Đường dẫn truy cập

Bộ Y tế Việt Nam yêu cầu tăng cường phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ


Tiêm vắc-xin ngừa bệnh đậu mùa khỉ. [Ảnh minh họa]
Tiêm vắc-xin ngừa bệnh đậu mùa khỉ. [Ảnh minh họa]

Bộ Y tế Việt Nam mới yêu cầu chính quyền các tỉnh, thành cùng các cơ sở y tế tăng cường phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ (mpox) sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp về căn bệnh này.

Theo trang web của Bộ Y tế Việt Nam, trong văn bản ngày 19/8, sau khi dẫn WHO nêu lên việc các ca bệnh “gia tăng cao bất thường” ở một số nước châu Phi, nhất là Cộng hòa Dân chủ Congo cũng như tại khu vực châu Âu, Bộ này yêu cầu các cơ quan liên quan “chủ động giám sát, phát hiện sớm” các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ ở trong nước cũng như ngăn bệnh này “xâm nhập”.

Bộ này cũng kêu gọi “không để bùng phát diện rộng, hạn chế tối đa số mắc và tử vong” bằng cách “tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu” cũng như “giám sát chủ động tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”.

Trao đổi qua điện thoại, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm ở Hà Nội không muốn nêu tên, nói với VOA tiếng Việt về sự nghiêm trọng của mpox: “Đầu tiên là cái khả năng lây lan. Thứ hai nữa là tỷ lệ tử vong đã có, tỷ lệ tử vong khá là nhiều với những nước như Congo hay những nước ở bên châu Phi. Còn ở Việt Nam cũng đã có khoảng 100 trường hợp mắc tính từ thời điểm đầu năm, tập trung nhiều ở trong TP HCM và miền nam và nhóm đối tượng chính là nhóm đối tượng có quan hệ tình dục đồng tính, cũng là cái nhóm đang phát triển khá là nhanh”.

Chuyên gia này nói thêm rằng “giai đoạn này chủ yếu mình đang dự phòng” và “phát hiện những ca bệnh”.

“Mình sẽ tập trung chính vào đối tượng liên quan tới khả năng lây lan nhiều nhất, là nhóm đối tượng quan hệ tình dục đồng giới không an toàn. Mình sẽ tập trung tư vấn và sàng lọc đối tượng đó trước”, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho biết.

Theo Bộ Y tế, các cơ quan liên quan hiện cần phải “tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát, các biện pháp phòng, chống, chăm sóc, điều trị, phòng, chống lây nhiễm bệnh mpox”.

Ngoài việc tuyên truyền cho “các đối tượng có nguy cơ cao”, theo Bộ Y tế Việt Nam, chính quyền các tỉnh, thành cùng các cơ sở y tế phải “rà soát, cập nhật kế hoạch, kịch bản phòng, chống theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn” cũng như “sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng, chống dịch”.

Như VOA đã đưa tin, hôm 14/8, WHO và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi (CDC châu Phi) đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu lần thứ nhì trong hai năm sau khi nó lây lan sang các quốc gia láng giềng của Congo vốn không có hồ sơ về các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ trước đó.

Tin cho hay, chỉ riêng trong năm nay, bệnh đậu mùa khỉ đã giết chết 517 người và lây nhiễm cho 17.000 người, CDC Châu Phi đưa tin. Thụy Điển đã báo cáo trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ sau thông báo của WHO. Kể từ đó, các trường hợp mới đã được ghi nhận ở những nơi khác bên ngoài châu Phi.

Kể từ năm 2022, Hoa Kỳ đã ghi nhận 32.000 ca nhiễm và 58 ca tử vong, chủ yếu ảnh hưởng đến nam giới đồng tính và song tính.

Như VOA đã đưa tin, với các đột biến mới, hung hãn hơn, nó đã leo thang thành một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu. Vắc-xin COVID không áp dụng để phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ. Vắc-xin đậu mùa Jynneos do công ty Bavarian Nordic của Đan Mạch phát triển được sử dụng để điều trị virus bệnh đậu mùa khỉ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG