Báo cáo mới được đưa ra của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam (VNHR) cho biết hiện có gần 300 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ trong các nhà tù ở Việt Nam và gần 80 người bị chính quyền bắt giữ trong năm qua.
“Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm những nhân quyền cơ bản, từ phân biệt đối xử, bắt và giam giữ tuỳ tiện, vi phạm các đảm bảo về xét xử công bằng, đến hạn chế quyền tự do tôn giáo, tự do quan điểm và biểu đạt, tự do lập hội v.v.”, Báo cáo Nhân quyền tại Việt Nam 2020-2021 do tổ chức có trụ sở ở California, Mỹ, đưa ra hôm 20/6 nhận định.
Thống kê của VNHR cho thấy có 288 tù nhân lương tâm còn đang bị giam giữ tại nhiều nhà tù trên khắp Việt Nam, trong đó có nhiều nhà báo, Facebooker, các nhân vật tôn giáo, và các nhà hoạt động vì dân chủ và quyền đất đai. Báo cáo còn nói rằng chính quyền của Đảng Cộng sản đã bắt thêm 79 người tính đến ngày 31/5.
Trong thông cáo báo chí đưa ra hôm 20/6, VNHR nói rằng báo cáo, có sự tham gia soạn thảo của một số nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam, bao gồm 8 chương tương ứng với các quyền cơ bản được nêu trong Tuyên ngôn Phổ quát về Nhân quyền, trong đó nêu lên các vi phạm về quyền tự do ngôn luận và tự do tôn giáo, nạn bạo hành của công an, nạn buôn người, vi phạm những nguyên tắc cơ bạn của luật tố tụng hình sự, chế độ nhà tù bất công, và đàn áp bằng bạo lực, trong số nhiều vi phạm khác.
Chính quyền Hà Nội chưa công khai lên tiếng trước báo cáo này của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội luôn nói rằng không có cái gọi là "tù nhân lương tâm" ở Việt Nam và rằng không có ai bị giam giữ vì bày tỏ chính kiến của mình.
Việt Nam hồi đầu năm nay tuyên bố ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Khi tuyên bố ứng cử hồi tháng 2 vừa qua, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao lúc đó, ông Phạm Bình Minh, nói về những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong “bảo vệ và thúc đẩy quyền con người”. Trong lần ứng cử trước vào năm 2013, Việt Nam cam kết, qua công hàm gửi tới Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ, rằng Việt Nam “tôn trọng và bảo đảm” các quyền và các tự do cơ bản của người dân Việt Nam.
Tuy nhiên, những vi phạm quyền tự do ngôn luận của chính quyền Việt Nam trong năm qua liên tục bị các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng chỉ trích.
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới xếp Việt Nam gần chót bảng, 175/180 quốc gia, trong danh mục Tự do Báo chí Thế giới 2021. Tổ chức Freedom House, trong báo cáo mới nhất về tự do trên thế giới, nhận định Việt Nam là một quốc gia không có tự do. Uỷ ban Bảo vệ Ký giả xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia kiểm duyệt báo chí khắt khe nhất thế giới. Trong khi đó, Tổ chức Human Rights Watch đánh giá tình trạng tự do ngôn luận và tự do thông tin tại Việt Nam là rất kém trong báo cáo thường niên mới nhất, trong đó cho rằng “những người bất đồng chính kiến trên mạng thường xuyên phải đối mặt với sự sách nhiễu và đe doạ” của chính quyền trong năm 2020.
Theo báo cáo mới được đưa ra của VNHR, ít nhất 46 người đã bị bắt giữ và truy tố tính đến ngày 31/5 vì vi phạm Bộ luật Hình sự 2015 sau khi “bày tỏ quan điểm chính trị của họ thông qua mạng xã hội”, một cáo buộc mà các nhà chức trách gọi là “chống phá nhà nước”. Nhóm nhân quyền ở California cho biết rằng những người khác bị bắt trong năm qua bao gồm các nhà hoạt động chính trị, nhà báo độc lập và những người khiếu kiện về quyền đất đai.
Phạm Đoan Trang, người đoạt giải của tổ chức Phóng viên Không Biên giới, là một trong số những nhà báo bị chính quyền Việt Nam bắt giữ trong năm 2020. Trước đó trong năm, hai thành viên Hội Nhà báo Độc lập, Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Hữu Minh Tuấn, cũng bị bắt giữ. Trương Châu Hữu Danh, một thành viên trong nhóm Báo Sạch, bị bắt giam hồi cuối năm ngoái, và 3 thành viên còn lại của nhóm này bị bắt giữ hồi đầu năm nay.
Trong số những người bị kết án hồi năm ngoái có nhà văn Trần Đức Thạch, người bị Toà án Nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên 12 năm tù về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Hồi đầu năm nay, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc Lập Phạm Chí Dũng và 2 thành viên khác của nhóm bị kết án tổng cộng 37 năm tù với tội danh “làm, tàng trữ” tài liệu nhằm “chống phá nhà nước”.
Báo cáo của VNHR cũng đưa ra các khuyến nghị cụ thể và khả thi đối với chính phủ Việt Nam, các chính phủ khác và các tổ chức có quan hệ với chính phủ Việt Nam, các cơ quan nhân quyền quốc tế cũng như người Việt ở nước ngoài nhằm thúc đẩy sự tôn trọng nhân quyền cho người dân Việt Nam.