VOA: Khái niệm quyền lực mềm nên hiểu như thế nào, thưa ông?
Giáo sư Joseph Nye: Quyền lực nói chung là khả năng tác động tới người khác để đạt được điều mình muốn. Việc đó có thể thực hiện qua ba cách: ép buộc, đe dọa; dụ dỗ, mua chuộc bằng vật chất theo phương pháp ‘cây gậy và củ cà rốt’; và hấp dẫn, thu hút người khác. Yếu tố cuối cùng tôi vừa nói chính là ‘quyền lực mềm’, tức là đạt được điều bạn muốn thông qua việc hấp dẫn, thu hút, thay vì ép buộc và dụ dỗ người khác.
VOA: Theo nhận định của giáo sư, quyền lực mềm của Việt Nam bao gồm những gì?
Giáo sư Joseph Nye: Sự tranh đấu và gìn giữ độc lập cũng như nỗ lực vượt qua khó khăn để phát triển đất nước của Việt Nam là một câu chuyện hấp dẫn, là quyền lực mềm. Ngoài ra, sự thu hút còn nằm ở nền văn hóa, truyền thống của đất nước, mà ví dụ điển hình là ẩm thực Việt Nam được đánh giá cao khắp nơi thế giới. Tôi nghĩ câu hỏi mấu chốt mà Việt Nam phải trả lời trong tương lai là, nước này làm thế nào để phát triển các câu chuyện cùng nền văn hóa riêng có đó để trở nên hấp dẫn và thu hút hơn nữa.
VOA: Vậy người dân đóng vai trò như thế nào trong việc củng cố quyền lực này, thưa ông?
Giáo sư Joseph Nye: Tôi cho rằng bản thân chuyện người dân Việt Nam làm việc và củng cố tỷ lệ tăng trưởng, mang lại câu chuyện kinh tế thành công cho đất nước, đã và đang thu hút người dân các quốc gia khác tới Việt Nam. Ngoài ra, việc người dân đóng góp ý kiến trong các lĩnh vực họ có thể lên tiếng cũng sẽ giúp đất nước trở nên hấp dẫn.
VOA: Các tổ chức bảo vệ nhân quyền từng lên tiếng cho rằng ‘Việt Nam giới hạn tự do ngôn luận’. Vậy điều đó có ảnh hưởng tới quyền lực mềm của Việt Nam không?
Giáo sư Joseph Nye: Tôi nghĩ việc giới hạn quyền tự do ngôn luận ảnh hưởng tới quyền lực mềm của Việt Nam. Điều này cũng giống với Trung Quốc. Chủ tịch nước này, ông Hồ Cẩm Đào, từng nói trước Đại hội Đảng lần thứ 17 rằng Trung Quốc cần phát triển quyền lực mềm. Trên thực tế, đất nước đông dân nhất thế giới đã tiến hành điều này thông qua những hoạt động như Thế vận hội Bắc Kinh hay tỷ lệ tăng trưởng kinh tế ấn tượng.
Nhưng khi Trung Quốc tống giam những người bày tỏ quan điểm trái chiều hay các luật sư lên tiếng bảo vệ thân chủ của mình, điều đó gây tác hại tới các câu chuyện thành công của Trung Quốc cũng như hình ảnh của nước này trên trường quốc tế. Tôi nghĩ Việt Nam đối mặt với tình thế tương tự như Trung Quốc.
VOA: Liệu tình hình đó có sớm thay đổi không, thưa ông?
Giáo sư Joseph Nye: Tôi nghĩ rằng việc chính phủ nới lỏng hơn (quyền tự do ngôn luận) sẽ giúp giảm bớt các tác động tiêu cực đối với quyền lực mềm. Khi tôi tới Bắc Kinh, tôi được giới hữu trách tham vấn về việc tăng cường quyền lực mềm, tôi nói với họ rằng hãy gia tăng việc đa dạng hóa ý kiến, và đừng quan ngại về các ý kiến khác biệt.
Lấy ví dụ ngành công nghiệp phim của Ấn Độ và Trung Quốc. Toàn thế giới người ta xem phim Bollywood sản xuất ở Ấn Độ, nhưng không nhiều từ Trung Quốc, không phải vì nước này không có các nhà làm phim tài giỏi, mà bởi vì chính phủ Ấn Độ không kiểm duyệt phim của nước này, trong khi chính quyền Bắc Kinh lại hành động như vậy. Việt Nam có một số vấn đề tương tự như Trung Quốc, dù tôi nghĩ Việt Nam đang có những bước tiến triển.
VOA: Báo chí trong nước đưa tin, ông đã gặp các giới chức cao cấp ở Việt Nam, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong chuyến thăm hồi tháng Giêng. Ông có đưa ra lời khuyên nào đối với họ không?
Giáo sư Joseph Nye: Các giới chức tôi gặp ở Việt Nam đã gây ấn tượng mạnh đối với tôi. Tôi có cảm giác họ hướng về phía trước và mong muốn đưa Việt Nam phát triển. Trong các cuộc gặp đó, tôi bày tỏ quan điểm rằng Việt Nam có thể tạo ra một câu chuyện cuốn hút người khác, ví dụ như vấn đề biến đổi khí hậu. Thay vì là một phần của Nhóm G77, và lên tiếng lặp lại những gì các nước khác nói, tôi cho rằng Việt Nam có thể tuyên bố rằng vì quyền lợi của mình, Việt Nam muốn đi đầu một nhóm nước muốn nghiêm túc giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu.
Rốt cuộc, Việt Nam sẽ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc nước biển dâng cao hay đồng bằng sông Mekong bị xâm mặn. Việt Nam có thể hành động vì quyền lợi của mình thông qua việc đi đầu trong quá trình chống lại tình trạng biến đổi khí hậu một cách mạnh mẽ. Như vậy, nước này có thể tăng cường sự hấp dẫn trong các câu chuyện của mình thông qua vấn đề biến đổi khí hậu.
VOA: Theo báo điện tử VietNamNet, tranh chấp ở biển Đông cũng là một phần trao đổi trong các cuộc gặp đó. Quan điểm của ông về chủ đề này?
Giáo sư Joseph Nye: Trung Quốc đã gây sức ép, buộc Việt Nam phải chấp nhận tuyên bố về ranh giới trên khu vực biển Đông, và Hà Nội đã lên tiếng phản đối điều này. Vì Trung Quốc luôn là nước lớn hơn so với Việt Nam, nên điều Việt Nam cần làm là thu hút sự chú ý của các nước khác như các thành viên của khối ASEAN (tức Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á), hay những quốc gia ngoài khối này, vốn cho rằng quan điểm của Việt Nam là đúng đắn. Về cơ bản, Việt Nam có thể thu hút các nước khác bằng quyền lực mềm của mình, và điều đó sẽ khiến Trung Quốc khó có thể bắt nạt Việt Nam.
VOA: Ông đề cập tới ASEAN, nhưng có ý kiến cho rằng các thành viên trong tổ chức này không thực sự mạnh mẽ trong việc hỗ trợ lẫn nhau. Ông đánh giá như thế nào?
Giáo sư Joseph Nye: Đúng, tôi cho rằng ASEAN không mạnh mẽ như tôi kỳ vọng, nhưng đó là một nơi Việt Nam có thể bắt đầu phối hợp các chính sách ngoại giao của mình, vì Hà Nội sẽ đóng vai trò lớn hơn trong khối này.
VOA: Thưa ông, Trung Quốc đã có những biện pháp tăng cường quyền lực mềm cụ thể nào, nhất là đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương?
Giáo sư Joseph Nye: Trung Quốc đã tiến hành một số biện pháp tăng cường quyền lực mềm của mình như thành lập các viện Khổng giáo nhằm thúc đẩy nền văn hóa của mình. Nước này cũng gia tăng phát sóng đài quốc tế và tăng số sinh viên nước ngoài tới du học ở Trung Quốc. Tôi nghĩ nhiều biện pháp tăng cường quyền lực mềm của họ đã thành công. Cùng với sự tăng trưởng kinh tế tạo nhiều ấn tượng, những bước đi đó đã thu hút sự chú ý của thế giới.
Trung Quốc gia tăng quyền lực mềm, nhưng vẫn tiếp tục vấp phải khó khăn do tự giẫm lên chân mình, khi bỏ tù các nhà hoạt động nhân quyền hay tống giam các luật sự đại diện các nhóm khác nhau ở nước này. Điều đó gây ấn tượng xấu đối với các nước khác trên thế giới, và tác động tới sức hấp dẫn của Trung Quốc.
VOA: Nói một cách cụ thể, tác động của quyền lực mềm của Trung Quốc đối với Việt Nam ra sao, thưa giáo sư?
Giáo sư Joseph Nye: Việt Nam chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, đặc biệt là Khổng giáo, trong một thời gian dài. Ngoài ra, Trung Quốc còn nỗ lực tác động tư tưởng của mình. Người Trung Quốc cho rằng quá trình thích nghi của Đảng Cộng sản trong khi thực thi nền kinh tế thị trường là điều hấp dẫn đối với Việt Nam.
VOA: Trong trường hợp của Hoa Kỳ thì như thế nào, thưa ông?
Giáo sư Joseph Nye: Tôi nghĩ nhiều người Việt Nam bị hấp dẫn bởi thực tế rằng Hoa Kỳ duy trì đa dạng quan điểm trong xã hội. Điều gây ngạc nhiên đối với tôi là sự tha thứ của người dân Việt Nam mà tôi gặp đối với người Mỹ vì sai lầm lớn của chúng tôi trong Chiến tranh Việt Nam. Việc một số người dân nghĩ rằng Hoa Kỳ sẵn lòng ra tay giúp đỡ Việt Nam cũng giúp nước Mỹ trở nên hấp dẫn.
VOA: Ông nói tới vai trò của người dân trong nước đối với việc củng cố quyền lực mềm của Việt Nam, vậy sự đóng góp của cộng đồng người gốc Việt ở nước ngoài, như ở Mỹ, chẳng hạn, nên được nhìn nhận ra sao?
Giáo sư Joseph Nye: Nếu chúng ta đánh giá về vai trò của ngoại kiều nói chung trên thế giới, họ thường đóng góp vào quá trình tăng cường quyền lực mềm của quê hương mình. Chúng ta có thể thấy điều đó qua cộng đồng người Mỹ gốc Hàn hay gốc Ấn. Cộng đồng người Mỹ gốc Việt đã có đóng góp lớn đối với Hoa Kỳ trong một thời gian tương đối ngắn kể từ khi họ đặt chân tới Hoa Kỳ. Điều đó giúp người bản xứ hiểu biết thêm về Việt Nam. Điển hình mới nhất là một chỉ huy tàu hải quân Hoa Kỳ là người Mỹ gốc Việt đã trở lại thăm quê hương.
Đến đây cũng đã kết thúc chương trình 'Câu chuyện Việt Nam' tuần này. Nguyễn Trung xin hẹn gặp lại Quý vị tuần sau. Nếu Quý vị muốn chia sẻ các câu chuyện cùng thông tin hấp dẫn từ nơi mình sinh sống, xin gửi về địa chỉ: vietnamese@voanews.com. Xin ghi trên tiêu đề là gửi chuyên mục 'Câu chuyện Việt Nam'. Xin chân thành cám ơn.
Đầu năm 2010, Giáo sư giảng dạy tại Đại học Harvard, Joseph Nye, người được coi là cha đẻ của thuyết quyền lực mềm, đã tới thăm Việt Nam và gặp gỡ các giới chức cấp cao, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam' tuần này, mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn của Nguyễn Trung với vị giáo sư từng đảm nhiệm chức trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đảm trách các vấn đề an ninh quốc tế.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1