Tổ chức Sông ngòi Quốc tế và Liên minh Bảo vệ Khí hậu Việt Nam vừa công bố phúc trình chuyên sâu nêu những hạn chế của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết chuyển đổi năng lượng, đồng thời lên tiếng báo động việc chính quyền Việt Nam bắt giữ các nhà hoạt động trong lĩnh vực môi trường và năng lượng.
Các đối tác phương Tây - trong đó có Liên hiệp châu Âu (EU), Hoa kỳ, Nhật, Đức, Anh và một số nước khác - hồi tháng 12/2022 đã thiết lập Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) với Việt Nam có mục đích giúp nước này chuyển dịch sang sử dụng năng lượng sạch.
Khoản tài trợ JETP trị giá 15,5 tỷ USD được đề xuất cho Việt Nam chỉ đại diện cho một phần nhỏ trong số 135 tỷ USD ước tính cần thiết đến năm 2030 để thực hiện các kế hoạch phát triển điện của Việt Nam.
Bản báo cáo, được công bố hôm 17/6, đánh giá chi tiết và quá trình phát triển của JETP Việt Nam cũng như những thách thức trong việc đạt được một quá trình chuyển đổi năng lượng thực sự công bằng và hiệu quả nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và các nguồn năng lượng gây hại khác.
Báo cáo mới này xem xét các khía cạnh trong 4 lĩnh vực chính: tài chính; quản trị và thực hiện; công nghệ và giải pháp năng lượng; và sự tham gia của công chúng và xã hội dân sự.
“Việc đàn áp các nhà hoạt động khí hậu ở Việt Nam đã gây lo ngại về khả năng JETP đạt được các mục tiêu của mình và sử dụng các quỹ như dự định”, báo cáo tóm tắt viết. “Trong những năm gần đây, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ và bỏ tù không công bằng 6 nhà lãnh đạo, chuyên gia và nhà vận động khí hậu nổi tiếng, đồng thời tăng cường trấn áp các tổ chức độc lập làm việc về các vấn đề môi trường và năng lượng trong nước”.
Báo cáo nhận định rằng các vụ bắt bớ này “đã hạn chế nghiêm trọng - thậm chí có thể làm mất đi - các cơ hội thực sự cho việc tham vấn với xã hội dân sự, một phần thiết yếu của JETP như đã nêu trong Tuyên bố Chính trị về Việc Thành lập JETP Việt Nam”.
Sáu trường hợp bắt bớ mà báo cáo đề cập gồm các ông bà Đặng Đình Bách, Hoàng Thị Minh Hồng, Ngô Thị Tố Nhiên hiện đang thụ án tù; và các ông bà Ngụy Thị Khanh, Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương đã được chính quyền trả tự do.
Vẫn báo cáo nhấn mạnh rằng nếu không có sự tham gia của xã hội dân sự vào quá trình này, chính phủ Việt Nam khó có thể hoạt động hiệu quả trong việc thực hiện một quá trình chuyển đổi năng lượng thực sự công bằng hoặc đảm bảo đất nước đạt được các tham vọng và mục tiêu khí hậu của mình.
“JETP một là công cụ hiệu quả để giải quyết khủng hoảng khí hậu, bằng không thì nó sẽ lãng phí tiền bạc vì các giải pháp sai lầm và những cách làm vẫn như cũ”, bà Maureen Harris, cố vấn cấp cao của Tổ chức Sông ngòi Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, đồng thời là người điều phối Liên minh Bảo vệ Khí hậu Việt Nam, nhận xét.
“Bây giờ chính là lúc các chính phủ và các tổ chức liên quan đến JETP của Việt Nam phải đưa ra sự lựa chọn này”, vẫn lời bà.
Ở một khía cạnh khác, phần lớn nguồn tài chính được cung cấp dưới dạng các khoản vay theo lãi suất thị trường chứ không phải dạng tài trợ. “Điều này có thể mâu thuẫn với khía cạnh ‘công bằng’ của JETP khi mà Việt Nam - và người dân Việt Nam - buộc phải gánh nợ để trang trải cho quá trình chuyển đổi năng lượng”, báo cáo của liên minh gồm một nhóm hơn 30 tổ chức về môi trường, công lý khí hậu và nhân quyền quốc tế và khu vực viết.
Về quản trị, báo cáo nhận định còn thiếu sự phối hợp trong nước giữa các bộ ngành ở Việt Nam, giữa các đối tác quốc tế và giữa hai bên Việt Nam - quốc tế, cũng là yếu tố góp phần tạo ra sự thiếu minh bạch, trách nhiệm và xây dựng đồng thuận tổng thể trong thiết kế và triển khai JETP.
Báo cáo chỉ ra một nghịch lý: trong khi chính phủ Việt Nam cam kết ở mức cao về việc đưa đất nước rời khỏi than đá, được phản ánh trong Tuyên bố Chính trị JETP, nhưng kế hoạch huy động nguồn lực (RMP) hiện tại của nước này không bao gồm lộ trình loại bỏ than đá hoặc các kế hoạch cụ thể để đóng cửa bất kỳ nhà máy điện than nào.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra bình luận về báo cáo mới này của Liên minh Bảo vệ Khí hậu Việt Nam, nhưng chưa được phản hồi.
Hồi đầu năm nay, chính phủ Việt Nam thừa nhận rằng JETP là một vấn đề mới, mang tính chất liên ngành, do đó, Việt Nam “vẫn đang gặp phải nhiều vướng mắc, khó khăn”, theo tạp chí Tài chính.
Trang này dẫn lời Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Lê Công Thành nói rằng nước này có một vài trở ngại trong việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Ông phát biểu: “Việt Nam đang đứng trước khó khăn lớn về năng lượng nền”.
Liên minh về Khí hậu Việt Nam đưa ra các khuyến nghị như trả tự do cho những nhà bảo vệ khí hậu và môi trường bị giam giữ không công bằng; cho phép xã hội dân sự và các nhóm dễ bị tổn thương tham gia một cách tự do và an toàn trong công tác giám sát và ra quyết định trong suốt quá trình lập kế hoạch và triển khai JETP; xây dựng các nguyên tắc rõ ràng về “chuyển đổi công bằng” cho JETP, dựa trên một quy trình có sự tham gia của nhiều bên, phù hợp với các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của chính phủ và các bên liên quan.
Diễn đàn