Đường dẫn truy cập

Putin họp BRICS để chứng tỏ phương Tây không thể loại Nga trên trường quốc tế


Phụ tá chính sách đối ngoại của ông Putin, Yuri Ushakov, cho biết 36 quốc gia đã xác nhận tham gia cuộc họp của Khối BRICS và hơn 20 quốc gia sẽ cử nguyên thủ quốc gia.
Phụ tá chính sách đối ngoại của ông Putin, Yuri Ushakov, cho biết 36 quốc gia đã xác nhận tham gia cuộc họp của Khối BRICS và hơn 20 quốc gia sẽ cử nguyên thủ quốc gia.

Tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ bắt tay với nhiều lãnh đạo thế giới, bao gồm Tập Cận Bình của Trung Quốc, Narendra Modi của Ấn Độ, Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ và Masoud Pezeshkian của Iran.

Tất cả những người này sẽ có mặt tại thành phố Kazan của Nga vào ngày 22/10 để tham dự cuộc họp của khối BRICS gồm các nền kinh tế đang phát triển, bất chấp những dự đoán rằng cuộc chiến ở Ukraine và lệnh bắt giữ quốc tế đối với Putin sẽ biến ông thành kẻ bị ruồng bỏ.

Liên minh này, nhằm mục đích cân bằng lại trật tự thế giới do phương Tây lãnh đạo, ban đầu bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi nhưng bắt đầu mở rộng nhanh chóng trong năm nay. Iran, Ai Cập, Ethiopia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ả Rập Xê Út đã tham gia vào tháng 1; Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Malaysia chính thức nộp đơn và một số nước khác bày tỏ mong muốn trở thành thành viên.

Các quan chức Nga đã coi cuộc họp là một thành công lớn. Phụ tá chính sách đối ngoại của ông Putin, Yuri Ushakov, cho biết 36 quốc gia đã xác nhận tham gia và hơn 20 quốc gia sẽ cử nguyên thủ quốc gia. Ông Ushakov nói ông Putin sẽ tổ chức khoảng 20 cuộc họp song phương và hội nghị thượng đỉnh có thể trở thành “sự kiện chính sách đối ngoại lớn nhất từng được tổ chức” trên đất Nga.

Bên lề hội nghị thượng đỉnh, ông Putin cũng sẽ gặp Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres vào ngày 24/10, ông Ushakov cho biết. Đây sẽ là chuyến thăm Nga đầu tiên sau hơn hai năm của ông Guterres, người đã nhiều lần chỉ trích cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Quan điểm và thỏa thuận cho Điện Kremlin

Các nhà phân tích cho biết Điện Kremlin muốn có quan điểm về việc sát cánh cùng các đồng minh toàn cầu của mình trong bối cảnh căng thẳng liên tục với phương Tây, cũng như tính thực tế của việc đàm phán các thỏa thuận với họ để củng cố nền kinh tế và nỗ lực chiến tranh của Nga.

Đối với những thành viên khác, đây là cơ hội để khuếch đại tiếng nói và câu chuyện của họ.

“Điểm hấp dẫn của BRICS là nó không đặt quá nhiều nghĩa vụ lên bạn”, ông Alexander Gabuyev, giám đốc Trung tâm Carnegie Russia Eurasia, nói. “Thực sự không có quá nhiều ràng buộc khi trở thành một phần của BRICS. Đồng thời, có thể có những cơ hội thú vị đang đến với bạn, bao gồm cả việc có nhiều thời gian gặp mặt hơn với tất cả những nhà lãnh đạo này”.

Đối với ông Putin, hội nghị thượng đỉnh này có ý nghĩa quan trọng về mặt cá nhân vì nó cho thấy sự thất bại của những nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập ông, ông Gabuyev cho biết.

Cuộc họp sẽ chứng minh trong và ngoài nước rằng “Nga thực sự là một bên tham gia quan trọng đang dẫn đầu nhóm mới này, nhóm sẽ chấm dứt sự thống trị của phương Tây - đó là câu chuyện cá nhân của ông ấy”, ông nói.

Điện Kremlin sẽ có thể đàm phán với các bên tham gia chính như Ấn Độ và Trung Quốc về việc mở rộng thương mại và bỏ qua các chế tài của phương Tây. Ấn Độ là một thị trường quan trọng đối với hàng hóa của Nga, trong khi Trung Quốc là nơi Moscow hy vọng sẽ cung cấp các mặt hàng sử dụng kép và nhiều mặt hàng liên quan đến quân sự, ông Gabuyev cho biết.

Nga cũng muốn nhiều quốc gia tham gia vào dự án hệ thống thanh toán thay thế cho mạng lưới ngân hàng toàn cầu SWIFT, cho phép Moscow giao dịch với các đối tác mà không phải lo lắng về các chế tài.

“Ý tưởng của Nga là nếu bạn tạo ra một nền tảng có Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil và Ả Rập Xê Út, nhiều quốc gia là đối tác quan trọng của Hoa Kỳ, thì Hoa Kỳ sẽ không sẵn sàng truy lùng nền tảng này và chế tài nó”, ông Gabuyev cho biết.

Mục tiêu của Iran và Trung Quốc

Nga cũng dự kiến sẽ ký một hiệp ước “đối tác chiến lược toàn diện” với Iran, củng cố mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa Moscow và Tehran.

Sau cuộc xâm lược Ukraine, Iran đã cung cấp cho Moscow hàng trăm máy bay không người lái và giúp khởi động sản xuất tại Nga. Việc giao hàng máy bay không người lái của Iran, mà Moscow và Tehran đã phủ nhận, đã cho phép liên tục tấn công bằng máy bay không người lái tầm xa vào cơ sở hạ tầng của Ukraine.

Đổi lại, Iran muốn có vũ khí tinh vi của Nga như hệ thống phòng không tầm xa và máy bay chiến đấu để giúp chống lại một cuộc tấn công có thể xảy ra của Israel. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov từ chối bình luận khi được hỏi liệu hiệp ước có bao gồm hỗ trợ quân sự lẫn nhau hay không.

Đối với Trung Quốc, BRICS là một trong số nhiều tổ chức quốc tế - cùng với Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tập trung vào an ninh - thông qua đó Trung Quốc tìm cách thúc đẩy một giải pháp thay thế cho trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo.

Tập Cận Bình thúc đẩy mở rộng BRICS và hội nghị thượng đỉnh Kazan sẽ củng cố các mối quan hệ kinh tế, công nghệ và quân sự trong khối mở rộng này, ông Willy Lam, một thành viên cấp cao về Trung Quốc tại Quỹ Jamestown nói.

Bắc Kinh và Moscow cũng muốn xem liệu một loại tiền tệ giao dịch quốc tế mới có thể “thách thức cái gọi là bá quyền đô la” hay không, ông Lam cho biết.

Hội nghị thượng đỉnh sẽ cho phép Tập Cận Bình và Putin phô trương mối quan hệ chặt chẽ của họ. Hai bên, những người đã tuyên bố quan hệ đối tác “không giới hạn” vài tuần trước khi Nga xâm lược Ukraine vào năm 2022, đã gặp nhau ít nhất hai lần trong năm nay, tại Bắc Kinh vào tháng 5 và tại hội nghị thượng đỉnh SCO ở Kazakhstan vào tháng 7.

Mặc dù họ sẽ tiếp tục thể hiện một mặt trận thống nhất, các chuyên gia đang theo dõi những dấu hiệu tinh tế cho thấy ông Tập Cận Bình đang xa lánh ông Putin về cuộc chiến.

“Trong khi ông Putin muốn mối quan hệ Trung-Nga có vẻ tốt đẹp hơn bao giờ hết, ông Tập Cận Bình cũng có thể muốn ra hiệu với các quốc gia phương Tây và những nước khác rằng Bắc Kinh chính thức vẫn ‘trung lập’ trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine và không phải là đồng minh chính thức của Moscow”, bà Eva Seiwert, chuyên gia về chính sách đối ngoại và an ninh tại Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Berlin, cho biết.

“Điều này sẽ rất quan trọng để truyền tải hình ảnh Trung Quốc là một người gìn giữ hòa bình nghiêm túc và hợp pháp trong cuộc xung đột Nga-Ukraine”.

Hành động cân bằng cho Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ

Một cuộc gặp dự kiến giữa ông Modi và ông Putin có thể chứng kiến một số sự cân bằng lại trong mối quan hệ của họ. Những người bạn phương Tây muốn Ấn Độ tích cực hơn trong việc thuyết phục Moscow chấm dứt chiến tranh. Ông Modi đã tránh lên án Nga trong khi nhấn mạnh vào một giải pháp hòa bình.

New Delhi coi Moscow là đối tác đã được thử thách theo thời gian từ Chiến tranh Lạnh, hợp tác về quốc phòng, dầu mỏ, năng lượng hạt nhân và không gian, mặc dù Nga có mối quan hệ chặt chẽ hơn với đối thủ chính của Ấn Độ là Trung Quốc.

Cuộc gặp của họ sẽ là cuộc gặp thứ hai trong nhiều tháng. Ông Modi đã đến thăm Nga vào tháng 7, gặp Tổng thống Volodymyr Zelenskyy tại Ukraine vào tháng 8 và đến Hoa Kỳ để gặp Tổng thống Joe Biden vào tháng 9.

“Ấn Độ không thể đơn giản từ bỏ Nga vì mối quan hệ quốc phòng sâu sắc của họ, vấn đề về sự cân bằng quyền lực trong khu vực và logic của sự liên kết đa phương”, ông Raja Mohan, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Nam Á ở Singapore, nói. “Đồng thời, họ cũng xây dựng và phát triển mối quan hệ với Hoa Kỳ và phương Tây vì đó là nơi logic phát triển kinh tế lớn và tăng trưởng công nghệ của Ấn Độ phụ thuộc vào quan hệ đối tác”.

Ấn Độ và Brazil chủ yếu xem BRICS thông qua lăng kính kinh tế để thúc đẩy sự phân bổ quyền lực công bằng hơn trong hệ thống quốc tế, trong khi “Trung Quốc và Nga coi đây là một diễn đàn địa chính trị”, ông Chietigi Bajpayee, nhà nghiên cứu Nam Á tại Chatham House ở London, cho biết.

Ấn Độ và Brazil cũng không muốn “bị kéo vào quỹ đạo hấp lực của Trung Quốc”, bà Theresa Fallon thuộc Trung tâm Nghiên cứu Nga, Châu Âu, Châu Á nói. Một bên tham gia quan trọng khác là Thổ Nhĩ Kỳ, nước đã nộp đơn xin gia nhập nhóm BRICS. Sự kiện này diễn ra vào thời điểm nước thành viên NATO và ứng cử viên của Liên hiệp châu Âu này ngày càng thất vọng với phương Tây. Các cuộc đàm phán về tư cách thành viên EU của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị đình trệ kể từ năm 2016 do các tranh chấp với Síp và lo ngại về nhân quyền.

Mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Washington đã trở nên căng thẳng sau khi nước này bị loại khỏi chương trình máy bay chiến đấu F-35 sau khi mua hệ thống phòng thủ phi đạn của Nga. Ông Erdogan cũng cáo buộc Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây khác “đồng lõa” trong các hành động quân sự của Israel ở Gaza.

Việc trở thành thành viên BRICS sẽ giúp ông Erdogan “tăng cường sức mạnh của chính mình” vào thời điểm mối quan hệ với phương Tây đang ở mức thấp, ông Gonul Tol, giám đốc chương trình Thổ Nhĩ Kỳ của Viện Trung Đông có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết.

Các cường quốc tầm trung như Thổ Nhĩ Kỳ “cố gắng khai thác nhiều hơn từ cả hai phe bằng cách ở giữa các phe, bằng cách đặt một chân vào mỗi phe”, ông nói.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG