Đường dẫn truy cập

Bốn thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi ưu tiên nhân quyền trong quan hệ với Việt Nam


Bốn Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ kêu gọi Washington ưu tiên nhân quyền trong quan hệ song phương với Hà Nội, ngày 26/6/2024.
Bốn Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ kêu gọi Washington ưu tiên nhân quyền trong quan hệ song phương với Hà Nội, ngày 26/6/2024.

Hôm 26/6, chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cùng ba đồng viện khác báo động với Bộ Ngoại giao Mỹ rằng “môi trường nhân quyền đang xấu đi ở Việt Nam” và kêu gọi Washington hãy ưu tiên nhân quyền trong quan hệ với Hà Nội.

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Ben Cardin, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cùng với các Thượng nghị sĩ Chris Coons, Chris Van Hollen và Jeff Merkley gửi thư cho Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, kêu gọi bộ ngoại giao giải quyết đầy đủ các mối lo ngại về nhân quyền ngày càng gia tăng và nên lồng ghép các ưu tiên nhân quyền vào mối quan hệ song phương Mỹ-Việt.

“Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính quyền trong việc tăng cường quan hệ Hoa Kỳ với Việt Nam, bao gồm cả việc ký kết Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam mang tính lịch sử. Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại rằng trong khi hợp tác song phương của chúng ta ngày càng sâu sắc, môi trường nhân quyền lại ngày càng xấu đi ở Việt Nam”, bức thư viết.

Bốn thượng nghị sĩ Mỹ trong Ủy ban Đối ngoại lưu ý với “sự quan ngại” về những quyết định gần đây của chính quyền Việt Nam nhằm gia tăng các hạn chế đối với quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo và quyền lao động.

“‘Chỉ thị số 24’ do Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành báo hiệu sự đàn áp mạnh mẽ hơn nữa đối với xã hội dân sự và quyền tự do ngôn luận của công dân Việt Nam cả trong và ngoài nước”, các nhà lập pháp viết.

Ngoài ra, các thượng nghị sĩ còn bày tỏ quan ngại về việc giam giữ, bỏ tù những người bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam, đồng thời yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ vận động trả tự do ngay cho ông Đặng Đình Bách, ông Đỗ Nam Trung, bà Hoàng Thị Minh Hồng và tất cả “các tù nhân chính trị hiện đang bị giam giữ vì bất đồng chính kiến ôn hòa”.

Các thượng nghị sĩ cũng yêu cầu ông Blinken vận động trả tự do ngay lập tức cho các nhà báo Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Lân Thắng, Nguyễn Tường Thụy, Trương Duy Nhất, Phạm Chí Dũng, Phạm Đoan Trang và Nguyễn Văn Hóa. Họ bày tỏ ý kiến thêm rằng ông Hóa dù được ra tù vào tháng 1/2024 sau khi chấp hành bản án tù 7 năm, nhưng hiện vẫn bị quản chế và “có khả năng bị bắt lại”.

Bức thư kêu gọi Bộ Ngoại giao Mỹ nên tận dụng nhiều khía cạnh của quan hệ đối tác song phương giữa Hoa Kỳ với Việt Nam – bao gồm hợp tác kinh tế, thương mại và an ninh – để đạt được “tiến bộ rõ ràng và bền vững trong hồ sơ nhân quyền” của Việt Nam.

“Để mối quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam phát huy hết tiềm năng, sự can dự của chúng ta phải đi kèm với những tiến bộ rõ rệt về nhân quyền và quản trị tốt”, các nhà lập pháp viết.

“Thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam không chỉ là giá trị quan trọng của Hoa Kỳ mà còn quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ sâu sắc hơn và có ý nghĩa hơn giữa hai quốc gia chúng ta”.

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ đưa ra bình luận về lời kêu gọi trên của bốn thượng nghị sĩ, nhưng chưa được phản hồi.

Hồi tháng 4, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố báo cáo nhân quyền thường niên 2023, trong đó có phần về Việt Nam, với các nội dung như quyền tự do ngôn luận, báo chí, lập hội và nhóm họp, nói rằng các quyền này bị chính quyền Việt Nam “hạn chế nghiêm trọng”.

Vài ngày sau, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng rằng báo cáo nhân quyền của Mỹ “thiếu khách quan về tình hình Việt Nam”, cho rằng báo cáo này “dựa trên những thông tin không chính xác”.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG