Việt Nam hôm 31/10 cho biết sẽ nghiên cứu cơ chế của BRICS, một khối đối trọng ngày càng lớn đối với ảnh hưởng của phương Tây, một tuần sau khi nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin bày tỏ sự ủng hộ đối với việc mở rộng BRICS với một danh sách “các quốc gia đối tác”, trong đó có Việt Nam.
“Việt Nam sẽ nghiên cứu những thông tin về cơ chế của BRICS. Việc Việt Nam tham gia vào các cơ chế hợp tác đa phương khu vực và quốc tế luôn được nghiên cứu và xem xét trên cơ sở phù hợp với lợi ích, điều kiện và khả năng của Việt Nam”, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt được Dân Việt dẫn lời nói tại cuộc họp báo ngày 31/10.
Ông Việt nói thêm rằng điều này thể hiện đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa” các quan hệ quốc tế của Việt Nam.
Tuần trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự hội nghị các nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng tại Kazan, Nga, từ ngày 23 - 24/10, nơi ông có các cuộc họp với các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga.
Reuters dẫn lời ông Chính nói vào thời điểm đó rằng Việt Nam sẵn sàng hợp tác với BRICS, trong khi một quan chức Việt Nam đã nói với hãng thông tấn Anh trước hội nghị thượng đỉnh BRICS rằng Việt Nam quan tâm đến việc gia nhập khối này, nhưng thời gian và phạm vi áp dụng vẫn chưa rõ ràng.
Việt Nam được xem là một trung tâm công nghiệp mới nổi và là nước xuất khẩu chính sang Hoa Kỳ và châu Âu. Hà Nội từ lâu đã theo đuổi chính sách đối ngoại cân bằng nhằm duy trì mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các cường quốc thế giới. Tuy nhiên, theo Reuters, khoảng cách cân bằng có thể khó giữ được nếu Việt Nam chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS, một nhóm do Trung Quốc và Nga thống trị và được coi là câu lạc bộ dành cho các quốc gia sẵn sàng thách thức trật tự toàn cầu do phương Tây lãnh đạo.
BRICS ra đời năm 2010, với 4 thành viên ban đầu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, sau đó kết nạp thêm Nam Phi. Đầu năm nay, khối này đã kết nạp thêm Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Tại hội nghị ở Kazan, Tổng thống Putin cho biết đã có hơn 30 quốc gia bày tỏ quan tâm muốn tham gia, nhưng không nêu rõ trong điều kiện nào.
Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố rằng một danh sách “các quốc gia đối tác” ứng cử đã được nhất trí. Trong tương lai, lời mời sẽ được gửi đến từng quốc gia và danh sách sẽ được công khai sau khi nhận được sự đồng ý của họ.
Một trợ lý của Điện Kremlin đã đưa ra số lượng các quốc gia đối tác ứng cử là 13 nước, theo Japan Forward, trong khi một số cơ quan truyền thông đưa tin rằng các quốc gia này bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, Algeria, Belarus, Cuba, Bolivia, Malaysia, Uzbekistan, Kazakhstan, Thái Lan, Việt Nam, Nigeria và Uganda.
Theo Reuters, bất kể dù Việt Nam có nộp chính thức xin gia nhập BRICS hay không, mối quan hệ của Hà Nội với các nước BRICS vẫn rất bền chặt vì Nga là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu và Trung Quốc là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam.
Diễn đàn