Đường dẫn truy cập

Báo cáo viên LHQ gửi đơn đến tòa Thái Lan liên quan vụ án của ông Y Quynh Bdap


Tòa Hình sự Bangkok, Thái Lan. Photo X AG FIDH.
Tòa Hình sự Bangkok, Thái Lan. Photo X AG FIDH.

Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về chống khủng bố và nhân quyền vừa đệ đơn amicus curiae lên Tòa án Hình sự Bangkok và Tòa án Tối cao Thái Lan nhằm cung cấp thông tin liên quan đến phiên xử nhà hoạt động Y Quynh Bdap.

Đơn amicus curiae, nghĩa là những người bạn của tòa án, là đơn không phải từ một bên trong một vụ án, nhưng người viết đơn này tự nguyện cung cấp thông tin về một vấn đề pháp luật hoặc một khía cạnh nào đó của vụ án để giúp tòa quyết định vấn đề trước khi xét xử, theo định nghĩa của Liên đoàn Luật sư Hoa Kỳ.

Như VOA đã đưa tin, phiên tranh tụng đầu tiên về việc dẫn độ nhà bảo vệ nhân quyền người Thượng Y Quynh Bdap trở lại Việt Nam chính thức bắt đầu hôm 2/8 tại Tòa Hình sự Bangkok, Thái Lan.

Sau đó, vào ngày 19/8, theo Qũy Xuyên Văn hóa Thái Lan (CrCF Thailand), Tòa Hình sự Bangkok đã tổ chức lấy lời khai của hai nhân chứng do cơ quan công tố đưa ra để buộc tội ông Y Quynh, bao gồm một sĩ quan cảnh sát xuất nhập cảnh Thái Lan và một cán bộ thi hành án của Cục Quản lý trại giam thuộc Bộ Công an Việt Nam.

Giáo sư Ben Saul, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về chống khủng bố và nhân quyền gửi thư amicus curiae bằng tiếng Anh và tiếng Thái đến Tòa án Hình sự Bangkok và Tòa án Tối cao Thái Lan hôm 12/8, Ban Á châu của Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIHD) cho hay hôm 27/8 trên trang X.

FIHD đưa ra thông tin rằng giáo sư Saul trình đơn amicua curiae này trước phiên tranh tụng tiếp theo về ông Y Quynh Bdap vào ngày 30/8. Ông đang đứng trước nguy cơ bị dẫn độ về Việt Nam nếu tòa tuyên phần thắng thuộc về bên công tố, hay nói cách khác là thuận theo đề nghị từ nhà chức trách Việt Nam.

Trong đơn của mình, GS Saul nêu định nghĩa và cách áp dụng các điều luật quốc tế về “hành vi khủng bố”, việc xác định các tổ chức là “khủng bố” theo luật pháp quốc tế. Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh cần phải duy trì nguyên tắc “không đẩy trả lại” (non-refoulement) đối với người tị nạn, đảm bảo rằng Thái Lan không dẫn độ một người sang một quốc gia khác khi có cơ sở vững chắc để tin rằng ở đó, cá nhân trong vụ việc sẽ có nguy cơ bị vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, chẳng hạn như tra tấn hoặc mất tích do bị cưỡng ép.

Trong đơn amicus curiae, ông Saul không đề cập đến các dữ liệu của vụ án liên quan đến ông Y Quynh, vì vấn đề này đã được các báo cáo viên LHQ trình bày trong các bức thư riêng trước đó đã được gửi đến chính phủ Thái Lan và chính phủ Việt Nam.

Tòa án Hình sự Bangkok và Tòa án Tối cao Thái Lan chưa phản hồi ngay khi VOA đề nghị họ đưa ra bình luận về đơn nói trên của báo cáo viên đặc biệt LHQ.

Trước đó, hôm 4/7, như VOA đã đưa tin, GS Saul cùng với hơn chục báo cáo viên đặc biệt khác đồng thanh bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về việc Việt Nam yêu cầu Thái Lan dẫn độ người tị nạn và người bảo vệ nhân quyền Y Quynh Bdap, người đồng sáng lập Nhóm người Thượng vì Công lý (MFSJ), một tổ chức ủng hộ quyền của người bản địa ở Việt Nam.

Các chuyên gia LHQ lên tiếng trong một thông cáo: “Chúng tôi kêu gọi Thái Lan từ chối dẫn độ ông ấy và bất kỳ yêu cầu nào khác nhằm buộc người Thượng này hồi hương trong khi ông đang mong được bảo vệ ở nước này”.

Ông Y Quynh Bdap, 31 tuổi, sống ở Thái Lan từ năm 2018, nơi ông được Cao ủy LHQ về Người tị nạn công nhận là người tị nạn và đang chờ tái định cư sang nước thứ ba.

Hồi đầu năm nay, chính quyền Việt Nam kết án vắng mặt ông Y Quynh 10 năm tù về tội “khủng bố” liên quan đến vụ tấn công ở tỉnh Đắk Lắk xảy ra vào tháng 6/2023. Ông bác bỏ cáo buộc này.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG