“Kẻ phản bội” hay “bọn Cộng sản” là những phản ứng của người gốc Việt ở Mỹ trước những thông tin về nhóm Người Mỹ gốc Việt Ủng hộ Biden được lan truyền trên mạng vào tháng trước.
Nhiều người Việt ủng hộ Tổng thống Donald Trump tái đắc cử cho rằng ông Joe Biden, ứng cử viên tranh cử tổng thống đại diện Đảng Dân chủ, “tôn thờ” Trung Quốc và phản đối việc tiếp nhận người tị nạn tới Mỹ sau Chiến tranh Việt Nam, trong số nhiều lý do khác.
Nhằm phản bác những tuyên bố đó, một trang web có tên VietFactCheck (Việt Kiểm Tin) bằng hai ngôn ngữ Anh và Việt đưa ra những thông tin phản biện như “Có thật là Biden thân Trung Quốc?” hay “Joe Biden và đảng Dân chủ có chống đợt tỵ nạn của người Việt vào thập niên 80?”
Trang web của nhóm người Việt cấp tiến nói rằng “Nhiều người Mỹ gốc Việt tin rằng Biden ủng hộ Trung Quốc và nếu ông làm tổng thống, Trung Quốc sẽ thống trị Việt Nam” và cho rằng “quan hệ của Biden với Trung Quốc khá phức tạp nhưng các chuyên gia tin rằng chính phủ Biden sẽ có chính sách cứng rắn với Trung Quốc”. VietFactCheck cũng phản bác thông tin mà nhiều người Mỹ gốc Việt cho rằng “cựu phó Tổng thống Biden và đảng Dân Chủ chống việc định cư của người tỵ nạn Việt tại Hoa Kỳ” bằng việc đưa ra bằng chứng ông Biden, lúc đó là thượng nghị sỹ, bày tỏ lo ngại về việc đưa thêm viện trợ quân sự vào thời điểm cuối của cuộc Chiến tranh Việt Nam nhưng chào đón những người tị nạn vào Mỹ.
“Càng gần đến ngày bầu cử, cảm xúc của họ càng tăng cao và khả năng cư xử văn minh với nhau, lắng nghe nhau không còn nữa”, My-Linh Thai, dân biểu tiểu bang Washington đại diện đảng Dân chủ nói với VOA khi nhận định về sự xung khắc trong cộng đồng người Việt trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay. Dân biểu gốc Việt, từng là một di dân tị nạn Chiến tranh Việt Nam khi tới Mỹ lúc 15 tuổi, cho rằng sự chia rẽ trong cộng đồng gốc Việt “lớn hơn nhiều lần” trong cuộc đua của hai ứng viên Trump-Biden so với những cuộc bầu cử trước đây.
Càng gần đến ngày bầu cử, cảm xúc của họ càng tăng cao và khả năng cư xử văn minh với nhau, lắng nghe nhau không còn nữa.My-Linh Thai, dân biểu tiểu bang Washington
Dân biểu My-Linh đưa ra ví dụ về sự xung đột tăng cao không chỉ qua những cuộc đấu khẩu mà còn chuyển thành những cuộc ẩu đả khi một người gốc Việt ủng hộ cựu phó Tổng thống Biden bị “tấn công về thể chất gây thương tích” bởi những người gốc Việt khác trong một cuộc tuần hành ủng hộ Tổng thống Trump tại Bellevue, thành phố của tiểu bang Washington nơi bà đại diện. Vụ tấn công này có thể dẫn tới một vụ kiện dân sự, theo vị dân biểu từng là người tị nạn Việt đầu tiên được bầu vào Hạ viện tiểu bang Washington.
Đó là những ‘trận chiến’ của cộng đồng người Mỹ gốc Việt trước thềm cuộc bầu cử tháng 11. Sự chia rẽ này gợi lên những vết thương lòng từ cuộc Chiến tranh Việt Nam, khi quân Bắc Việt của Đảng Cộng sản tràn xuống “giải phóng” miền Nam khiến hàng triệu người Việt phải bỏ ra đi. Đối với một số người, nó gợi nhớ đến những cuộc vượt biển đầy gian khổ để rời khỏi Việt Nam khi đất nước hoàn toàn thuộc chế độ Cộng sản.
“Cuộc bầu cử này có vẻ như đã trở thành một sự tái diễn của cuộc chiến tranh”, Jeffery Vu, giám đốc khu vực Tây Bắc của nhóm Người Mỹ gốc Việt ủng hộ Biden nói với The Seattle Times.
Vết thương lòng
Một trong những nhân tố chính dẫn tới những cách nhìn khác nhau đó là việc cộng đồng người Việt đã bị ảnh hưởng như thế nào sau Chiến tranh Việt Nam, theo Nick Nguyen, trưởng nhóm nghiên cứu tại VietFactCheck, một dự án tổ chức công bằng xã hội phi lợi nhuận của một nhóm người Mỹ gốc Việt có tên PIVOT. Ông Nick cho rằng nhiều người Mỹ gốc Việt hình thành quan điểm chính trị từ cuộc Chiến tranh Việt Nam, trong đó cuộc sống của nhiều người Việt bị đảo lộn và những gia đình từng có cuộc sống ổn định bỗng trở thành những người tị nạn.
Một trong những nhân tố chính dẫn tới những cách nhìn khác nhau đó là việc cộng đồng người Việt đã bị ảnh hưởng như thế nào sau Chiến tranh Việt Nam.Nick Nguyen, trưởng nhóm nghiên cứu tại VietFactCheck
Nhiều người tị nạn Việt tin rằng Đảng Cộng hoà có chủ trương chống Cộng sản và họ cũng cảm thấy được Đảng Cộng hoà chào đón nhiều hơn khi tới Mỹ.
“Những người Việt Nam tị nạn hải ngoại hay vượt biên ra nước ngoài (tới Mỹ) thì cũng một phần phải nhớ đến chính phủ Mỹ đã nhận người tị nạn của mình vào,” Tina Phạm, một người được cha đẻ bảo lãnh đến Mỹ năm 1993 và hiện là phó chủ tịch Cộng đồng người Việt ở Jacksonville, Florida, nói với VOA . “Nếu chính phủ Mỹ không nhận ba của tôi là người tị nạn thì làm sao mình có được cơ hội nên mình lúc nào cũng phải nhớ ơn. Nhưng khi đến nước Mỹ rồi mình phải tìm hiểu được lịch sử của Mỹ và thành phần nào của (chính phủ) Mỹ đã giúp cho người tị nạn (Việt) và thành phần nào không giúp cho người tị nạn (Việt)”.
Khi người tị nạn Việt Nam bắt đầu tới Mỹ sau khi quân Bắc Việt chiếm được Sài Gòn, tên gọi cũ của TP HCM hiện nay, nào năm 1975, thống đốc thuộc đảng Dân chủ của California lúc đó, Jerry Brown, đã phản đối rằng tiểu bang này có thể quản lý được họ. Trong khi đó, Thống đốc bang Washington lúc đó, Dan Evans, thuộc đảng Cộng hoà, đã mời người tị nạn Việt tới tiểu bang của ông, và để lại một di sản về sự thiện chí của đảng Cộng hoà đối với người gốc Việt.
Bà Tina, một thành viên đảng Cộng hoà và ủng hộ Tổng thống Trump, cho rằng ông Biden đã “có lịch sử hồi xưa không ủng hộ bảo lãnh người Việt trong Chiến tranh Việt Nam”. Một trong những lý do khác khiến bà Tina ủng hộ ông Trump là vì ông Biden làm tổng thống sẽ có lợi cho Trung Quốc trong khi ông Trump làm tổng thống sẽ tiếp tục chiến tranh thương mại với Trung Quốc khiến cho Đảng Cộng sản nước này suy yếu dẫn đến Đảng Cộng sản Việt Nam “không thể uy hiếp người dân được nữa”.
Một trong những đăng tải trên Facebook trong nhóm Người Việt Nam ủng hộ Tổng thống Trump cho rằng với việc ông Trump tái đắc cử, “từ đây chế độ cộng sản rừng rú, man rợ sẽ bị xoá sổ trên toàn thế giới”.
Tôi hy vọng rằng thậm chí nếu bạn không cùng quan điểm với tôi thì vẫn tôn trọng nó. Tôi cũng sẽ làm như vậy với bạn. Dù quan điểm của bạn là gì, hãy để tiếng nói của bạn được lắng nghe.Như Loan, ca sỹ
Trong các phát biểu cũng như những quảng cáo trên truyền hình hay trên đường phố của chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump đưa ra quan điểm rõ ràng về việc loại bỏ chủ nghĩa xã hội ra khỏi nước Mỹ, một quan điểm mà nhiều người tị nạn Việt ủng hộ vì họ cho rằng nó gắn với chủ nghĩa cộng sản mà họ đã rời bỏ để tìm đến tự do và dân chủ sau Chiến tranh Việt Nam. Đó cũng là một lý do vì sao nhiều người gốc Việt, đặc biệt thuộc thế hệ người tị nạn đến Mỹ sau chiến tranh, ủng hộ ông Trump.
Một cuộc thăm dò của AAPI đưa ra hồi tháng 9 cho thấy người Mỹ gốc Việt là nhóm duy nhất trong cộng đồng gốc châu Á ở Mỹ ủng hộ Tổng thống Trump nhiều hơn so với cựu Tổng thống Biden – 48% cho ứng viên đảng Cộng hoà và 36% cho ứng viên đảng Dân chủ.
Cuộc chiến quan điểm
Để giải thích về quan điểm của mình trước những tranh cãi trong cộng đồng Việt, ứng cử viên tổng thống Biden hôm 21/10 đã gửi một thông điệp tới 2 triệu người Mỹ gốc Việt, trong đó nói rằng ông “đã ủng hội 130.000 người tị nạn Việt Nam tới Mỹ” và rằng ông “sẽ ủng hộ nhân quyền” cũng như “giải quyết những sự đàn áp của Trung Quốc, bao gồm Biển Đông.”
Trong khi dân biểu My-Linh hoanh nghênh việc ông Biden “quyết định đưa ra thông điệp xác minh quan điểm của mình về việc tiếp nhận người tị nạn Việt và sẽ tiếp tục ủng hộ cộng đồng người Mỹ gốc Việt” thì bà Tina lại cho rằng do ông Biden “thấy Tổng thống Trump được người Việt ủng hộ nên mới đưa ra bức thư” mà bà cho là một sự “xúc phạm” đến cộng đồng Việt.
Nếu ai cũng đưa ra ý kiến của mình trong cách tôn trọng người khác thì sự chia rẽ sẽ không bị lớn quá. Bởi cuối cùng thì các mối quan hệ giữa gia đình và bạn bè vẫn quan trọng hơn mối quan hệ với những người chính trị gia mà họ không biết mình là ai.Tina Phạm, Phó chủ tịch cộng đồng Việt tại Jacksonville, Florida
Theo dân biểu gốc Việt My-Linh, sự xung đột đang làm chia rẽ một số gia đình trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt là “một thế giới thu nhỏ của một bức tranh rộng lớn hơn” của nước Mỹ. Giữa bối cảnh này, một số người gốc Việt trong những ngày qua đã lên tiếng trên mạng xã hội kêu gọi cộng đồng của mình bỏ qua những khác biệt về quan điểm chính trị để đoàn kết trở lại.
Theo dân biểu My-Linh và bà Tina, điều quan trọng để giải quyết những xung đột này là tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ cảm nhận của mỗi người để hiểu nhau hơn dù đó là trong gia đình, hay với bạn bè và đồng nghiệp.
Ca sỹ Như Loan là một trong hàng chục triệu người Mỹ đã bỏ phiếu sớm cho kỳ bầu cử tổng thống lần này. Cô cho biết rằng cô đã bỏ phiếu vì sự công bằng, nhân đạo, cho phụ nữ quyền được lựa chọn, và cho hy vọng. “Tôi bỏ phiếu cho những điều mà tôi tin tưởng”, cô viết trong một đăng tải trên trang Facebook cá nhân. “Tôi hy vọng rằng thậm chí nếu bạn không cùng quan điểm với tôi thì vẫn tôn trọng nó. Tôi cũng sẽ làm như vậy với bạn. Dù quan điểm của bạn là gì, hãy để tiếng nói của bạn được lắng nghe”.
“Nếu ai cũng đưa ra ý kiến của mình trong cách tôn trọng người khác thì sự chia rẽ sẽ không bị lớn quá”, bà Tina nói. “Bởi cuối cùng thì các mối quan hệ giữa gia đình và bạn bè vẫn quan trọng hơn mối quan hệ với những người chính trị gia mà họ không biết mình là ai.”
Còn dân biểu My-Linh thì “hy vọng rằng sau cuộc bầu cử này, khi những cảm xúc không còn dâng cao thì cộng đồng người Mỹ gốc Việt có thể ngồi lại với nhau và có những cuộc hội thoại sâu sắc và đầy tình yêu thương.”