Việt Nam đang phải đối phó với nguy cơ tái xuất hiện cúm gà, một phần là vì chỉ có 40% vịt và 60% gà trong vùng đồng bằng sông Cửu Long có khả năng miễn dịch đối với bệnh này sau khi được tiêm chủng.
Bản tin hôm thứ tư của Tân hoa xã trích dẫn một báo cáo của Ủy ban quốc gia chỉ đạo phòng chống cúm gà ở Hà Nội nói rằng nguy cơ này cũng phát sinh một phần từ việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát đối với việc giết mổ, mua bán và vận chuyển gia cầm ở một số địa phương, đặc biệt là ở các tỉnh biên giới.
Trong khi đó, bản tin của hãng thông tấn Pháp đánh đi từ Hà Nội hôm thứ ba cho biết hơn 30 chuyên gia quốc tế đang có mặt tại Việt Nam để giúp giới hữu trách ở đây chuyển hướng công tác phòng chống cúm gà từ đối phó khẩn cấp sang kiểm soát dài hạn.
Phái viên AFP trích lời ông Fabio Friscia của Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc nói rằng Việt Nam đang đặt trọng tâm vào việc tái cấu trúc khu vực chăn nuôi gia cầm, nhắm đến việc dời các chợ gia cầm sống ra khỏi khu vực thành thị, xây dựng các cơ sở chăn nuôi mới và các địa điểm giết mổ tập trung. Giới hữu trách Hà Nội cũng muốn nâng cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho con người và dịch vụ thú y.
Theo lời ông Friscia, các chuyên gia thuộc nhiều tổ chức quốc tế đang tham gia chuyến công tác dài 2 tuần tại Việt Nam, bao gồm Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc, Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc, Ngân hàng Phát triển Á châu, cùng với các cơ quan viện trợ của Liên hiệp Âu Châu và New Zealand.
Giới hữu trách Việt Nam đang soạn thảo một kế hoạch hành động có kinh phí hơn 250 triệu đô la để tăng cường công tác theo dõi cúm gà và cải thiện hệ thống y tế và thú y. Nguồn tài trợ của kế hoạch này đến từ ngân quĩ chính phủ và tiền viện trợ của các quốc gia và tổ chức cấp viện.
Ông Friscia của Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc cho biết hiện nay, có khoảng 8 triệu người Việt Nam nuôi gia cầm trong vườn sau nhà; và giới hữu trách dự định giảm con số này xuống còn 5 triệu trong vòng 10 năm tới đây để giảm thiểu nguy cơ cúm gà lây lan.