Điện Kremlin nói hôm 1/8 rằng việc các nước khác muốn gia nhập khối BRICS là bằng chứng về quyền lực ngày càng tăng của khối này trên trường quốc tế, nhưng cũng nói bóng gió rằng khối này có những bất đồng về khả năng mở rộng trước hội nghị thượng đỉnh.
Năm thành viên hiện tại của BRICS - Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - sẽ nhóm họp tại Johannesburg từ ngày 22-24/8 và khả năng mở rộng khối sẽ là chủ đề được bàn thảo, phát ngôn nhân Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cho biết.
“Đây là chủ đề rất quan trọng vì chúng tôi nhận thấy ngày càng có nhiều quốc gia ra tuyên bố về ý định gia nhập khối”, ông Peskov nói với các phóng viên.
“Nhìn chung, sự quan tâm như vậy đối với BRICS cho thấy tiềm năng to lớn, quyền lực ngày càng tăng của khối và quan trọng nhất là tầm quan trọng trên thực tế của khối này”.
Tháng trước, Nam Phi cho biết hơn 40 nước khác đã bày tỏ mong muốn gia nhập khối, nhằm cân bằng lại điều được cho là sự bá quyền của phương Tây do Mỹ đứng đầu trong các vấn đề toàn cầu. Trong số đó, 22 nước đã chính thức xin gia nhập.
Mặc dù không công khai tiết lộ lập trường về việc mở rộng khối, Nga đã không công khai phản đối. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói tại một cuộc họp của các ngoại trưởng BRICS hồi tháng 6 rằng sức hấp dẫn ngày càng tăng của khối đối với các nước là bằng chứng cho thấy nó thể hiện điều mà ông gọi là ‘sự hình thành thế giới đa cực’.
Ông Pavel Knyazev, một nhà ngoại giao Nga đại diện cho lợi ích của Moscow trong khối BRICS, cho hay các tiêu chí và phương pháp kết nạp thành viên mới vẫn đang được thảo luận và cần có sự đồng thuận xung quanh vấn đề này.
Do các lệnh trừng phạt của phương Tây vì cuộc chiến ở Ukraine, Nga đã tăng cường quan hệ kinh tế, quân sự và các mối quan hệ khác với Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều quốc gia châu Phi và Mỹ Latinh khác để cố gắng đẩy lùi điều mà họ gọi là nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập họ.
Ngoại trưởng Brazil Mauro Vieira đã tỏ thái độ thận trọng nhất về ý tưởng kết nạp thành viên mới trong một cuộc họp báo hồi tháng Sáu sau cuộc họp của bộ trưởng trong khối.
Ông nói về sự cần thiết phải ‘chăm sóc’ cho ‘thương hiệu và giá trị’ của khối, theo cách dùng từ của ông, và ông đánh giá rằng khối chiếm đến 31,5% tổng sản phẩm quốc nội và 40% dân số của thế giới. Ông cho hay cuộc thảo luận về việc mở rộng khối là ‘vẫn đang diễn ra’.
Diễn đàn