Tổ chức Thương mại Thế giới WTO đã biểu quyết chấp thuận Việt Nam làm thành viên. Việc được kết nạp vào WTO đã là một mục tiêu mà chính phủ Việt Nam nhắm tới từ lâu nay. Việt Nam cần được vào WTO để có thể cạnh tranh ngang hàng với các nền kinh tế thiên về xuất khẩu khác.
Cuộc hành trình của Việt Nam để được kết nạp vào WTO đã mất hơn 1 thập niên. Nhưng nỗ lực này đã đạt được kết quả hôm thư ba, khi tổ chức quốc tế chấp thuận để Việt Nam trở thành thành viên thứ 150.
Với tư cách thành viên WTO, nền kinh tế đang nổi lên của Việt nam sẽ tiếp cận được nhiều hơn với các thị trường nước ngoài. Đổi lại, Việt Nam sẽ phải bãi bỏ các thuế cao đánh vào hàng nhập và ngưng trợ cấp cho các công ty quốc doanh.
Ông Adam Sitkoff là người đứng đầu Phòng Thương Mại Mỹ tại Hà Nội. Ông nói rằng việc được kết nạp vào WTO cũng giúp mang thêm đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
“Ta sẽ thấy việc giảm thuế, tiếp cận thị trường tốt hơn, pháp trị tốt hơn, và tổng quát là các tiêu chuẩn quốc tế về kinh doanh ở Việt Nam, tất cả sẽ giúp cải thiện bầu không khí đầu tư và kinh tế ở đây.”
Không phải tất cả các cơ sở kinh doanh ở Việt Nam đều được lợi ích nhờ sự gia tăng cởi mở của nền kinh tế. Ông Robert McNown là một giảng viên tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân ở Hà Nội. Ông nói rằng một số công ty địa phương có thể thất lợi trước các đối thủ nước ngoài có ưu thế hơn.
“Nếu ta nhìn vào các khu vực đặc biệt mà Việt Nam ở thế yếu nhất, tôi nghĩ một trong các khu vực đó, một khu vực rất quan trọng, là trong lãnh vực ngân hàng và dịch vụ tài chính.”
Nhưng theo ông McNown, trong khi một số ngân hàng Việt Nam có thể không có khả năng cạnh tranh, nói chung, thì khu vực ngân hàng ở Việt Nam sẽ cải thiện.
Đại diện tổ chức Oxfam ở Việt Nam, ông Steve Price-Thomas, cũng nghĩ rằng việc được kết nạp vào WTO sẽ mang tính tích cực cho Việt Nam, nhưng ông lo ngại về các tác động đối với nông dân nghèo.
“Chẳng hạn như những người trồng bắp sẽ phải cạnh tranh với bắp nhập được trợ giá từ Hoa Kỳ. Và nông dân trồng bắp của Hoa Kỳ hiện nay được trợ cấp tới 10 tỷ đôla mỗi năm. Mặc dầu lẽ dĩ nhiên là những người trồng các sản phẩm nông nghiệp khác sẽ được hưởng lợi ích, đặc biết là nông dân trồng lúa, trồng tiêu hay trồng cà phê.”
Việc Việt Nam được kết nạp vào WTO diễn ra ngay trước khi nước này chủ trì hội nghị cấp cao của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái bình dương, tức APEC, tại Hà Nội vào tuần tới. Tổng thống Bush nằm trong số các nhà lãnh đạo sẽ tham dự hội nghị này.
Hiện vẫn còn một trở ngại về mậu dịch là Hoa Kỳ chưa chấp thuận cho Việt Nam được hưởng quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn, hay PNTR.
Nhưng ông Sitkoff lý giải rằng điều đó chủ yếu là một vấn đề của các nhà kinh doanh Mỹ.
“Tất cả các thành viên của WTO buộc phải đối xử không phân biệt với các thành viên khác. Vì thế nếu muốn hưởng các lợi ích trong việc Việt Nam được kết nạp vào WTO, thì Hoa Kỳ buộc phải chấp thuận cho Việt Nam hưởng quy chế PNTR.”
Nếu Hoa Kỳ không chấp thuận quy chế PNTR cho Việt Nam, thì các quy định của WTO cho phép Việt Nam được đối xử phân biệt với các cơ sở kinh doanh Mỹ. Một dự luật dành quy chế PNTR cho Việt Nam hiện đang bị đình trệ tại Quốc hội Hoa Kỳ.