Nhưỡng. Nhiều chuyên gia khu vực nói rằng những áp lực về tài chính buộc nước Bắc Triều Tiên nghèo khó phải quay lại hội nghị 6 nước.
Các chuyên gia cũng nói rằng việc Washington hợp tác để giải quyết vấn đề ngân hàng tại Macau đã tạo được hiệu quả mạnh đối với cách suy nghĩ của Bắc Triều Tiên. Ông Moon Chung-in, Giáo sư môn bang giao quốc tế tại đại học Yonsei ở Hán Thành, là người tháp tùng Tổng thống Roh Moo-huyn trong hội nghị Thượng đỉnh vừa qua tại Bình Nhưỡng. Ông nói rằng nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên bắt đầu tỏ ra nghiêm túc đối với chính phủ Hoa Kỳ.
Ông Moon nói rằng Lãnh tụ Kim Jong Il nhận thức được tính chất xác thực trong chính sách của Tổng thống Bush đối với Bắc Triều Tiên và vấn đề hạt nhân của nước này.
Trong nhiều năm, ông Moon và các chuyên gia khác nói chính quyền Bush có biện pháp 2 chiều để đối phó với Bắc Triều Tiên. Họ nói rằng ngay cả khi các nhà ngoại giao tìm cách bắt Bình Nhưỡng cam kết, thì những giới chức khác lại phá hoại những nỗ lực ngoại giao đó, bởi vì họ quan niệm rằng chính phủ theo chế độ Stalinit của Bắc Triều Tiên là xấu xa.
Cựu trợ lý ngoại trưởng của Tổng thống Bush, Jack Pritchard, nói với tổ chức Korea Society hồi đầu năm nay là ông ủng hộ cách phân tích trên.
Ông Pritchard nói mọi thứ đã đổi thay trong năm ngoái khi Ngoại trưởng Mỹ bà Condoleeza Rice và trợ lý ngoại trưởng Christopher Hill bắt đầu thống trị chính sách về Bắc Triều Tiên.
Ông Pritchard cho biết việc loại bỏ yếu tố cứng rắn xung quanh tổng thống đã đem lại cơ hội cho ông Chris Hill và Ngoại trưởng Rice thay đổi.
Tuy nhiên, cuộc đàm phán này vẫn gặp phải nhiều thách thức đáng kể. Nhật Bản vừa kéo dài thêm 6 tháng các biện pháp chế tài mà họ đã áp đặt lên Bắc Triều Tiên sau cuộc thử hạt nhân hồi năm ngoái. Tokyo cũng cho biết họ sẽ không viện trợ hay bình thường hoá quan hệ với Bắc Triều Tiên trừ khi Bình Nhưỡng sẵn sàng hợp tác trong vấn đề công dân Nhật bị bắt cóc trong hai thập niên 70 và 80.
Vẫn còn những nghi ngờ đáng kể về thiện chí của Bắc Triều Tiên trong việc từ bỏ bất cứ loại bom hạt nhân nào mà họ đã có. Nhiều chuyên gia nghĩ rằng vũ khí hạt nhân đã ăn sâu vào trong suy nghĩ của Bắc Triều Tiên là có nó họ sẽ là một quốc gia hùng mạnh.
Những người khác thì nghĩ Bình Nhưỡng tiếp tục chương trình vũ khí hạt nhân vừa là để có hàng rào phòng thủ chóng lại cái mà họ xem là một thế giới đầy thù địch và vừa là để làm một nguồn thu nhập tiềm năng khi họ bán công nghệ cho các nước khác.