Đường dẫn truy cập

Chuyên gia Liên Hợp Quốc cáo buộc Việt Nam ‘lạm dụng luật chống khủng bố’ với người Thượng


Ông Y Quynh Bdap, đồng sáng lập nhóm Người Thượng vì Công lý (MSFJ), ngày 30/11/2023. Photo YouTube Dak Lak News.
Ông Y Quynh Bdap, đồng sáng lập nhóm Người Thượng vì Công lý (MSFJ), ngày 30/11/2023. Photo YouTube Dak Lak News.

Các chuyên gia nhân quyền độc lập của Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc mới bày tỏ quan ngại về điều họ nói là Việt Nam “lạm dụng luật chống khủng bố và phân biệt đối xử” đối với người Thượng và các tín đồ Thiên Chúa giáo thiểu số ở Tây Nguyên.

Trong thông cáo phát đi ngày 28/8, các chuyên gia này lấy ví dụ về việc ngày 20/1 năm nay, một phiên tòa lưu động “đã kết án 100 người về các tội danh liên quan đến khủng bố” trong vụ tấn công vào hai trụ sở chính quyền xã ở tỉnh Đắk Lắk hồi tháng Sáu năm 2023, làm 9 người chết.

“Công lý cho các nạn nhân đòi hỏi Việt Nam đảm bảo việc điều tra, bắt giữ, truy tố và xét xử các nghi phạm hoàn toàn phù hợp với luật nhân quyền quốc tế”, các chuyên gia viết trong thông cáo, nói thêm rằng họ “cảm thông với các nạn nhân của các vụ tấn công hồi tháng Sáu năm 2023”.

Họ viết tiếp rằng “phản ứng của chính quyền Việt Nam dường như có việc bắt và giam giữ tùy tiện” và rằng “một số người bị giam giữ đã bị tra tấn và bị đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hoặc bị hạ nhục”.

Các chuyên gia nhân quyền độc lập của Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc cũng cho rằng “100 người này chủ yếu bị truy tố về tội khủng bố mơ hồ” bởi phiên tòa lưu động mà họ cho rằng “thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng và không độc lập trước ảnh hưởng chính trị”.

VOA tiếng Việt đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Việt Nam về các cáo buộc của các chuyên gia nhân quyền độc lập của Liên Hợp Quốc, nhưng tới tối ngày 29/8 (giờ Hà Nội) vẫn chưa nhận được hồi đáp.

Hồi đầu tháng Bảy năm ngoái, như VOA tiếng Việt đã đưa tin, khoảng một tháng sau khi xảy ra vụ việc, phát ngôn viên của Bộ này, bà Phạm Thu Hằng, đã “bác bỏ” nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho rằng vụ tấn công bắt nguồn từ việc “kỳ thị sắc tộc” đối với người Thượng ở Tây Nguyên.

Bà Hằng cũng nói tiếp rằng “đây là hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự có tổ chức và sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật”.

Trả lời VOA tiếng Việt qua email về phát biểu xét xử “theo đúng quy định của pháp luật” của bà Hằng, Giáo sư Ben Saul, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản trong khi chống khủng bố, cho rằng “ngay cả khi Việt Nam tuân thủ các luật liên quan của mình thì vấn đề vẫn là bản thân các luật này dường như không nhất quán với các cam kết về luật nhân quyền quốc tế của Việt Nam vì định nghĩa mơ hồ về tội khủng bố, thiếu xét xử công bằng và độc lập tư pháp trong các vụ truy tố hàng loạt trước ‘phiên tòa lưu động’, và thiếu tiến trình công bằng về việc đưa vào danh sách các tổ chức khủng bố nhằm nhắm mục tiêu vào các tổ chức nhân quyền”.

Trong thông cáo của mình, các chuyên gia nhân quyền độc lập của Liên Hợp Quốc cũng nêu lên việc Việt Nam “tùy tiện” đưa tổ chức nhân quyền Người Thượng vì Công lý (MSFJ), vốn có đăng ký hoạt động tại Mỹ, vào danh sách “các tổ chức khủng bố”, cho rằng “một số thành viên của nhóm này đã bị truy tố vắng mặt trong phiên tòa xét xử tập thể”.

Liên quan tới việc công dân Mỹ bị kết án trong vụ việc xảy ra ở Đắk Lắk, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ từng nói với VOA tiếng Việt rằng phía Hoa Kỳ “sẵn sàng hỗ trợ các cuộc điều tra sâu hơn thông qua hợp tác thực thi pháp luật”, đồng thời “kêu gọi Việt Nam đảm bảo quy trình pháp lý công bằng và minh bạch”.

Trong thông cáo của mình, các chuyên gia nhân quyền độc lập của Liên Hợp Quốc cũng “kêu gọi Việt Nam ngừng nhắm mục tiêu vào người Thượng tị nạn ở các nước khác, bao gồm cả việc tìm cách cưỡng bức hồi hương và dẫn độ từ Thái Lan những người bị kết án vắng mặt” liên quan tới vụ tấn công xảy ra vào tháng Sáu năm ngoái.

Họ cho biết đã “nhắc nhở Việt Nam và các quốc gia khác rằng luật pháp quốc tế tuyệt đối cấm đưa một người trở lại một quốc gia khác, nơi thực sự có nguy cơ bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc bị hạ nhục hoặc [đối mặt với] các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khác”.

Các chuyên gia cho biết đã “truyền đạt những quan ngại này tới Chính phủ Việt Nam và Thái Lan”.

Khi được VOA tiếng Việt hỏi về phản hồi của Việt Nam như thế nào đối với các quan ngại này, Giáo sư Ben Saul cho biết rằng Việt Nam “đã yêu cầu thêm thời gian để gửi văn bản trả lời”.

Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, ông Saul mới đây đã cung cấp thông tin cho Tòa án Hình sự Bangkok và Tòa án Tối cao Thái Lan liên quan đến phiên tranh tụng đầu tiên về việc dẫn độ về Việt Nam nhà hoạt động Y Quynh Bdap, người bị tòa án ở Đắk Lắk xử vắng mặt và bị tuyên án 10 năm tù với tội danh “khủng bố” trong vụ tấn công trụ sở chính quyền xã.

Ông Bdap từng nói với VOA tiếng Việt rằng án tù này “phi lý” và “vô căn cứ” vì ông “chỉ là người Thượng đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo của người bản địa, đặc biệt đấu tranh bằng biện pháp ôn hòa”.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG