Bộ Chính trị triệu tập một hội nghị bất thường hôm 6/6 để khai trừ khỏi Đảng Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, hai lãnh đạo được xác định đã “làm thất thoát lớn ngân sách” liên quan đến vụ đại án Việt Á.
Ông Long và ông Ngọc Anh, đều là ủy viên trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, từ hồi đầu tháng 4 bị cơ quan kiểm tra của Đảng phát hiện “có vi phạm” liên quan đến vụ bê bối bộ xét nghiệm COVID-19 do công ty Việt Á sản xuất, trong đó hàng loạt tướng quân đội cũng bị xem xét kỷ luật.
Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định của Đảng Cộng sản, hôm 4/6 đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng thi hành kỷ luật ông Long và ông Ngọc Anh. Theo VnExpress, đề nghị của Bộ Chính trị được đưa ra tại cuộc họp do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì nhằm xem xét thi hành kỷ luật một số nhân sự trong đó có ông Long và ông Ngọc Anh, người từng là bộ trưởng Khoa học và Công nghệ.
Hai ngày sau, các trang tin chính thống trong nước đồng loạt đưa tin rằng Bộ Chính trị hôm 6/6 triệu tập hội nghị Ban Chấp hành Trung ương bất thường để xem xét xử lý kỷ luật đối với ông Long và ông Ngọc Anh.
Theo kết luận của Bộ Chính trị và Ban Bí thư được VietNamNet trích dẫn, ông Long và ông Ngọc Anh “đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” đồng thời “vi phạm Quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm.” Hai vị lãnh đạo này bị cho là đã “gây hậu quả nghiêm trọng , làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Y tế.”
Theo VOV, sau khi xem xét đề nghị của Bộ Chính trị, căn cứ nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm, Ban Chấp hành Trung ương quyết định khai trừ ra khỏi Đảng ông Long và ông Ngọc Anh. Ban này cũng yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương xem xét và xử lý kỷ luật về hành chính theo đúng quy định đối với các cá nhân đã bị kỷ luật Đảng.
Trước đây, nhiều quan chức cấp cao của chính phủ bị truy tố và đưa ra xét xử sau khi bị khai trừ khỏi Đảng.
Bộ xét nghiệm COVID do Công ty Việt Á và Học viện Quân y – hai đơn vị được Bộ Khoa học và Công nghệ dưới sự lãnh đạo của ông Ngọc Anh giao phối hợp nghiên cứu sản xuất – được truyền thông trong nước đưa tin từ hồi đầu năm 2020, lúc đại dịch viêm phổi cấp mới bùng phát ở Việt Nam, là sản phẩm “được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế.”
Tại thời điểm đó, bộ kit xét nghiệm phát hiện chủng virus corona mới này được xem là niềm tự hào của doanh nghiệp trong nước và được cung ứng cho trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) cùng các sở y tế của 62 tỉnh, thành trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ Công an sau đó nói rằng Tổng giám đốc Công ty Việt Á, Phan Quốc Việt, đã “bắt tay” với các đối tác để nâng khống giá kit xét nghiệm khoảng 45%, với số tiền “hoa hồng” mà công ty này chi cho các “đối tác” lên tới gần 800 tỷ đồng.
Cuối năm 2021, Tổng cục Hải quan cho biết Công ty Việt Á nhập khẩu 3 triệu bộ kit của Trung Quốc với giá khai báo gần 1 USD/bộ (21.600 đồng/bộ) và dư luận từng “ngã ngửa” khi biết rằng xưởng sản xuất kit xét nghiệm COVID lớn nhất cả nước của Việt Á chỉ rộng 10m2, theo Tiền Phong.
Cho đến nay, ông Long và ông Ngọc Anh là hai cán bộ cao cấp nhất trong hàng ngũ lãnh đạo của Đảng Cộng sản bị xem xét kỷ luật liên quan đến vụ bê bối này. Ngoài ra, còn có Trung tướng Đỗ Quyết và Thiếu tướng Hoàng Văn Lương, đều là giám đốc Học viện Quân y, cũng bị đề nghị xem xét thi hành kỷ luật trong vụ tham nhũng gây rúng động công luận Việt Nam. Một tướng lĩnh quân đội khác, Trung tướng Nguyễn Viết Lượng, chính ủy Học viện Quân y, cũng bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.
Liên quan đến vụ lừa đảo này, 25 người, bao gồm cả các quan chức cấp cao của CDC các tỉnh thành đều bị điều tra.