Giới trẻ cứu trợ lũ lụt miền Trung

  • VOA

Một nạn nhân lũ lụt ở Hà Tĩnh đang được cứu hộ

Trong khi các bạn ở nhiều nơi đang được sống trong cảnh yên bình, đầm ấm, đang cắp sách đến trường hoặc đang mãi mê trong những thú tiêu khiển hằng ngày, thì đồng bào ở miền Trung Việt Nam, trong đó có rất nhiều bạn trẻ, đang vật lộn với cái đói, cái chết khi các trận thiên tai lũ lụt dồn dập ập tới. Hàng trăm người chết, hàng chục ngàn cư dân miền Trung đang lâm cảnh khốn cùng, không nhà cửa, không cơm ăn, áo mặc, tính mạng đang bị thiên tai và nguy cơ dịch bệnh do mưa lũ gây ra đe dọa từng phút, từng giây. Không tận mắt chứng kiến chắc chúng ta khó có thể hình dung và cảm nhận được mức độ tàn khốc, kinh hoàng, và hoàn cảnh khốn đốn của họ như thế nào.

Một nhóm bạn sinh viên Công giáo thuộc Dòng Chúa Cứu Thế và cộng đoàn Giáo phận Vinh ở Hà Nội đã tự nguyện bỏ thời gian và công sức cùng nhau đứng ra quyên góp và vượt đường xa tới các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất để trực tiếp cứu trợ, chia sẻ nỗi đau với những người kém may mắn, và trao quà tận tay các nạn nhân. Trong chương trình hôm nay, Trà Mi mời các bạn cùng nghe 3 thành viên tích cực trong nhóm là Nam, Ân, và Tâm kể về những chuyến đi nhân đạo của họ đến với đồng bào bị lũ lụt miền Trung.

Nam: Trong tháng qua, nhóm em có đi 3 chuyến về miền Trung, mỗi chuyến thường kéo dài 3 ngày.

Trà Mi: Các bạn đã đi đến những địa phương nào?

Ân: Tụi em về Hương Khê, Đức Thọ, và cả Can Lộc nữa, các địa phương bị lũ lụt nặng nề nhất ở Hà Tĩnh.

Trà Mi: Xin hỏi thăm các bạn gây quỹ bằng cách nào để có tài chính đi cứu trợ?

Tâm: Bọn em có một phòng trực ở Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội để nhận các phần quà.

Trà Mi: Trực tiếp tới những nơi đang bị lũ lụt hoành hành ở miền Trung, các bạn chứng kiến những cảnh tượng như thế nào, có những kỷ niệm nào khó quên mà các bạn muốn chia sẻ với các bạn nghe đài?

Ân: Em cảm thấy người dân bị lũ lụt ở đấy rất khó khăn. Có những nơi phải đi từ 4-5 cây số bằng thuyền hoặc xuồng máy mới tiếp cận với họ được. Dân ở đó không còn gì, kể cả nước uống cũng không có. Trong lúc đi, em cũng có hỏi thăm dân ở đó xem họ được cứu trợ gì chưa. Họ bảo là chưa hề nhận được gì trong khi họ đã thiếu ăn mấy ngày rồi. Một cảnh tan thương nhưng lại không được sự giúp đỡ của người khác một cách nhiệt tình. Khi bọn em đến, họ rất ư là mừng.

Nam:
Em đi chuyến thứ hai, hầu như nhà cửa đã bị ngập qua nóc. Chỉ còn một số nhà 2 tầng thì còn nửa tầng hai và nóc nhà thì chưa bị ngập. Khi em với đoàn đi thuyền tiếp cận các vùng dân bị cô lập thì thuyền toàn đi trên nóc nhà người ta.

Trà Mi: Còn bà con lúc đó họ như thế nào? Khi các bạn tới, họ đang ở đâu?

Tâm: Một số di dân lên các đỉnh núi hoặc tập trung lên những tầng ba của nhà dân.

Nam: Hôm em với đoàn đi đúng vào lúc đỉnh lũ. Các nhà mái ngói, nhà một tầng bị ngập hết. Ở huyện Hương Khê bị ngập hết, cả làng chỉ còn một màu trắng xóa của nước mà thôi. Vào đấy, chúng em mới cảm nhận được nỗi khổ của dân như thế nào. Chỉ có một trong hai nhà xứ có tầng ba chưa bị ngập thì các cha cho dân lên tầng ba, nuôi dân ăn ở, chống đói qua cơn lũ lụt.

Trà Mi: Ân, bạn ghi nhận thế nào trong những chuyến đi vừa qua?

Ân: Khi em đi chuyến thứ ba, nước rút gần hết, không phải lo cái đói nữa mà bắt đầu lo về vệ sinh dịch tễ. Các động vật như gà, lợn, chó chết trôi, rất bẩn. Không khí bị ô nhiễm nặng nề lắm. Đi đến đâu cũng thấy toàn sình lầy, bẩn khủng khiếp luôn.

Trà Mi: Tới tận những nơi khó khăn ấy, các bạn thấy nguyện vọng, nhu cầu bức thiết nhất của người dân ở đó là gì?

Nam
: Chuyến thứ hai em đi, cái cấp bách nhất của họ là thức ăn. Lúc đó, họ không còn lương thực, cuộc sống bị cô lập, nhà cửa cũng không còn. Sau chuyến thứ ba, bây giờ các đoàn cứu trợ đã đưa lương thực tới nơi được, nhưng giờ họ rất khó khăn về vấn đề dịch bệnh, không có nơi trú thân. Nhà nào còn nhà cửa cũng đã bị hư hại và bẩn lắm.

Trà Mi: Sự hỗ trợ của chính quyền địa phương đối với những người gặp nạn ở đó ra sao?

Nam: Lúc em đi chuyến thứ hai thì dân cho hay mì gói vẫn chưa xuống được tới xã.

Trà Mi: Bạn nào đi gần đây nhất vui lòng cho biết tình hình hiện nay ra sao?

Ân: Em đi chuyến cuối vào ngày 22 tới 25/10. Lúc đó, người dân cho biết đã nhận được sự cứu trợ từ các cấp chính quyền, nhưng không được bao nhiêu. Nhà 7 người chỉ nhận được 3 gói mì thôi. Bây giờ cũng có rất nhiều các công ty, doanh nghiệp tư nhân họ tự túc đi cứu trợ, chứ không gửi qua các cấp chính quyền nữa. Bên Công giáo thì có Hội Caritas cũng liên tục trợ cấp từ đầu mùa lũ cho đến tận bây giờ.

Trà Mi: Những chuyến cứu trợ tự túc, độc lập không qua chính quyền có dễ dàng, suông sẻ không?

Tâm:
Có một số đoàn cũng gặp khó khăn. Họ bảo không được phép cứu trợ vì chưa xin phép. Một số người cho biết đi cứu trợ nhưng cũng gặp nhiều khó khăn.

Trà Mi: Riêng đoàn của các bạn thì sao?

Ân:
Đoàn chúng em đi suông sẻ.

Trà Mi: Các bạn cho biết còn một chuyến cứu trợ nữa, nội dung chuyến đi sắp tới như thế nào?

Tâm: Theo dự định, anh em sẽ bắt đầu chuyến cuối cùng từ trong Quảng Bình ra. Chúng em sẽ đi gặp trực tiếp từng nhà, tới từng gia đình bị ảnh hưởng, trao quà tận tay. Đợt này chúng em sẽ mang quần áo, gạo, thuốc, và sách vở cho các em học sinh. Đây có thể là chuyến cuối cùng. Sau đó, nếu đủ điều kiện, chúng em sẽ tiếp tục đi nữa. Còn không, những phần quà còn lại, chúng em sẽ gửi tặng các hộ gia đình nghèo ở miền núi.

Trà Mi: Sau những chuyến đi cứu trợ suốt tháng qua, các bạn có cảm nghĩ thế nào?

Nam:
Qua những chuyến đi này, em cảm thấy người dân ở các vùng xa, họ đã nghèo, nay lại càng khốn cùng hơn vì bị thiên tai, lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, rất ư là khổ. Về công tác quyên góp, cứu trợ lũ lụt, bọn em cũng thu hút được rất nhiều thành phần, từ sinh viên cho tới những người đi làm, các công ty, doanh nghiệp, lương dân cũng như giáo dân, hết lòng ủng hộ để bọn em có thể đi cứu trợ người khác.

Trà Mi: Nếu có một bạn trẻ không có dịp đi cứu trợ tận nơi hỏi thăm cảm tưởng của các bạn, Ân và Tâm sẽ nói gì?

Ân: Lúc hoạn nạn mới biết được tình người ra sao, người ta hay bảo thế. Khi bọn em ở nhà, ở Hà Nội, xem tivi cũng chỉ biết là bị ngập lụt, bị sập nhà sập cửa thế thôi, chứ không thể hình dung được sự khó khăn thực sự như thế nào. Khi bọn em tới tận nơi, gặp từng người và trực tiếp chứng kiến nỗi khổ của họ mới biết được là quá khó khăn, cần phải có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng nữa. Mình đi như thế rất tốt, rất có ý nghĩa, dù không phải là giúp được hết, nhưng cũng phần nào giúp người ta qua cơn hoạn nạn.

Trà Mi: Đi giúp người nghèo, người lâm nạn, Tâm học hỏi và rút tỉa được cho mình những gì?

Tâm: Sau những chuyến đi này, em cảm thấy nó cực kỳ có ý nghĩa với mình. Mình biết được xung quanh còn rất nhiều người cần sự giúp đỡ. Bằng cách này hay cách khác mình cũng đã giúp được một phần nhỏ bé nào đấy cho họ. Những chuyến đi này giúp em cảm thấy cuộc sống mình có ý nghĩa hơn, mình cảm thấy đồng cảm với người nghèo.

Trà Mi: Các địa phương này thường xuyên bị lũ lụt hoành hành. Tới tận nơi, các bạn thấy họ có phương cách nào để ngăn ngừa rủi ro thiên tai hằng năm không?

Ân:
Hôm tới Hương Khê, có nơi em thấy nhà nào cũng có xuồng. Họ bảo vì sống chung với lũ nên dù xe không có nhưng trong nhà phải có xuồng. Nhà nào cũng thế. Khi nước rút, họ sẽ gác xuồng lên trên mái nhà.

Trà Mi: Về phía chính quyền, họ có phương cách phòng ngừa bão lụt cho cư dân địa phương thế nào?

Tâm: Thực tế khi chúng em đến tận nơi, chưa thấy bất kỳ phương cách nào. Ví dụ thuyền để vận người dân từ làng bị lụt sang làng không bị lụt cũng không có. Hôm chúng em đưa hàng cứu trợ xuống, phải thuê thuyền với số tiền rất đắt đỏ.

Trà Mi: Có đê bao hoặc cây trồng chắn lũ không?

Nam: Thực tế em thấy cũng chẳng có chị ạ.

Trà Mi: Các bạn có tâm tình gì muốn chia sẻ với những bạn trẻ may mắn không sống trong những vùng bị thiên tai và không bị những cảnh tai ương thế này?

Ân: Các bạn, mỗi người hãy cùng chung tay góp sức, mỗi người một ít để cứu lấy những người anh em có số phận đen đủi hơn mình ở miền Trung. Hãy góp sức giúp cuộc sống của họ tươi đẹp hơn.

Trà Mi: Các bạn có nghĩ trong những việc này trách nhiệm của người trẻ cao hơn các thành phần khác trong xã hội không?

Tâm: Em nghĩ giới trẻ càng phải đóng góp nhiều hơn vì có nhiều cơ hội hơn. Tuổi trẻ có thời gian, sức trẻ, bầu nhiệt huyết thì phải là người đi đầu, xông pha trước tiên. Khi làm những công việc này thấy tâm hồn bình an lắm. Mình cứ nghĩ đơn giản thôi, những người bị thiên tai như thế tức là họ đã chịu thay cho mình rồi. Mình phải có trách nhiệm giúp họ. Hãy hiểu rằng khi bạn không bị thiên tai, bạn được bình an, thì đã có người phải chịu thay cho bạn rồi.

Trà Mi: Xin cảm ơn Tâm, Ân, và Nam đã thuật lại những điều mắt thấy tai nghe và ấn tượng của các bạn từ các chuyến đi nhân đạo cứu giúp nạn nhân lũ lụt ở miền Trung.

Dẫu rằng không phải ai cũng có điều kiện trực tiếp tham gia những chuyến đi như các bạn trẻ này, nhưng chúng ta có rất nhiều cách để thể hiện tình thương và sự thông cảm đối với những người kém may mắn hơn mình, phải không các bạn? Trà Mi hy vọng các bạn sẽ tìm cho mình một cách thích hợp nhất để san sẻ những khốn khó của đồng bào đang gặp hoạn nạn ở miền Trung. Và, các bạn đừng quên chia sẻ ý kiến và phương cách của mình với thính giả, độc giả của đài VOA ở khắp nơi trên thế giới tại địa chỉ www.voatiengviet.com, trong chuyên mục Tạp chí Thanh Niên, hoặc trên trang Facebook ở địa chỉ http://www.facebook.com/VOATiengViet , cũng như trên trang Yahoo 360 độ của VOA tại http://vn.360plus.yahoo.com/voavietnam/, các bạn nhé.

Đến đây, Tạp chí Thanh Niên xin chia tay cùng quý vị và các bạn với lời hẹn tái ngộ trên làn sóng VOA thứ ba tuần sau, cũng vào giờ này. Trà Mi thân ái kính chào quý thính giả.