VOA: Thưa ông, một thành viên của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện từng nói rằng các chương trình hỗ trợ nước ngoài của chính phủ Hoa Kỳ là một khái niệm khá mới mẻ với không ít người. Thực chất chương trình này hoạt động ra sao?
Ông Lorne Craner: Chương trình này bắt đầu đi vào hoạt động trên khắp thế giới khoảng 25 năm trước. Theo tôi biết, hiện nay, chương trình có mặt tại hơn 100 nước, với nhiều mục tiêu khác nhau, chẳng hạn như xây dựng xã hội dân sự ở Trung Quốc, hay trợ giúp phụ nữ tham gia vào tiến trình bầu cử của một đảng phái nào đó.
Tôi phải nhấn mạnh rằng chương trình này không nhằm áp đặt mô hình dân chủ kiểu Mỹ. Trên thực tế, chương trình của chúng tôi có sự tham gia của nhiều người từ khắp nơi trên thế giới, chẳng hạn như người châu Á hoặc châu Phi giảng dạy người dân ở châu Mỹ - Latin về tình hình dân chủ của họ. Chương trình này thực tế đã hoạt động nhiều năm rồi.
VOA: Trong phần điều trần của mình, ông không đề cập tới Việt Nam?
Ông Lorne Craner: Đúng. Tôi không đề cập cụ thể tới nhiều nước.
VOA: Liệu có phải vì lý do từng có một số tuyên bố rằng tình trạng dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam đã được cải thiện?
Ông Lorne Craner: Tôi không biết bất kỳ ai từng nói điều đó. Theo tôi, đã có một sự thay đổi to lớn ở Việt Nam. Lần đầu tiên tôi đến Hà Nội những năm 90, và giờ khi tôi trở lại, đó là một nơi đã lột xác gần như hoàn toàn. Đấy là đánh giá giá từ khía cạnh kinh tế.
Nhưng về mặt chính trị, tôi nghĩ không có mấy thay đổi từ thời kỳ những năm 80 hay 90 và năm 2010. Thực ra tôi thấy Trung Quốc còn năng động hơn Việt Nam về mặt chính trị, nhất là về việc nới rộng hệ thống dân chủ.
VOA: Còn tình hình nhân quyền thì sao, thưa ông?
Ông Lorne Craner: Tôi không nghĩ có sự cải thiện nào từ thời kỳ nhiều người bị đưa đi trại cải tạo cho tới khi chấm dứt chuyện đó hồi những năm 80 và đầu 90. Nếu chúng ta xét từ thời kỳ đầu những năm 90 cho tới nay, tôi không thấy một sự mở rộng hơn trong hệ thống chính trị ở Việt Nam so với 15 hay 20 năm trước.
VOA: Từng là Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông có biết về một chương trình hỗ trợ nhân quyền và dân chủ nào ở Việt Nam hay không?
Ông Lorne Craner: Tôi không biết. Nhưng tôi thấy một số nước châu Âu và Liên Hiệp Quốc có tham gia vào chương trình nhằm giúp Hà Nội khả năng đánh giá tiến trình lập pháp. Nhưng tôi không biết gì về bất kỳ chương trình nào của Hoa Kỳ.
VOA: Thưa ông, liệu người Việt Nam ở hải ngoại có thể nhận được các khoản hỗ trợ đó không?
Ông Lorne Craner: Phần lớn các khoản hỗ trợ đó được cung cấp cho các nhóm và tổ chức ở trong nước. Ngay lập tức, tôi không thể nghĩ ra là từng có nhóm bất đồng chính kiến người Việt ở Hoa Kỳ từng được hỗ trợ. Tôi chỉ biết có một số nhóm người Trung Quốc đã được hỗ trợ, nhưng cũng không thường xuyên. Tôi nghĩ là họ nên liên lạc với Bộ Ngoại giao hay Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ.
VOA: Việt Nam từng lên tiếng cáo buộc một số nhà bất đồng chính kiến nhận tài trợ từ các chính phủ nước ngoài, trong đó có Hoa Kỳ. Ông có nghĩ rằng những chương trình hỗ trợ nhân quyền và dân chủ như vậy sẽ đặt các nhà hoạt động vào tình thế mạo hiểm?
Ông Lorne Craner: Tôi nghĩ đó là chuyện có thể xảy ra, nhưng đó là sự lựa chọn của những người quyết định nhận hỗ trợ từ Hoa Kỳ. Chính phủ Hoa Kỳ không ép buộc ai phải lấy các đồng tiền thuế của người dân Hoa Kỳ. Đấy là điều đầu tiên.
Thứ hai, chính phủ Việt Nam nêu lên cáo buộc như vậy, nhưng nếu xét trong lịch sử của Việt Nam, trước năm 1954, chính quyền nhận nhiều viện trợ, nhiều đồng đôla từ các nước như Trung Quốc hay Liên bang Xô Viết.
VOA: Ông nói rằng hàng triệu người trên thế giới sẽ biết ơn Hoa Kỳ vì các nỗ lực giúp cải thiện tình trạng dân chủ và nhân quyền tại nước họ, và điều đó đồng thời giúp Mỹ hưởng lợi. Vì sao lại như vậy, thưa ông?
Ông Lorne Craner: Tôi đã sống đủ để biết rằng nhiều nước từng trong tình trạng không dân chủ. Còn giờ, khi tôi tới thăm các nước như Latvia, Nam Phi, Philippines hay El Salvador, mọi người thường hay nói cám ơn tôi vì vai trò của Hoa Kỳ trong việc cải thiện dân chủ ở nước họ, đồng thời nhấn mạnh rằng họ sẽ không bao giờ quên sự giúp đỡ như vậy.
Điều xảy ra sau đó 5 hay 10 năm, khi Hoa Kỳ trở lại nói rằng ‘chúng tôi từng rất sẵn lòng hỗ trợ các anh, giờ chúng tôi muốn nhận được một sự giúp đỡ nào đó’. Trong phần lớn các trường hợp, chúng tôi nhận được sự trợ giúp của họ, không chỉ về ngoại giao mà còn các vấn đề như Afghanistan chẳng hạn.
Nhiều binh sĩ ở Afghanistan xuất thân từ Trung Á. Theo tôi biết, chính phủ các nước ở khu vực này từng chia sẻ rằng việc đưa con em họ sang đó chiến đấu là một đóng góp nhỏ so với những gì Hoa Kỳ đã giúp đỡ họ.
Xin cám ơn ông Lorne Craner. Đến đây cũng đã kết thúc chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’, phát sóng vào lúc 10 giờ tối thứ Bảy hàng tuần. Nếu quý vị muốn chia sẻ với các quý độc giả khác các tin tức hữu ích từ nơi mình sinh sống, xin gửi email về cho chúng tôi tại địa chỉ: vietnamese@voanews.com. Xin ghi trên tiêu đề là gửi chuyên mục 'Câu chuyện Việt Nam'. Xin quý vị gửi kèm các thông tin liên hệ cụ thể. Nguyễn Trung sẽ liên lạc với quý vị. Xin chân thành cám ơn và hẹn gặp lại trong chương trình tuần sau.
Thưa quý vị, một cuộc điều trần với chủ đề ‘Hỗ trợ nhân quyền và Dân chủ: Gia tăng tính hiệu quả viện trợ nước ngoài của Hoa Kỳ’ mới đây đã diễn ra tại Ủy ban Đối ngoại Hạ Viện ở thủ đô Washington. Đại diện một số tổ chức thúc đẩy dân chủ cũng như giới chức Hoa Kỳ đã có mặt để trả lời các câu hỏi của cử tọa. Bên lề buổi điều trần, VOA Việt Ngữ đã phỏng vấn riêng ông Lorn W. Craner, Cựu trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động (2001 - 2004), về chương trình viện trợ này với các khía cạnh liên quan tới Việt Nam. Mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn của Nguyễn Trung với ông Craner trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này.