Đường dẫn truy cập

Ðôi đũa - Vệ sinh hay không?


Ðôi đũa, vật dụng mà hầu hết người Á Châu chúng ta vẫn dùng hằng ngày và được coi như chuyện đương nhiên nên ít được chú ý tới. Hiếm khi nào chúng ta thắc mắc là đôi đũa chúng ta dùng có hợp tiêu chuẩn vệ sinh hay không, hay nó có bị ngâm tẩm những hóa chất gây độc hại cho cơ thể hay không. Hôm nay Lan Phương mời quí thính giả theo dõi câu chuyện với anh Trần Đông Đức, chuyên viên hóa học làm việc cho công ty Johnson and Johnson, một công lớn của Hoa Kỳ sản xuất dược phẩm và các loại sản phẩm vệ sinh cho thị trường.

Mới đây tin cho hay là một hãng không có giấy phép hoạt động tại TQ đã sản xuất mỗi ngày đến 100 ngàn đôi đũa dùng một lần rồi bỏ.Nguyên liệu mà họ dùng lại là những đôi đũa dơ, người ta dùng rồi bỏ đi, được họ nhặt về tái chế biến, không qua một phương pháp ngâm tẩm hay tẩy trùng nào cả, và cứ thế lại đem bán ra trên thị trường. Đây là trường hợp tệ hại nhất về vệ sinh mà người dùng đũa có thể gặp phải vì nó có thể chứa chất không biết bao nhiêu loại vi trùng, kể cả vi trùng lao hay vi rút bệnh gan siêu vi B chẳng hạn.

Trong những trường hợp bình thường hơn, khi bạn đến một tiệm ăn, nhà hàng dọn cho bạn một đôi đũa gỗ hoặc tre, được bỏ trong bao giấy, hoặc bao ny lông phong kín, bạn có thể nào tin chắc được là đôi đũa này được bảo đảm về vệ sinh hay không ? Cho dù đây là đôi đũa mới tinh, nhưng để tẩy trùng, chất tre hay gỗ đó đã được ngâm tẩm bằng các chất độc hại như Sulfur Dioxide.

Đành rằng nước nóng có thể rửa sạch chất Sulfur Dioxide, nhưng nhà sản xuất đâu có thời giờ để qua những công đoạn đem những đôi đũa với giá thành rất rẻ như vậy rửa lại nước nóng để rồi phải sấy khô, sau đó mới đóng bao đem bán ? Vậy thì, trước hết, dùng đũa sạch, thứ một lần rồi bỏ, cũng có những hoá chất độc hại đi kèm.

Hơn nữa, đũa gỗ hay đũa tre cũng có thời hạn bảo chứng như các hàng hóa vì nó xuất phát từ nguồn gốc thực vật. Đây là điều mà đa số người tiêu dùng không quan tâm.

Hãng sản xuất đũa tre hoặc gỗ có thể ngâm tẩm đũa bằng chất chống mốc không rõ xuất xứ để kéo dài thời hạn trên kệ hàng, và chất chống mốc không rõ xuất xứ, có thể gây tai hại cho sức khỏe.

Nhìn từ khía cạnh môi trường,câu hỏi được đặt ra ở đây là: trên khắp thế giới mỗi ngày hàng triệu đôi đũa được dùng một lần rồi bỏ góp phần bao nhiêu vào nạn tàn phá rừng cây?

Trong trường hợp nhà hàng ăn dọn cho bạn đôi đũa nhựa, thứ đũa được rửa sạch và dùng đi dùng lại nhiều lần, thì có rủi ro gì cho sức khỏe ? anh Trần Đông Đức, chuyên viên hóa học, làm việc cho công ty Johnson and Johnson, chuyên sản xuất dược phẩm và các sản phẩm vệ sinh, cho biết thêm ý kiến.

Qua một số những điều đã được nêu trên, khuyến cáo cho giới tiêu thụ là không nên tin tưởng vào đũa dùng một lần vì tuy có vệ sinh hơn nhưng vẫn tiềm ẩn những rủi ro cho sức khỏe.

Không nên dùng đũa cũ ở những nơi không quen thuộc như nhà hàng. Nhìn kỹ đầu đũa trước khi sử dụng.

Không nên chấm đũa vào đĩa thức ăn chung giữa bàn tiệc để tránh nguy cơ lây bệnh.

Và tốt hơn hết là chỉ nên sử dụng đũa tại nhà nếu tình trạng sức khỏe của tất cả mọi người trong gia đình đều tốt. Khi ra ngoài nên dùng muỗng nĩa sẽ ít rủi ro hơn cho sức khỏe.

Mời quí vị bấm vào đường dẫn ở trên để theo dõi toàn bộ bài phỏng vấn:


Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG