Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả, CPJ, cho biết kể từ năm 1992, là năm ủy ban bắt đầu thu thập dữ kiện về nhà báo thiệt mạng, cho đến nay thì năm 2009 là năm có nhiều nhân viên ngành truyền thông bị giết nhất.
Trong bản phúc trình thường niên về các ký giả bị tấn công, CPJ cho biết có 71 ký giả bị giết chết trên thế giới, so với số 41 người trong năm 2008.
CPJ nói rằng kỷ lục về số ký giả bị giết hồi năm ngoái là do vụ tàn sát 31 ký giả và nhân viên truyền thông trong cuộc bầu cử tại Philippines.
Bản phúc trình nói đây là vụ giết hại ký giả đơn lẻ khủng khiếp nhất mà CPJ ghi nhận được.
Sau Philippines, những nước có số ký giả bị hại nhiều nhất là Somalia, Iraq và Pakistan. Tại Somalia có 9 ký giả bị giết, trong khi đó tại Iraq và Pakistan có 4 người.
Ngoài ra, CPJ nói rằng trên thế giới có 136 ký giả bị giam cầm, nhưng áp lực quốc tế đã giúp nhiều ký giả bị cầm tù tại nhiều nước được phóng thích, trong đó có Miến Điện và Gambia.
Tổ chức này gọi vụ tấn công nhằm vào các ký giả tại Iran sau cuộc bầu cử năm ngoái là khủng khiếp nhất trong lịch sử báo chí.
Theo CPJ, Iran đã bắt giữ 90 ký giả để bóp nghẹt hoạt động bất đồng chính kiến.
Họ cho biết tính đến tháng 12, Iran vẫn còn giam giữ 23 nhà văn nhà báo, đứng sau Trung Quốc có 24 ký giả bị giam, và đứng trên Cuba có 22 người.
CPJ còn cho biết riêng sự can thiệp của họ đã giúp 45 ký giả được thả hồi năm ngoái.
CPJ cho biết tại nhiều nước Trung Đông, nhiều chính phủ đã trấn áp các nhà báo và blogger độc lập sau khi Internet giúp loan truyền những tin tức về vi phạm nhân quyền.
Nhưng các ký giả tại đó nói rằng sự đàn áp này vẫn không ngăn được dòng chảy thông tin.