Đường dẫn truy cập

Lòng tin của doanh nghiệp châu Âu vào Trung Quốc thấp kỷ lục


Trung Quốc phải sắp xếp lại ưu tiên về tăng trưởng và cải cách kinh tế, đồng thời phải nâng cao lòng tin của nhà đầu tư bằng cách tạo ra sân chơi bình đẳng cho tất cả các công ty tại Trung Quốc, một nhóm doanh nghiệp châu Âu khuyến nghị hôm 11/9.

Trước tình trạng “lòng tin doanh nghiệp hiện ở mức thấp nhất mọi thời đại” do nhu cầu trong nước tụt hậu và tình trạng dư thừa năng lực sản xuất trong một số ngành, bản báo cáo thường niên về doanh nghiệp châu Âu ở Trung Quốc kêu gọi Bắc Kinh mở cửa nền kinh tế và tạo ra một thị trường tự do hơn để xác định việc phân bổ nguồn lực. Báo cáo cũng khuyến nghị đưa ra các chính sách để thúc đẩy nhu cầu trong nước.

Tỷ suất lợi nhuận ở Trung Quốc bằng hoặc thấp hơn mức trung bình toàn cầu đối với 2/3 số công ty được khảo sát hồi đầu năm, theo báo cáo được Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc công bố hôm 11/9.

Hồi tháng 8, Trung Quốc đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới về thuế quan của Liên hiệp châu Âu đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc.

Trung Quốc cũng tiến hành các cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các sản phẩm sữa, rượu mạnh và thịt lợn xuất khẩu của châu Âu.

Các hành động ăn miếng trả miếng làm dấy lên lo ngại rằng chiến tranh thương mại có thể nổ ra.

Nhiều doanh nghiệp châu Âu cho rằng lợi tức đầu tư vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không đáng để mạo hiểm, do các vấn đề bao gồm suy thoái kinh tế của Trung Quốc và môi trường kinh doanh bị chính trị hóa.

“Đối với một số trụ sở và cổ đông châu Âu, rủi ro khi đầu tư vào Trung Quốc đang bắt đầu vượt quá mức lợi nhuận, một xu hướng sẽ ngày càng gia tăng nếu những mối quan tâm chính về kinh doanh không được giải quyết,” ông Jens Eskelund, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên hiệp Châu Âu tại Trung Quốc, cho biết.

Báo cáo của Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc đề xuất hơn 1.000 khuyến nghị để Trung Quốc giải quyết những thách thức và các vấn đề mà các doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại nước này đang gặp phải và thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư.

Trong số đó có lời kêu gọi Trung Quốc chớ trừng phạt các công ty vì hành động của chính phủ nước họ. Những vấn đề khác bao gồm việc đảm bảo rằng các gói chính sách thu hút đầu tư nước ngoài được tuân thủ bằng cách thực thi và tránh “những thay đổi chính sách thất thường”.

Báo cáo cũng khuyến nghị EU nên chủ động giao tiếp với Trung Quốc và duy trì phản ứng “có chừng mực và tương xứng” khi nảy sinh bất đồng.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG