Thanh niên thảo luận về bản án của 4 nhà dân chủ (phần cuối)

  • VOA
"Tập hợp Thanh niên Dân chủ có câu 'đa số mọi người nghĩ đến hậu quả của sự thay đổi mà ít khi nào nghĩ đến hậu quả của việc không thay đổi.'"

Các bạn ơi, hôm nay chúng ta sẽ tái ngộ với 3 vị thính giả trẻ đăng ký tham gia Tạp chí Thanh Niên để chia sẻ quan điểm về bản án từ 5 đến 16 năm tù giam dành cho 4 nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam được nhiều người biết đến là Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, và Lê Thăng Long.

Những buổi trao đổi sôi nổi trên Tạp chí Thanh Niên trong hai tuần qua, với các bạn Bảo, Hùng từ Việt Nam, và Thông ở Mỹ, đã thu hút nhiều ý kiến tham luận của bạn nghe đài khắp nơi để lại trên trang web www.voatiengviet.com của Ban Việt Ngữ đài VOA. Có người đồng tình với 3 vị khách mời này, nghĩa là phản đối các bản án mà họ cho là chứng tỏ “sự độc tài”, “áp bức” của chính quyền đối với những ai bất đồng chính kiến. Ngược lại, cũng có người cho rằng những bản án đó là đích đáng mà thậm chí là còn nhẹ tay so với việc làm mà họ mô tả là “phản động” của 4 nhà hoạt động dân chủ Long, Định, Trung, và Thức. Như ý kiến của bạn Minh Phương ở Đà Nẵng, chẳng hạn. Bạn Phương khẳng định rằng “đại đa số thanh niên Việt nam không đồng tình” với 3 thanh niên tham gia cuộc thảo luận. Nhưng rất tiếc là số mà bạn Phương cho là có ý kiến giống bạn và ngay chính bạn Phương cũng vậy, không đăng ký tham gia hoặc để lại số phone để chúng tôi mời các bạn chia sẻ quan điểm trong chương trình.

Buổi trao đổi tuần trước tạm ngưng khi Hùng và Thông lý luận rằng những nhà bất đồng chính kiến này, với “hai bàn tay trắng và một ngòi bút” mà nhà nước lại tố cáo là “âm mưu lật đổ chính quyền” thì quả là một sự chụp mũ phi lý.

Diễn tiến câu chuyện ra sao? Mời quý vị và các bạn cùng Tạp chí Thanh Niên bứơc vào phần cuối cuộc thảo luận giữa 2 thanh niên ở Việt Nam là Bảo và Hùng với người bạn trẻ tên Thông tại Mỹ:

Bảo: Nói rằng anh Định, Trung, Thức, và Long chỉ “với hai bàn tay trắng và một ngòi bút thì không thể lật đổ chế độ” thì có lẽ đó là ý kiến chủ quan của các bạn mà thôi. Rõ ràng đảng cộng sản cũng đã rút kinh nghiệm từ sự kiện hồi năm 1990-1992 rằng hầu hết cuộc lật đổ Cuộc cách mạng Cam, Cuộc cách mạng Nhung tại Tiệp Khắc, Liên Xô gì đấy đều diễn ra bởi quần chúng mà không hề có sự ra tay của quân đội. Sau đấy, quân đội gần như là ngã về phía quần chúng. Điều 79 hoặc 88 Bộ luật hình sự Việt Nam cũng có câu là “tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá đảng và nhà nước, phao tin gây chiến tranh tâm lý..v..v..”, hoàn toàn không hề sử dụng tới binh đao hay súng đạn. Đây là một trong những cái mà Đảng Cộng sản dựa vào để bắt những người này. Tuy nhiên, khi xét tội các anh Trung, Định, Thức, Long, chúng ta cần phải nhìn lại là họ đã có tội gì, hành động của họ xâm phạm đến lợi ích của quốc gia như thế nào. Anh Trung, chẳng hạn, anh thành lập Tập hợp Thanh niên Dân chủ, rồi tham gia đảng Dân chủ. Còn anh Định tham gia đảng Dân chủ rồi cùng với anh Thức, anh Long làm ra đảng Lao động gì đấy. Những hoạt động của họ, những đảng phái, tổ chức như thế ảnh hưởng gì đến lợi ích của quốc gia? Họ đã có những hành động gì xâm phạm đến sự đi lên của đất nước hay chưa? Nói rằng anh Định làm ra, tàng trữ những tài liệu gây ảnh hưởng đến quốc gia như bản Hiến pháp, thì không bất kỳ ai bị bắt về tội làm ra, tàng trữ một bản Hiến pháp cả. Một bản Hiến pháp nếu muốn đưa vào hoạt động thực thụ thì phải đựơc Quốc hội thông qua. Vì vậy, bắt người ta về tội “làm ra, sử dụng tài liệu để vu khống, lật đổ chế độ” thì hoàn toàn sai. Còn những thông tin họ đưa ra, ai tiếp xúc, ai nhìn nhận những thông tin đấy theo quan điểm nào là do người tiếp thu. Chứ còn như hiện tại, đảng đưa đầy những thông tin trên các báo như Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, VNexpress… thì hầu như họ độc quyền hết trơn rồi, có ai nói gì về họ đâu. Nói người ta “sử dụng, tàng trữ, hay chống phá” thì phải nhìn nhận lại hoạt động của họ làm gì cho đất nước, chứ không thể theo ý kiến chủ quan, quan điểm một chiều của Đảng Cộng sản đựơc.

Trà Mi: Vâng, lúc nãy Bảo có đưa ra một ví dụ mà Trà Mi cũng định nhắc tới. Tức là bây giờ nói đến những sự thay đổi không nhất thiết phải có binh khí trong tay mà “diễn biến hoà bình” cũng có thể dẫn đến những sự thay đổi đó, điều mà nhà nước cho là “những âm mưu nhằm chống phá” cho nên họ phải xét xử, phải trừng phạt.

Hùng: Ở Việt Nam mà nói dùng diễn biến hoà bình để lật đổ chế độ thì khó lắm, viễn vong lắm.

Trà Mi: Nhưng nhà nước cũng có những nguyên nhân để phòng ngừa những hoạt động đó. Họ sợ “làm xáo trộn xã hội, gây phương hại đến an ninh quốc gia”…

Hùng: Dĩ nhiên chế độ cộng sản này không có nhân quyền, không tự do dân chủ, và độc đảng thì những ý kiến nào phản biện với họ, họ đều quy chụp cho tội “chống đối” “làm ảnh hưởng an ninh quốc gia”.

Trà Mi: Nếu với lý do để “bảo vệ an ninh quốc gia” mà nhà nước xét xử những người này thì các bạn có gì để phản đối không?

Thông: Thông phản đối. Những bài viết của anh Trung, anh Định, anh Thức, và Long có bao giờ kêu gọi toàn dân đứng lên để lật đổ chế độ cộng sản đâu? Không hề.

Hùng: Đúng rồi, không hề.

Thông: Họ chỉ nêu lên quan điểm rằng Việt Nam phải có tự do dân chủ, rằng chỉ có trong môi trường dân chủ thì người dân mới hạnh phúc, đất nước mới phát triển. Các bài viết của họ không hề kêu gọi người dân đứng lên lật đổ chính quyền cộng sản, tổ chức biểu tình, hoặc bạo động gì cả. Cho nên ghép tội họ “xâm phạm an ninh quốc gia” là hoàn toàn sai trái. Tôi không đồng tình với mấy phiên toà vừa rồi.

Bảo: Hồi nãy anh Hùng nói rằng diễn biến hoà bình là chuyện viễn vong ở Việt Nam. Bảo không đồng tình với quan điểm này. Thật ra diễn biến hoà bình hay sự đi lên của phong trào dân chủ vẫn đang diễn ra đấy thôi. Sự nhận thức của người dân, hay sự suy nghĩ “khác” của những Đảng viên Cộng sản ngay trong nội bộ Đảng, đó là những sự tác động của “diễn biến hoà bình” rồi. Nếu nói phong trào dân chủ sử dụng diễn biến hoà bình để lật đổ là viễn vong thì cũng không hẳn là viễn vong. Năm 1991-1992 khi Liên Xô sụp đổ, trứơc khi Liên Xô sụp đổ chẳng ai nghĩ rằng một thể chế đế quốc hùng mạnh như Liên Xô có thể sụp đổ được. Nếu nói “viễn vong” thì chúng ta hơi chủ quan. Còn về sự phương hại của diễn biến hoà bình đối với an ninh quốc gia, thì chúng ta hãy thử nhìn nước Nga, nước Đức thống nhất, Ba Lan, Cộng hoà Czech, Slovakia, Latvia, Ukraina, có nước nào bị ảnh hưởng, bị “gây phương hại đến an ninh quốc gia” hay không? Bây giờ nếu diễn biến hoà bình gây ra sự xáo trộn tức thời trong tình hình đất nước hiện tại nhưng sẽ ổn định hơn cho tình hình chung về lâu dài thì sao? Như Tập hợp Thanh niên Dân chủ có câu “đa số mọi người nghĩ đến hậu quả của sự thay đổi mà ít khi nào nghĩ đến hậu quả của việc không thay đổi.” Nghĩa là thay đổi ngay bây giờ có thể có một sự tổn thất nào đấy nhưng nếu chúng ta không thay đổi thì tổn thất lâu dài càng lớn hơn. Như đi một chiếc Dream Trung Quốc mỗi ngày tốn 50 ngàn xăng, nhưng nếu mua 1 chiếc Dream Nhật dù có thể tốn tức thì mấy chục triệu nhưng về lâu về dài mỗi ngày ta có thể tiết kiệm được 30 ngàn xăng chẳng hạn. Lợi ích lâu dài rõ ràng hơn nhiều.

Trà Mi: Nhưng làm thế nào để chúng ta tin tưởng hoặc đảm bảo rằng sự thay đổi mang lại lợi ích lâu dài chứ không phải là sự xáo trộn lâu dài? Làm sao có thể đoan chắc là sự thay đổi chỉ đem lại sự xáo trộn tức thời chứ không xáo trộn lâu dài, như lời Bảo nói?

Bảo: Mục tiêu dân chủ, hướng tới dân chủ-nhân quyền là mục tiêu lớn lao của nhân loại chứ không phải của riêng nước Việt Nam. Tuy thể chế và đường hướng thì có sẵn rồi đấy, nhưng đâu phải nước nào cũng có thể sử dụng thể chế dân chủ một cách hoàn thiện. Chẳng hạn như nước Mỹ thì có thể nói là OK rồi, nhưng nước Kampuchea hay Thái Lan cạnh Việt Nam chẳng hạn, cũng đa đảng, đa nguyên đấy nhưng bị xáo trộn. Cho nên điều này hoàn toàn tuỳ thuộc vào tinh thần xây dựng của mỗi đảng phái, mỗi người dân trong nước, cái “hào khí Diên Hồng” của mỗi người dân cũng như hoàn cảnh của mỗi nước.

Hùng: Theo mình, những bản án của 4 nhà hoạt động dân chủ ngày 20/1 vừa qua là một sự răn đe của nhà cầm quyền cộng sản đối với những người muốn có tự do dân chủ ở Việt Nam. Bởi lẽ chế độ Cộng sản này là một chế độ độc tài đảng trị. Họ không muốn một ai có ý kiến, chính kiến gì phản đối lại sự cầm quyền, sự lãnh đạo của họ.

Thông: Nếu nói rằng những bản án vừa qua có răn đe những người có ý hướng dân chủ hay chăng thì có 2 lời đáp. Thứ nhất, những người nào mang tâm lý cầu an, sợ hãi nhìn thấy như vậy thì họ sợ không dám tham gia vào công cuộc dân chủ. Tuy nhiên, những người nào có tinh thần vì lợi ích quốc gia, tinh thần dân tộc, thì họ sẽ tham gia mạnh mẽ hơn. Bản thân Thông, sau vụ xét xử các anh Thức, Định, Long, và Trung, tinh thần của mình càng lên cao hơn. Mình lúc nào cũng nói với chính mình rằng phải tranh đấu mạnh mẽ hơn để làm sao đất nước Việt Nam có nền dân chủ càng sớm càng tốt. Thông đã và đang tham gia các công cuộc vận động chính giới quốc tế để can thiệp cho các nhà dân chủ trong nước. Tiện đây Thông muốn gửi tới những người xét xử các nhà dân chủ vừa qua rằng hôm nay các ông xét xử những người yêu nước, rồi mai đây ai sẽ là người sẽ xét xử các ông?

Trà Mi: Vừa rồi là ý kiến một số thính giả của chương trình Tạp chí Thanh niên đài VOA đóng góp trong chủ đề “Bản án dành cho 4 nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam và cảm nghĩ của giới trẻ”. Qua chương trình này, chúng tôi cũng mong đựơc sự góp ý, tham luận của quý vị khắp nơi. Một lần nữa xin cảm ơn tất cả các bạn đã dành thời gian tham gia chương trình này.

Muốn góp ý, tham luận trên Tạp chí Thanh Niên của đài VOA, mời các bạn để lại lời nhắn trên trang nhà www.VOAtiengviet.com hoặc tại địa chỉ email Vietnamese@VOANews.com, và kèm theo số phone để Trà Mi có thể liên lạc mời các bạn tham gia.

Chỉ còn mấy ngày nữa là đến Tết Nguyên Đán rồi, chắc giờ này lịch ăn Tết của các bạn đã đầy ắp nhiều tiết mục sinh hoạt lắm, phải không? Nhưng các bạn có muốn biết giới trẻ Việt Nam ở Mỹ đón Tết như thế nào không?
Mời các bạn trở lại với Tạp chí Thanh Niên tối mùng 3 Tết, chúng ta sẽ cùng gặp gỡ một số thanh niên Việt tại Mỹ trong câu chuyện vui xuân đầu năm, các bạn nhé.

Trà Mi thân chúc quý vị và các bạn có những ngày xuân vui tươi, khởi đầu cho một năm mới tràn đầy hạnh phúc.

Tạp chí Thanh Niên xin chào tạm biệt quý vị, hẹn tái ngộ vào giờ này tối mùng 3 Tết, thứ ba tuần sau.