Ngoài vấn đề an ninh và kinh tế, dân chủ và nhân quyền cũng nằm trong những nội dung chính của cuộc điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ lần này.
Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, ông Kurt Campbell nhận định rằng cam kết của Hoa Kỳ về dân chủ và bảo vệ nhân quyền là yếu tố không thể thiếu trong sự giao tiếp với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và việc cổ vũ cho dân chủ và nhân quyền là một yếu tố quan trọng trong chính sách ngoại giao của Mỹ. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục lên tiếng cho những ai bị gạt ra ngoài lề xã hội, khuyến khích các nước trong khu vực tôn trọng các quyền của con người đã được quốc tế công nhận đối với người dân nước họ.
Chất vấn về vấn đề nhân quyền, dân biểu Ed Royce, một người lâu nay vẫn rất quan tâm đến tình hình nhân quyền của Việt Nam, đã đề cập đến các vụ xét xử một loạt các nhà bất đồng chính kiến trong thời gian gần đây của giới hữu trách Việt Nam cũng như vụ việc các tu sĩ phật giáo bị sách nhiễu. Ông Royce nói
“Liên quan đến vấn đề đưa Việt Nam trở lại danh sách Các nuớc cần Đặc biệt Quan tâm về Tự do Tôn giáo (CPC), tôi có thể nói rằng uỷ ban về tự do tôn giáo đã báo cáo về những gì đang xảy ra ở các nhà thờ công giáo, những gì đang xảy ra ở các tu viện phật giáo, về vụ việc tu viện phật giáo bị công an chìm tới quấy nhiễu v.v. Bây giờ là lúc cần đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC.”
Trả lời về vấn đề này Trợ lý Ngoại trưởng Kurt Campbell nói rằng Việt Nam cần phải cải thiện thành tích nhân quyền nếu muốn có một mối quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ:
"Tôi có thể nói là chúng tôi có những quan ngại thật sự về sự thụt lùi trong vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam trong những năm gần đây. Tuy nhiên chính phủ Việt Nam cũng đồng thời muốn có một mối quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ vì những lý do chiến lược. Chúng tôi đã lập luận với họ rằng sẽ rất khó để có được một mối quan hệ như vậy nếu họ không thực hiện những bước cụ thể để cải thiện tình hình trong nước.”
Về vấn đề đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC, ông Campbell nói rằng ông cần thêm thời gian để cân nhắc và duyệt xét lại vấn đề này và sẽ trả lời trước các nhà lập pháp trong thời gian sớm nhất có thể.
Năm nay, Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ. Trong khi quan hệ về mặt kinh tế đã đạt được một bước tiến dài và Hoa Kỳ đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam thì vấn đề nhân quyền vẫn là một thách thức trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Tuy vậy, cách tiếp cận vấn đề nhân quyền của Việt Nam giữa quốc hội và bộ ngoại giao Hoa Kỳ lại có phần khác biệt. Trong khi một số các nhà lập pháp tại quốc hội Hoa Kỳ muốn đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC và vận động thông qua một đạo luật nhân quyền đối với Việt Nam thì đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam lại muốn sử dụng đường lối đối thoại đối với vấn đề này.
Trong cuộc họp báo nhân dịp đầu năm 2010, Đại sứ Michael Michalak nói, xin trích dẫn: ‘tại thời điểm này chúng tôi muốn tiếp tục các cuộc đối thoại về nhân quyền để xem chúng tôi thể đạt được tiến bộ hay không. Ví dụ trong cuộc đối thoại lần gần đây nhất về nhân quyền chúng tôi đã thỏa thuận về 3 dự án khác nhau liên quan đến vấn đề quản trị chính quyền mà chúng tôi đang hợp tác với chính phủ Việt Nam. Tôi nghĩ rằng hiện tại đó là phương hướng hành động đúng đắn đối với chúng tôi”.
Liên quan tới vai trò của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong quan hệ đối ngoại của Hoa Kỳ, ông Kurt Campbell nhận định rằng về mọi mặt như địa chính trị, quân sự, ngoại giao và kinh tế, Châu Á - Thái Bình Dương là một khu vực vô cùng quan trọng và rõ ràng là các nước trong khu vực muốn Hoa Kỳ duy trì một sự hiện diện mạnh mẽ và tích cực ở đây. Oâng khẳng định rằng chính sách của Hoa Kỳ bảo đảm rằng Hoa Kỳ sẽ đóng một vai trò là một sức mạnh ‘thường trú’ (resident power) chứ không chỉ là một vị khách của khu vực bởi những gì xảy ra trong khu vực sẽ có tác động trực tiếp đến an ninh và kinh tế của Hoa Kỳ.
"Trong vài thập niên tới các vấn đề như việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, sự mất cân bằng về mặt quân sự ở đông bắc Á, bạo lực cực đoan ở Nam Á, vấn đề biến đổi khí hậu và tình trạng nghèo đói tràn lan sẽ gây nên những thách thức to lớn nhất đối với Hoa Kỳ và phần còn lại của khu vực. Những thách thức này sẽ tiếp tục rất nghiêm trọng ở Đông Á. Tình huống này đòi hỏi Hoa Kỳ phải đóng một vai trò lãnh đạo, trong đó có việc tăng cường và mở rộng các đồng minh của chúng ta, thiết lập các đối tác mới và tăng cường khả năng của các tổ chức đa phương"
Ông Campbell cũng cho rằng điều căn bản để đối phó với những thách thức của khu vực là việc tiếp tục khuyến khích Trung Quốc trở thành một thế lực cho sự ổn định, an toàn và thịnh vượng của khu vực cũng như khuyến khích họ tiếp tục hội nhập vào hệ thống quốc tế.
Một chiến lược hướng về phía trước của Hoa Kỳ được xây dựng trên những mối quan hệ như vậy cũng như sức mạnh của Hoa Kỳ với vai trò là một cường quốc dân chủ và lãnh đạo ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương là điều quan trọng để đối phó với những thách thức khu vực và toàn cầu.
Ông Campbell khẳng định rằng Hoa Kỳ sẵn sàng và có thể đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ các nước trong khu vực tăng cường khả năng của họ để đạt tới thành công. Dưới chính quyền của Tổng thống Barack Obama và Ngoại truởng Hillary Clinton, Hoa Kỳ sẵn sàng đối mặt với những thách thức này.
Trong phiên điều trần hôm 3/3 trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ về tình hình chung của khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Kurt Campbell nói rằng Việt Nam cần cải thiện tình hình nhân quyền nếu muốn có một mối quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ, trong khi dân biểu Ed Royce, thành viên Ủy ban Đối Ngoại Hạ viện Hoa Kỳ thì cho rằng đã đến lúc phải đưa Việt Nam trở lại danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tôn giáo. Dân biểu Royce cũng cho rằng Hoa Kỳ cần có hành động nhiều hơn để các chính phủ vi phạm nhân quyền trong khu vực phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1