Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho biết họ sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam đẩy nhanh mục tiêu xóa bỏ nạn mua bán người tại Việt Nam, Trưởng phái đoàn IOM Park Mihyung nói với Thông tấn xã Việt Nam nhân Ngày Thế giới Phòng chống Buôn bán Người hôm 30/7.
“Mua bán người vẫn là một trong những tội phạm sinh lợi nhất và lợi dụng điểm yếu của bất kỳ ai”, bà Park Mihyung nói tại lễ phát động ngày Toàn quốc phòng, chống mua bán người (30/7).
Theo người đứng đầu IOM tại Việt Nam, tình trạng mua bán người qua biên giới đang ngày càng gia tăng và phức tạp. Nạn nhân bị mua bán không chỉ là phụ nữ và trẻ em như trước đây, hiện nay số nam thanh niên bị mua bán ngày càng nhiều hơn.
“Chúng ta cần tiếp tục trang bị kiến thức, kỹ năng và tăng cường tinh thần đoàn kết trong cuộc chiến này. Chỉ khi được trang bị đầy đủ, chúng ta mới có thể giúp đỡ mọi người. Từ đó, chúng ta mới có thể tiến tới một tương lai mà mọi người đều được bảo vệ, được trao quyền và có khả năng để tự xây dựng tương lai cho chính mình, để không ai bị bỏ lại phía sau”, bà Park Mihyung nói.
Đại diện IOM cho biết với mục tiêu hỗ trợ cam kết của Việt Nam trong Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, dưới sự hỗ trợ của Bộ Nội vụ Vương quốc Anh, tổ chức này đã phối hợp với các cơ quan chính phủ và tổ chức địa phương để giúp giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương của cá nhân và cộng đồng trước nạn buôn bán người thông qua truyền thông thay đổi hành vi, tăng cường tiếp cận tư pháp, hỗ trợ phục hồi và tái hòa nhập cho nạn nhân.
Vì vậy, từ năm 2018-2022, dự án đã nâng cao năng lực cho hơn 1.700 đối tượng chống mua bán người, nâng cao nhận thức của hơn 2,93 triệu người về phòng chống mua bán người và di cư an toàn, giúp 1.680 người tiếp cận các cơ hội việc làm tại địa phương và con đường di cư lao động phổ thông.
Ngoài ra, IOM cùng phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Microsoft trong việc phát triển, quảng bá nền tảng học tập điện tử congdanso.edu.vn; hỗ trợ nâng cao năng lực cho các cơ quan thực thi pháp luật tại Việt Nam trong cuộc chiến chống buôn người; giúp đưa người di cư trái phép trở về và hỗ trợ họ tái hòa nhập cộng đồng.
Việt Nam là một trong những nước được chú ý về tình trạng buôn người, đặc biệt sau khi xảy ra vụ 39 nạn nhân bị chết ngạt trong một xe container đông lạnh ở Anh vào năm 2019.
Theo tổ chức Chống Buôn người Quốc tế, tình trạng buôn người từ Việt Nam sang Vương quốc Anh đang ngày càng gia tăng. Phần lớn bị đưa vào các cơ sở sản xuất cần sa, tiệm làm móng và ép buộc làm gái mại dâm. Đa số các nạn nhân buôn người còn rất trẻ, đôi khi là trẻ em, rất dễ bị bóc lột dưới bàn tay của những kẻ buôn người với những lời hứa hão huyền về những công việc hấp dẫn và lương cao. Chính sự tự nguyện của các nạn nhân, vốn phần lớn xuất thân nghèo khổ, đã gây ra những thách thức và khó khăn cho giới hữu trách Anh trong việc trấn áp tội phạm buôn người.
Vào tháng 3 vừa qua, Anh đưa ra một báo cáo cho biết hàng trăm nạn nhân của nạn buôn người đã mất tích sau khi họ được giới thiệu đến chương trình của chính phủ Anh được thiết kế ra để bảo vệ họ, phần lớn trong số nạn nhân trưởng thành là người Việt Nam.
Diễn đàn