Tổ chức Bảo vệ Ký giả quốc tế (tức CPJ) có trụ sở ở New York đã lên tiếng chỉ trích chính phủ Việt Nam về việc đóng cửa hai blog có nội dung chính trị là blogosin của nhà báo kỳ cựu Huy Đức và bauxitevietnam do một nhóm học giả, trong đó có giáo sư Nguyễn Huệ Chi, sáng lập.
Các hãng thông tấn nước ngoài mới đây đưa tin rằng hai trang web này 'đã bị tin tặc tấn công và buộc phải đóng cửa'. Cả blogosin và bauxitevietnam đều từng đăng tải các nội dung được cho là ‘nhạy cảm’ đối với chính quyền, như phê phán các chính sách của Việt Nam đối với Trung Quốc.
Ông Shawn Crispin, đại diện cấp cao của CPJ ở Đông Nam Á, nói trong thông cáo phát đi mới đây: 'Chính phủ Việt Nam tăng cường thúc đẩy việc sử dụng Internet nhằm hiện đại hóa nền kinh tế, nhưng đồng thời cũng đàn áp các blogger đưa ra quan điểm chỉ trích chính phủ và các chính sách được thi hành'.
Trả lời VOA Việt Ngữ qua điện thoại từ Bangkok, ông Crispin cho biết rằng tổ chức của ông từng nhiều lần lên tiếng với giới hữu trách ở Việt Nam về tình trạng kiểm soát cộng đồng blogger.
Ông Crispin cho biết: "Trong quá khứ, chúng tôi từng nhiều lần gửi thư phản đối tới Chủ tịch và Thủ tướng Việt Nam, kêu gọi họ tôn trọng tự do ngôn luận, điều khoản vốn được ghi trong hiến pháp. Đặc biệt chúng tôi kêu gọi họ chấm dứt đàn áp các blogger, những người đã mở ra một không gian thảo luận mới về các vấn đề chính trị, xã hội, trên mạng Internet trong những năm gần đây. Cộng đồng blogger ở Việt Nam đã thực sự bùng nổ thời gian qua, mở ra một nguồn thông tin mới, một sự lựa chọn mới, cạnh tranh với báo chí chính thống bị nhà nước quản lý. Điều chúng tôi thực sự quan ngại hiện nay là chính phủ đang ngày càng trở nên mạnh tay hơn đối với những người viết blog trên mạng mà họ cho là đe dọa tới việc kiểm soát thông tin."
Ông Crispin cũng cho rằng các blogger như nhà báo Huy Đức và giáo sư Nguyễn Huệ Chi 'không làm gì vượt quá quyền tự do bày tỏ ngôn luận của mình'. CPJ cũng nhấn mạnh rằng hai người này 'cần phải được cho phép viết và công bố bài viết mà không phải lo ngại'.
Đại diện của tổ chức bảo vệ nhà báo quốc tế ở Đông Nam Á cho biết sẽ ‘tiếp tục gửi thư phản đối nếu tình hình không biến chuyển’.
Ông Crispin nói: "Họ không hồi đáp các bức thư của chúng tôi. Nhưng sau khi chúng tôi công bố các nghiên cứu và điều tra về môi trường báo chí và blog ở Việt Nam, chính phủ nước này đã bình luận rằng các điều tra đó phản ánh không đúng sự thật tình hình thực tế. Về thông cáo mới nhất chúng tôi phát đi tuần trước, chúng tôi chưa nhận được bình luận gì từ giới hữu trách Việt Nam. Nếu việc đàn áp các blogger tiếp diễn, chắc chắn chúng tôi sẽ lại gửi thêm thư phản đối. Chúng tôi mong được phép vào Việt Nam để chứng kiến tình trạng thực tế ở đó, cũng như mở ra một cuộc đối thoại với giới hữu trách nhằm cải thiện tình hình."
Hồi đầu tháng 12/2009, khi được hỏi về việc Việt Nam có chặn trang mạng xã hội Facebook hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Nguyễn Phương Nga, nói rằng 'Internet tại Việt Nam được Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi và đang phát triển mạnh mẽ với gần 22 triệu người sử dụng'.
Bà Nga cũng nói rằng 'gần đây, nhiều người sử dụng Internet ở Việt Nam tỏ bức xúc về việc một số mạng xã hội trực tuyến bị lợi dụng để đưa những thông tin có nội dung chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam, vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam, đe dọa an ninh thông tin, gây ảnh hưởng xấu tới người sử dụng Internet. Các cơ quan chức năng sẽ xem xét, cân nhắc mức độ vi phạm để áp dụng các biện pháp phù hợp theo quy định pháp luật'.
Được biết, CPJ đi đầu trong nỗ lực bảo vệ tự do báo chí trên toàn thế giới. Hồi giữa năm ngoái, tổ chức này đã đưa Việt Nam vào danh sách 10 quốc gia tồi tệ nhất để trở thành blogger, cùng với các nước khác như Trung Quốc, Miến Điện, Iran và Cuba.
Nguồn: Committee to Protect Journalists, TechNewsWorld