Trước thềm cuộc tranh luận trực tiếp lần cuối giữa hai ứng viên trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, có cử tri Cộng hòa muốn nghe ông Biden nói ‘đã làm được gì trong 48 năm làm chính trị’ trong khi có cử tri Dân chủ muốn ông Trump nói rõ lập trường của ông về kỳ thị sắc tộc.
Sau cuộc tranh luận lần hai bị huỷ, cuộc tranh luận lần thứ ba và cũng là lần cuối giữa đương kim Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden sẽ diễn ra vào tối thứ Năm ngày 22/10 tại Nashville, bang Tennessee. Người điều hợp cuộc tranh luận này là nhà báo Kristen Welker của Đài NBC News.
Trước đó, bà Welker đã công bố các chủ đề tranh luận sẽ là dịch bệnh Covid-19, gia đình Mỹ, sắc tộc, biến đổi khí hậu, an ninh quốc gia và sự lãnh đạo. Tuy nhiên, hôm 19/10, ông Bill Stepien, quản lý ban vận động tranh cử của ông Trump, đã gửi thư đến ban tổ chức tranh luận than phiền về những chủ đề này.
Theo lập luận của ông Stepien, thì theo truyền thống chủ đề của cuộc tranh luận cuối cùng phải về chính sách đối ngoại. Ông cáo buộc ban tổ chức tranh luận là ‘thiên vị ông Biden’.
Ủy ban Tranh luận Tổng thống là một cơ quan phi đảng phái.
‘Sợ không công bằng’
Ông Nguyễn Thanh Thụy, một cử tri gốc Việt ở Orlando, bang Florida, bày tỏ lo ngại cuộc tranh luận ‘sẽ không công bằng cho ông Trump’ vì người điều hợp Kristen Welker ‘có khuynh hướng Dân chủ’ và thắc mắc tại sao phía Đảng Cộng hòa ‘quá dễ dãi, chấp nhận cho bà Kristen Welker làm người điều phối cuộc tranh luận’.
Ông Thụy e rằng lần này, ứng viên Trump sẽ không có cơ hội quảng bá ‘những kết quả tốt đẹp của ông trong ba năm đầu cầm quyền’ mà sẽ tập trung vào những nội dung gây bất lợi cho ông như bệnh dịch, thất nghiệp, kinh tế trì trệ…
“Trong khi đó, việc ông Trump đem việc làm về lại nước Mỹ, xây dựng bức tường biên giới ở Mexico ngăn chặn di dân bất hợp pháp, giúp các quốc gia Ả Rập và Do Thái xích lại gần nhau sẽ không có cơ hội được đề cập,” ông Thụy, chủ nhân một chuỗi nhà hàng và từng là chủ tịch cộng đồng người Việt ở Orlando, bức xúc.
Khi được hỏi muốn ứng viên Biden trình bày vấn đề gì, ông Thụy nói: “Tôi muốn hỏi ông ấy trong 40 năm là thượng nghị sĩ và 8 năm làm Phó Tổng thống đã làm được gì cho đất nước. Tôi muốn hỏi tại sao Đảng Dân chủ lại thực thi chính sách biên giới mở, dễ dãi với di dân. Tại sao họ chủ trương phá thai vi phạm đạo đức xã hội.”
‘Cần nói về sắc tộc’
Từ bang Virginia, anh Lý Bình, 30 tuổi, quản lý dự án cho một hãng xây dựng bất động sản, nói với VOA rằng anh mong ông Joe Biden ‘sẽ thể hiện lập trường một cách mạnh mẽ’.
“Ông Biden sẽ có cơ hội tốt hơn để truyền thông điệp của mình đến với khán giả vì ông ấy sẽ không còn sợ bị Trump cướp lời,” anh nói và đề cập tới việc cuộc tranh luận này sẽ cho phép tắt micro của ứng viên khi không tới lượt nói.
“Những điểm thuyết phục cử tri của ông ấy sẽ là về dịch bệnh, về chính quyền Trump đã thất bại như thế nào trong kiểm soát dịch bệnh và về hàng trăm ngàn sinh mạng người dân Mỹ đã mất một cách không đáng như thế nào,” anh Bình nói với VOA bằng tiếng Anh vì anh không nói được nhiều tiếng Việt.
Anh Bình cũng dự đoán rằng ông Trump sẽ ‘hung hăng’ (belligerent) hơn so với lần tranh luận thứ nhất vì ‘đang trong ở thế phòng vệ do đang theo sau trong các cuộc thăm dò dư luận’.
Anh Bình nói anh muốn ông Trump nói với cộng đồng người Mỹ gốc Á, trong đó có người Mỹ gốc Việt, về chủ đề kỳ thị sắc tộc.
“Trong đại dịch này người gốc Á phải chịu đựng rất nhiều. Ông Trump đã đổ lỗi cho Trung Quốc về dịch bệnh nhưng người Mỹ họ không phân biệt được người Việt, người Hàn với người Trung Quốc. Họ phải chịu sự kỳ thị,” anh lý giải.
Anh nói mặc dù các cử tri đều biết rõ lập trường của hai ứng viên về vấn đề sắc tộc nhưng ‘điều quan trọng là họ phải trình bày nó’.
Mặc dù đã đi bỏ phiếu rồi nhưng anh nói anh vẫn theo dõi cuộc tranh luận này vì anh muốn xem hai ứng viên thể hiện như thế nào. “Tôi theo dõi không phải vì lá phiếu của tôi, mà vì lá phiếu của những cử tri khác, vì tương lai của nước Mỹ, vì tương lai của thế giới,” anh nói.