Ông Andreas Jung, Dân biểu Quốc hội Liên bang Đức, vừa nhận bảo trợ cho ông Đặng Đình Bách trong chương trình “Dân biểu bảo vệ Dân biểu” của Quốc hội Liên bang Đức. Ông Bách là một nhà hoạt động bảo vệ môi trường và khí hậu đang bị cầm tù ở Việt Nam.
“Tôi dành sự kính phục lớn nhất cho ông Bách vì sự dấn thân dũng cảm và kiên quyết của ông”, Dân biểu Jung, đại diện cho địa hạt cử tri Konstanz, đồng thời là Phó chủ tịch liên bang của đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc Đức (CDU), cho biết trong thông cáo hôm 23/8.
“Điều cốt yếu nhất mà tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị Việt Nam là cần trả tự do cho ông Bách ngay lập tức”, vị dân biểu Đức, cũng là một luật sư, nêu rõ.
Trong tư cách là giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD), một tổ chức phi chính phủ về môi trường, ông Bách đã bị kết án 5 năm tù vào tháng 1/2022 với cáo buộc “trốn thuế” liên quan đến số tiền tài trợ cho các hoạt động của tổ chức phi chính phủ của ông.
“Việc bắt giam ông đã bị các nhà quan sát độc lập xem là một biện pháp chính trị để triệt hạ các tiếng nói phản biện về chính sách khí hậu”, thông cáo của dân biểu Đức viết.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra bình luận về thông cáo nêu trên của ông Jung, nhưng chưa được trả lời.
Trước khi bị bắt vào tháng 6/2021, ông Bách kêu gọi chính quyền cho phép các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam tham gia vào chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), một chương trình hợp tác giữa G7 và Việt Nam để tạo năng lượng bền vững.
Ông Đặng Đình Bách được biết đến là một nhà hoạt động đã lên tiếng về nạn ô nhiễm môi trường tại Việt Nam và những ảnh hưởng đến đời sống của người dân từ các dự án điện than và dự án công nghiệp gây ô nhiễm khác.
Theo ông Jung, phát ngôn viên về Bảo vệ Môi trường và Khí hậu của khối liên kết hai đảng Cơ đốc Đức (CDU) và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), trên thực tế, hiện ở Việt Nam đã không còn bất kỳ tổ chức xã hội dân sự độc lập nào dám công khai lên tiếng về chính sách khí hậu nữa.
“Những họat động của ông Đặng Đình Bách và LPSD có liên quan đến 2 vấn đề chung của Liên hiệp châu Âu (EU) và Đức: việc thành lập một mạng lưới của 21 NGO muốn làm việc trong khuôn khổ của Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) và mối quan tâm bảo vệ khí hậu toàn cầu”, ông Vũ Quốc Dụng, Giám đốc Điều hành của tổ chức nhân quyền VETO! có trụ sở tại Đức, chia sẻ ý kiến với VOA.
“Điều này cho thấy Việt Nam không thể tách rời vấn đề nhân quyền của mình ra khỏi thế giới. Do đó, những quốc gia và tổ chức có quan hệ đối tác với Việt Nam cũng phải có trách nhiệm can thiệp cho những người như ông Bách đang bị giam cầm chỉ vì đã dấn thân bảo vệ các giá trị chung của nhân loại”, ông Dụng nêu nhận xét.
Chương trình “Dân biểu bảo vệ Dân biểu” là một sáng kiến của Uỷ ban Nhân quyền Quốc hội Liên bang Đức.
Khi tham gia chương trình, các dân biểu nước này có được cơ hội bảo trợ chính trị cho các đồng nghiệp ở nước ngoài hoặc cho những người bị đe dọa hoặc đàn áp vì họ dấn thân cho dân chủ và nhân quyền.
Ngoài ra, thông qua chương trình này, các dân biểu sẽ hợp tác với bộ ngoại giao, tòa đại sứ cũng như các tổ chức phi chính phủ để công khai hóa các vụ việc và thúc đẩy cải thiện tình trạng của các nạn nhân.
Các nhà hoạt động Việt Nam trước đây được các dân biểu Đức bảo trợ trong chương trình “Dân biểu bảo vệ Dân biểu” như nhà hoạt động Hoàng Đức Bình, nhà báo Phạm Chí Dũng, tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Bùi Văn Thâm, nhà hoạt động tôn giáo Nguyễn Bắc Truyển.
Diễn đàn