Tân Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh ngày 22/7 cam kết với người dân thủ đô sẽ ưu tiên hiện đại hóa, tăng cường thực thi pháp luật, và phát triển nguồn nhân lực để tạo đột phá cho thủ đô, theo báo chí trong nước.
Những người quan tâm tới tình hình chính trị tại Hà Nội không lạ gì ông Trần Sỹ Thanh, quê Nghệ An, từng giữ chức vụ cao nhất ở Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam 2017-2020.
Các cư dân Hà Nội được VOA phỏng vấn cho rằng những phát biểu của ông Thanh khi ngồi vào ghế Chủ tịch nghe ‘đao to búa lớn’ nhưng ‘quá viển vông, chung chung, mập mờ’ và họ chỉ cần ông giải quyết được một phần những vấn đề thiết thực nhất cũng thoả lòng.
Anh Đặng Thành Trung, ngụ tại quận Hoàn Kiếm, cho biết điều mà phần lớn người dân mong mỏi nhất hiện nay là thành phố có biện pháp hiệu quả để giảm bớt ô nhiễm môi trường mà theo anh là đang ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ người dân. Bên cạnh đó là tình trạng lộn xộn, bát nháo tại hầu khắp các tuyến phố cùng nạn ngập lụt triền miên mỗi khi có mưa. Anh Trung nói giải quyết được một phần những vấn đề này thôi, thì ông Thanh sẽ trở thành ‘Thánh sống’ của người dân thủ đô.
“Ô nhiễm giờ nói chung là khủng khiếp…Giờ ra đường nói chung là kinh khủng. Hôm vừa rồi, tôi trở về từ Huế và Đà Nẵng–Hội An thì thấy là Hà Nội chán lắm…Chính ra một số tỉnh họ lại có quy hoạch khá bài bản, còn Hà Nội thì cứ ăn ngập mồm vào nên quy hoạch linh tinh, chắp vá, đi ra ngoài phố thấy nó lộm nhộm, lộn xộn lắm, không có một chút tính tổ chức nào. Thật sự là rất chán,” anh Trung chia sẻ.
Một cư dân khác tên Nguyễn Hải Duyên cho biết dù đã chuyển nhà từ quận trung tâm Hoàn Kiếm sang Long Biên cho thoáng hơn, nhưng vài năm nay chị phải hạn chế ra đường tối đa vì tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. “Mình gần như không ra ngoài…bởi cứ mỗi lần ra khỏi nhà, hít khói bụi trên đường là mình bị mệt,” chị nói. Và theo chị thì tình trạng ô nhiễm là vấn đề cấp bách cần được giải quyết ưu tiên, chứ không phải là những vấn đề ‘đao to búa lớn’ như ông tân chủ tịch tuyên bố.
Bà Nguyễn Thanh Dung, một giáo viên về hưu sinh sống tại quận Hoàn Kiếm, mong ông tân chủ tịch cho thực thi ngay các biện pháp quản lý bụi xây dựng và các giải pháp liên quan đến khí thải để cải thiện môi trường sống. Bà Dung nói khói bụi ô nhiễm tệ hại như hiện nay khiến cho bệnh tật tràn lan và là nỗi lo thường trực cho những người cao niên như bà. Cư dân này cũng kêu gọi lãnh đạo mới của Hà Nội tập trung đầu tư nhiều hơn cho hệ thống chăm sóc y tế công vì các bệnh viện từ cấp trung ương cho tới cấp thành phố đều đã quá tải khiến người cao niên với lương hưu ít ỏi như bà dù có bệnh cũng không dám đặt chân tới bệnh viện trừ những trường hợp bất đắc dĩ.
“Hôm nay tôi đi khám mà nó đông kinh khủng. Bệnh viện Tim mạch thậm chí không có chỗ mà đứng ý chứ đừng nói đến chỗ ngồi. Đông ơi là đông, mà eo ôi sao bệnh tật giờ nó lắm thế. Nhất là sau Covid này này, bệnh viện càng đông, càng kinh khủng hơn. Bây giờ mới thấy không có tiền khổ thật. Có tiền vào những chỗ bệnh viện tư nó rộng rãi, sang trọng, đón tiếp niềm nở,” bà Dung than thở.
Mặc dù bày tỏ nguyện vọng nhưng phần lớn cư dân Hà Nội như anh Trung, chị Duyên, và bà Dung đều cho biết họ chẳng kỳ vọng ông tân chủ tịch sẽ quan tâm và làm được một chút gì đó giúp cải thiện bộ mặt môi trường và y tế của thủ đô. Họ nói họ đã quá quen với chuyện các lãnh đạo ở Việt Nam chỉ làm những gì ‘kiếm được tiền và bỏ túi riêng’ chứ còn đời sống và nguyện vọng của người dân thì lâu nay ‘sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi’.
Riêng chị Duyên còn lo lắng rằng thói quen hạn chế ra đường để tránh ô nhiễm như hiện tại của chị cũng khó mà duy trì được khi Hà Nội đang bắt đầu kế hoạch khôi phục hệ thống loa phường vốn ‘gây ô nhiễm tiếng ồn và phiền toái khủng khiếp’ mà lẽ ra không nên cân nhắc trở lại giữa thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, theo quan điểm của chị.
Diễn đàn