Đường dẫn truy cập

Mỹ nhắc lại cảnh báo về nghĩa vụ bảo vệ Philippines sau cuộc đụng độ mới với Trung Quốc trên biển


TƯ LIỆU - Cờ Philippines tung bay trên tàu BRP Sierra Madre, một con tàu xuống cấp của Hải quân Philippines được cho mắc cạn từ năm 1999 và trở thành một đơn vị quân sự của Philippines trên Bãi cạn Second Thomas đang tranh chấp, ở Biển Đông, ngày 29 tháng 3 năm 2014.
TƯ LIỆU - Cờ Philippines tung bay trên tàu BRP Sierra Madre, một con tàu xuống cấp của Hải quân Philippines được cho mắc cạn từ năm 1999 và trở thành một đơn vị quân sự của Philippines trên Bãi cạn Second Thomas đang tranh chấp, ở Biển Đông, ngày 29 tháng 3 năm 2014.

Hoa Kỳ hôm 18/6 lại lên tiếng cảnh báo rằng họ có nghĩa vụ phải bảo vệ đồng minh hiệp ước thân thiết của mình một ngày sau khi nhân sự hải quân Philippines bị thương và tàu tiếp tế của họ bị hư hại trong một trong những cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất giữa Philippines và Trung Quốc tại bãi cạn tranh chấp ở Biển Đông, các quan chức cho biết.

Trung Quốc và Philippines hôm 17/6 đổ lỗi cho nhau về việc gây ra sự thù địch ở Bãi Cỏ Mây (Second Thomas), nơi có sự hiện diện của một đội hải quân nhỏ của Philippines trên một tàu chiến mắc cạn giữa sự theo dõi chặt chẽ của hải cảnh, hải quân và các tàu nghi là của dân quân Trung Quốc trong một cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài nhiều năm. Người ta lo ngại rằng các tranh chấp, từ lâu được coi là điểm nóng ở châu Á, có thể leo thang và đẩy Mỹ và Trung Quốc vào một cuộc xung đột lớn hơn.

Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Kurt Campbell đã thảo luận về hành động của Trung Quốc với người đồng cấp Philippines, Maria Theresa Lazaro, trong một cuộc điện đàm. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết cả hai đều đồng ý rằng “các hành động nguy hiểm của Trung Quốc đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Theo người phát ngôn, ông Campbell tái khẳng định rằng theo Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951, Washington và Manila có nghĩa vụ phải giúp bảo vệ lẫn nhau trong các cuộc xung đột lớn, “liên quan đến các cuộc tấn công vũ trang vào lực lượng vũ trang, tàu hoặc máy bay của nhà nước Philippines – bao gồm cả lực lượng bảo vệ bờ biển của nước này – ở bất cứ nơi nào ở Biển Đông.”

Một lực lượng đảm trách việc giám sát các tranh chấp lãnh thổ của chính phủ Philippines đã lên án điều mà họ gọi là “các hành động nguy hiểm, bao gồm cả đâm và kéo”, làm gián đoạn nỗ lực thường lệ nhằm vận chuyển thực phẩm, nước uống và các vật tư khác cho lực lượng Philippines hiện đang quản lý tiền đồn lãnh thổ trên tàu BRP Sierra Madre tại bãi cạn.

“Bất chấp những hành động bất hợp pháp, hung hăng và liều lĩnh của lực lượng hàng hải Trung Quốc, nhân sự của chúng tôi đã thể hiện sự kiềm chế và tính chuyên nghiệp, kiềm chế không làm leo thang căng thẳng và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình”, lực lượng đảm trách giám sát tranh chấp lãnh thổ của Philippines nói. “Hành động của họ gây nguy hiểm đến tính mạng của nhân sự của chúng tôi và làm hư hỏng tàu thuyền của chúng tôi, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế”.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc cho biết Philippines “hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc này”. Họ cho biết một tàu Philippines “đã phớt lờ những cảnh báo nghiêm túc được lặp đi lặp lại của Trung Quốc… và tiếp cận một cách nguy hiểm một tàu Trung Quốc đang di chuyển bình thường theo cách thiếu chuyên nghiệp, dẫn đến va chạm”.

Hai tàu cao tốc – vốn tìm cách vận chuyển vật liệu xây dựng và các vật tư khác cho một tàu quân sự đóng tại bãi cạn – đi cùng với tàu tiếp tế, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói, mô tả hoạt động của lực lượng bảo vệ bờ biển của họ là “chuyên nghiệp, kiềm chế, hợp lý và hợp pháp”.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro Jr. tối ngày 17/6 cho biết lực lượng vũ trang nước ông sẽ chống lại “hành vi nguy hiểm và liều lĩnh của Trung Quốc”, điều “trái ngược với những tuyên bố về thiện chí và phép tắc của họ”.

Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán hơn trong việc thúc đẩy yêu sách của mình đối với gần như toàn bộ Biển Đông, dẫn đến ngày càng nhiều xung đột trực tiếp với các nước khác trong khu vực, nổi bật nhất là Philippines và Việt Nam.

Một đạo luật mới của Trung Quốc, có hiệu lực hôm 15/6, cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển của nước này bắt giữ các tàu nước ngoài “đi vào lãnh hải của Trung Quốc một cách trái phép” và giam giữ các thủy thủ đoàn nước ngoài trong tối đa 60 ngày. Luật này tham chiếu đến luật năm 2021, theo đó nói rằng lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc có thể bắn vào tàu nước ngoài nếu cần thiết.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG