Trong lúc chuẩn bị để tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh APEC vào trung tuần tháng này, Việt Nam có thể hãnh diện về việc có được một nền kinh tế phát triển với tốc độ nhanh chóng và sắp sửa được thu nhận vào Tổ chức Thương mại Thế giới. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng một số nhược điểm của quốc gia Đông Nam Á này có thể khiến đà tăng trưởng bị khựng lại như đã xảy ra cách đây 10 năm.
Khi phát biểu tại phiên họp của quốc hội hồi tháng 10 vừa qua, ông Nguyễn Tấn Dũng, tân thủ tướng Việt Nam, có nhiều điều để cảm thấy hãnh diện.
Dĩ nhiên, ông Dũng không phải là người duy nhất có thái độ lạc quan. Ông Peter Ryder là giám đốc một quĩ đầu tư có tên Indochina Capital và đang quản lý các khoản đầu tư ở Việt Nam trị giá gần 600 triệu đô la. Ông cho biết: các nhà đầu tư nước ngoài rất tin tưởng vào triển vọng phát triển của kinh tế Việt Nam.
Rõ ràng là có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam. Đầu tư quốc Nội cũng gia tăng rất nhiều. Tôi nghĩ rằng, bất kể là nhìn vào khía cạnh nào của nền kinh tế thì quí vị cũng thấy một hình ảnh rất tươi sáng.
Trong 9 tháng đầu năm nay, lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài đã vượt mức 5 tỉ đô la và kim ngạch xuất khẩu trong năm 2005 đã lên tới hơn 32 tỉ đô la, tăng gấp đôi so với năm 2002.
Nhiều công ty nước ngoài đã ồ ạt rủ nhau đầu tư vào Việt Nam, trong đó có các đại công ty như Intel và Canon với những dự án xây dựng nhà máy sản xuất chip điện toán và thiết bị văn phòng.
Mặc dầu vậy, một số các nhà phân tích cũng lên tiếng kêu gọi mọi người chớ nên lạc quan quá độ. Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam nổi lên một làn sóng đầu tư nước ngoài. Ông Peter Ryder của công ty Indochina Capital đã đến Việt Nam làm ăn vào những năm giữa của thập niên 1990, là lúc có những dấu hiệu cho thấy nhiều nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy thất vọng. Ông Ryder kể lại như sau:
Lúc đó, nhiều người cho rằng Việt Nam sắp sửa trở thành con rồng Á Châu. Tuy nhiên, cảnh tượng lúc đó thật ra chỉ là một bức tranh nhạt nhẽo, có nguồn nhân lực rất dồi dào, có tài nguyên thiên nhiên rất phong phú, nói chung là có tiềm năng rất to lớn; nhưng cơ sở hạ tầng lại vô cùng yếu kém cả về phần cứng lẫn phần mềm như hệ thống ngân hàng, hệ thống pháp luật, hệ thống tài chánh...
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã nhận ra sự khó khăn của công cuộc kinh doanh ở Việt Nam và nhiều người quyết định rút lui.
Ông Pete Peterson là vị đại sứ đầu tiên của Hoa Kỳ tại Việt Nam sau khi quan hệ giữa hai nước được bình thường hóa vào năm 1995. Ông cho biết trong 10 năm vừa qua, Việt Nam đã đạt được rất nhiều tiến bộ về mặt cải cách cơ cấu, và luật kinh doanh cùng với cơ sở hạ tầng của ngành ngân hàng đã tốt hơn nhiều so với lúc trước. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề:
Cơ sở hạ tầng của ngành giao thông có sự thiếu hụt vô cùng to lớn. Cơ cấu ngành đường sắt thì quả là rất tệ hại.
Nhiều công ty xuất khẩu ở Việt Nam đồng ý với nhận định của cựu đại sứ Peterson. Tháng 9 vừa qua, các công ty nước ngoài ở Việt Nam, trong đó có công ty Nike và The Gap, cảnh báo chính phủ ở Hà Nội là cần phải nhanh chóng nâng cấp các bến cảng. Họ cho rằng: bắt đầu từ năm 2007, việc vận chuyển hàng hóa xuất khẩu có thể gặp phải trễ nãi, và tạo ra những khó khăn rất lớn cho công cuộc kinh doanh, đặc biệt là cho các công ty ngành dệt may và thủy sản.
Các kế hoạch cải thiện cơ sở hạ tầng đã bị chậm trễ vì nạn tham nhũng. Vụ tai tiếng PMU 18 của Bộ Giao thông hồi đầu năm nay đã khiến cho công tác xây dựng đường xá ở miền bắc bị đình chỉ gần như hoàn toàn.
Ngoài ra, sự phát triển của kinh tế Việt Nam vẫn còn bị cản trở vì những công ty quốc doanh. Ông Nguyễn Hoàng Lưu, Phó chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho rằng chính phủ không chú trọng đầy đủ tới việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ của tư nhân, mặc dù những doanh nghiệp này là động lực chính giúp cho kinh tế phát triển.
Ông Scott Cheshier, một kinh tế gia của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc tại Hà Nội, nói rằng có nhiều vấn đề nảy sinh từ việc các công ty của chính phủ, như Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông, tức VNPT, vừa tiến hành hoạt động kinh doanh vừa thực hiện công tác quản lý trong cùng một công nghiệp.
Chúng ta có thể lấy VNPT làm thí dụ. Công ty này ấn định các biện pháp quản lý khu vực viễn thông nhưng cũng hoạt động trong khuôn khổ của các biện pháp mà họ đặt ra. Vì vậy, rõ ràng là có vấn đề xung đột quyền lợi.
Tuy nhiên, ông Cheshier cho biết chính phủ ở Hà Nội đang tiến hành kế hoạch tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước trong khuôn khổ của những biện pháp cải cách nhằm phù hợp với đòi hỏi của việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Việt Nam đã phải ngưng trợ cấp cho công nghiệp dệt may và không tiếp tục bù lỗ cho các công ty xăng dầu trong nước. Nhiều thị trường ở Việt Nam cũng phải mở rộng cho các loại hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Bùi Hồng Kỳ làm việc cho một công ty chuyển thư nhanh ở Việt Nam. Ông tỏ ý lo ngại về sự cạnh tranh trong thời gian sắp tới:
Trong tương lai, khi luật lệ thay đổi, sẽ có nhiều hãng báo quan, các công ty hàng không và công ty hàng hải vào Việt Nam. Lúc đó các công ty tư ở Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Mặc dầu vậy, có nhiều người cảm thấy phấn khởi đối với những sự thay đổi này. Ông Trần Đức Nghĩa, giám đốc công ty nhu liệu điện toán FPT – là công ty đã thiết lập quan hệ đối tác với đại công ty Microsoft. Ông Nghĩa cho biết như sau:
Chúng tôi tin rằng sau khi Việt Nam gia nhập WTO, chúng tôi sẽ có thêm nhiều cơ hội để có thể nhận thêm đơn đặt hàng.
Nhiều người trẻ ở Việt Nam cũng cảm thấy phấn khởi như vậy. Trong lúc đang đi mua sắm ở một khu thương xá mới, có tên là Tháp Vincom ở Hà Nội, cô Phương Dung, một sinh viên của trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, cho biết rằng mức sống của cô hiện nay cao hơn rất nhiều so với thời của bố mẹ cô, và cô tin rằng cuộc sống của cô sẽ được cải thiện nhiều hơn nữa.