Sứ mệnh của chiếc loa phường tới đây thật “cao cả”. Sự gắn bó giữa nội trị độc tài với ngoại giao chọn bên sẽ như hình với bóng trong một chiếc loa phường tưởng như đã lụi tàn từ ngày nào.
Đừng nhìn việc khôi phục chiếc loa phường như một câu chuyện riêng lẻ. Hãy gắn hiện tượng ấy với một loạt các sự kiện “đang nóng bỏng”: xử tôn giáo*, kết án hoạt động môi trường**, giao việc theo dõi nhân quyền tới tận cấp xã để ‘dẹp chống phá từ trong trứng nước’***, khánh thành quần thể tượng công an giữa lòng Thủ đô****... Những chỉ dấu ấy dường như cho thấy chủ nghĩa toàn trị đang lên ngôi. Nhưng không chỉ thế! Với đà này, nếu dẹp hết mọi phản kháng, xứ Đông Lào sẽ được sống trong “trại súc vật” theo nghĩa đen.
Nguyễn Bá Bình
Không chọn “bên” mà chọn “phe”?
Việc phục hoạt phương tiện tuyên truyền “quá đát” ấy nhằm ba mục đích, theo Facebooker Trương Nhân Tuấn: Thứ nhất, ĐCSVN muốn khoa trương thành quả công cuộc đốt lò. Đúng sai, thành bại, cần thiết hay không... bất cần. Đảng cần khẳng định, mục tiêu đốt lò là đúng đắn. Đốt lò là nhằm bảo vệ lợi ích của dân tộc và đất nước chớ không phải là đấu đá giữa các thế lực cá nhân trong đảng (như tin đồn). Thứ hai, Đảng dùng loa phường để phủ nhận “nhà nước pháp quyền”, đả phá “tinh thần kỹ trị”, “cải cách thể chế” của một số lãnh đạo. Vụ bổ nhiệm Chủ tịch Hà Nội và quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho ta thấy chủ trương “hồng hơn chuyên” đã trở lại. Mọi thứ luật lệ quốc gia đặt ra cho có. Đa số các vụ án được đảng ra “phán quyết” từ trước, người dân gọi là “án bỏ túi”. Thứ ba, loa phường cũng là hệ quả của việc “chọn phe”, cho dù nhìn bề ngoài, loa phường không mấy liên quan đến việc Việt Nam chọn mô hình quản trị xã hội theo Nga, Trung Quốc hay Hoa Kỳ.
Chủ trương của ĐCSVN trong vụ “chọn phe” đi ngược lại xu thế tiến bộ trong khu vực và trên thế giới. Nay Đảng cần loa phường để chuyển tải các thông điệp “tẩy não” người dân. Ngoại trưởng Mỹ hủy thăm Việt Nam đầu tháng 7, vì trước đó Hà Nội đã tiếp Ngoại trưởng Nga. Mỹ cũng hủy luôn vụ hàng không mẫu hạm Donald Reagan cập bến Đà nẵng, vì Việt Nam đang có kế hoạch cùng Nga tập trận “liên lục địa” vào tháng 8 này. Vậy sẽ tuyên truyền “chống Mỹ” kiểu gì đây? ĐCSVN trên thực tế đã thần phục Trung Quốc. Trong thâm tâm Đảng vẫn chủ trương “phò Nga”, mà Nga thì đang thi hành cuộc chiến phi luân phi pháp. Loa phường sẽ giúp ĐCSVN đưa người dân vào cuộc chiến “chống Mỹ cứu nước” mới, vẫn cuộc chiến “ủy nhiệm” do Bắc Kinh thao túng. Trung Quốc không muốn Mỹ có mặt ở khu vực ASEAN, khu vực vốn thuộc ảnh hưởng cũ của thiên triều. Đảng CSVN được Trung Quốc ủy nhiệm để thắng cuộc chiến này. Đó cũng là lý do để Trung Quốc ra sức thúc ép ĐCSVN phải nâng cấp quan hệ với ĐCSTQ lên tầm cao mới. Ngày 13/7 vừa rồi, tại Nam Ninh, Trung Quốc tái nhắc nhở, đã đến lúc Hà Nội và Bắc Kinh cần xây dựng một “cộng đồng chung vận mệnh”.
Câu chuyện chọn “phe” mặc dầu được Thủ tướng Phạm Minh Chính chối bay chối biến trên đất Mỹ. Trong chuyến thăm làm việc ở Mỹ từ 11 đến 17/5 ông Chính khẳng định Việt Nam “chọn chính nghĩa, không chọn bên.” Cụ thể, Thủ tướng Chính nói tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS): “Trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều sự lựa chọn, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải…” Tuyên bố của ông Chính vào thời điểm Nga đang tiến hành cuộc xâm lược Ukraine khiến dư luận đặt câu hỏi, liệu có đúng Việt Nam chỉ chọn chính nghĩa, không chọn phe? Nếu giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam chọn chính nghĩa, hẳn họ đã chọn lên án hành vi xâm lược của Nga. Trái lại, họ không những không lên án Nga mà các lần bỏ phiếu của Việt Nam ở LHQ càng thể hiện rằng họ chọn đứng cùng một chiến tuyến với Nga.
Thủ tướng Chính kêu gọi ngành ngoại giao “phải xem lợi ích quốc gia dân tộc là tối thượng và phải bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam”. Ông yêu cầu ngoại giao phải làm sao để bạn bè, đối tác quốc tế ngày càng tin cậy và yêu mến Việt Nam, hiểu rõ và ủng hộ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Ủng hộ một con đường mà TBT Nguyễn Phú Trọng hoài nghi không biết “đến hết thế kỷ này đã có CNXH hoàn thiện hay chưa”(?) Đi trên con đường ấy, hiện Việt Nam có quan hệ “đối tác chiến lược” với hầu hết các nước lớn trên thế giới… Riêng bang giao với Trung Quốc còn cao hơn các nước một mức là “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”, trong khi quan hệ với Mỹ, bất chấp những diễn biến nồng ấm trong thời gian qua, hiện vẫn ở mức “hạng ba” chứ chưa được nâng lên “hạng hai “– tức là “đối tác chiến lược”. Mỹ nhiều lần bày tỏ thiện chí nâng cấp quan hệ đối tác nhưng cho đến nay Hà Nội vẫn tảng lờ.
Những vụ án chỉ có ở Việt Nam
Với đường lối đối ngoại nói trên, thì có thể hình dung, chiếc loa phường suốt ngày sẽ cổ võ cho một chính sách đối nội độc tài-toàn trị đến mức nào? Cả 3 vụ án “khét tiếng” gần đây sẽ không thể xảy ra trong một chế độ dân chủ pháp trị được. Không thể có một vụ như Việt Á có thể múa rìu qua mắt thợ, thao túng, lũng đoạn bao nhiêu ban bệ, chính quyền địa phương khắp tỉnh thành. Không có luật sở hữu đất đai phi lý phi nhân, nên không thể có những tranh chấp, cưỡng chế đất như vụ Đồng Tâm. Càng không thể một tay vá trời, dàn dựng lên cả một vụ án xử tội người làng Đồng Tâm đã bạo loạn, chống phá chính quyền, với những chứng cớ ngụy tạo như vậy. Không có cái tội mơ hồ “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” nên không thể kết tội những người trong nhóm Thiền Am, cũng không thể có chuyện, vì tố cáo công an đòi ăn hối lộ, vì mắng một ông sư là “ngu như bò” mà bị tù, trong khi báo chí vu khống Cụ Lê Tùng Vân và những người ở Thiền Am suốt một thời gian dài với những tội danh kinh khủng... thì lại không hề gì! Trong một xã hội dân chủ, những người trong “Thiền Am bên bờ vũ trụ” có thể kiện báo chí và tất cả những ai vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của họ. Và chắc chắn là họ sẽ thắng lớn.
Qua hai vụ án “Đồng Tâm” và “Thiền Am bên bờ vũ trụ”, chúng ta có thể thấy luật pháp ở Việt Nam nằm hoàn toàn trong tay nhà cầm quyền và kẻ mạnh. Đó là công an, là sư “quốc doanh” và báo chí “quốc doanh”, ngược lại số phận của người dân còn thua cả con sâu cái kiến. Bất cứ ai cũng có thể bị kết tội danh “tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” thuộc Điều 79 luật hình sự cũ nay là Điều 109 Bộ luật Hình sự, “tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” thuộc Điều 88 Luật Hình sự cũ nay đổi thành Điều 117 Luật Hình sự, “tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” thuộc Điều 258 Luật Hình sự cũ nay là Điều 331 trong Luật hình sự mới, thậm chí bị dàn dựng ngụy tạo thành tội giết người như trong vụ án Đồng Tâm.
Trong khi trên thực tế, dân làng Đồng Tâm luôn luôn giương cao khẩu hiệu tin vào đảng, vào chính phủ, cụ Lê Đình Kình trên năm chục năm tuổi đảng, như lời Cụ bà Dư Thị Thành nói “đến cuối đời chồng tôi vẫn tin vào đảng”… Còn những người ở Thiền Am thì không quan tâm đến chính trị, không hề có những lời nói, hành vi chống phá chế độ gì cả. Nếu họ chỉ trích công an huyện Đức Hòa hay không muốn gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì cũng là quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo của họ mà thôi. Tóm lại, nếu Việt Nam muốn chấm dứt những "khuyết tật" nghiêm trọng của một chế độ độc tài (thường được gọi là "lỗi hệ thống), thì Việt Nam không thể không dân chủ hóa và thay đổi thể chế chính trị. Chỉ có như thế mới tiêu diệt được tận gốc rễ nạn tham nhũng, hạn chế những vụ án phi lý phi nhân, để từ xã hội, tôn giáo cho tới văn hóa, nhân tính con người được phát triển một cách lành mạnh, không còn hiên tượng cái xấu, cái ác, điều không tử tế thì tràn lan, trở thành bình thường, trong khi cái đẹp, cái thiện, điều tử tế lại trở thành hiếm hoi, bất bình thường.
Sứ mệnh của chiếc loa phường tới đây thật “cao cả”. Sự gắn bó giữa nội trị độc tài với ngoại giao chọn bên sẽ như hình với bóng trong một chiếc loa phường tưởng chừng như đã lụi tàn trong quá khứ… Từ mờ sáng những tiếng hô ắc ê: một, hai, ba… dưới bản nhạc thể dục. Sau đó là các bản tin và các bài xã luận. “Nhất hô bá ứng”. Tất cả sẽ răm rắp làm theo lệnh từ một Trung tâm chỉ huy. Những nỗ lực muốn kéo lùi lịch sử liệu có vấp phải sự phản kháng, lúc công khai, lúc âm ỉ như một status ngay trên báo lề phải: “Mong các tỉnh cũng chấm dứt sứ mệnh của hệ thống loa phường đi. Hãy tuyên truyền bằng các hình thức khác phù hợp với thời công nghệ 4.0, đừng hành hạ dân bằng những tiếng ồn không đáng có, đừng bắt mọi người phải bị “tra tấn” dai dẳng.
Tham khảo thêm: