Phụ nữ trẻ Yemen nằm trong thế hệ nhà báo mới

  • Elizabeth Arrott

Cô Nadia Abdullah chụp ảnh một bé gái trong khi thu lại các hình ảnh của cuộc nổi dậy ở thủ đô Sana's, Yemen

Cô Nadia Abdullah người Yemen không phải là một nhà viết sử.

Là một cư dân trẻ của thành phố Sana’a, choàng khăn che kín mặt, hay thường gọi là niqab, từ cửa sổ nhà cô nhìn ra quảng trường Thay Đổi trong lúc diễn ra những cuộc biểu tình chống chính phủ bắt đầu cách đây một năm.

Cô nói: “Cha tôi cho tôi một cái máy quay phim và nói với tôi, ‘Trong trường hợp có bất cứ cuộc tấn công nào vào người trẻ, con thu lại và sau đó chúng ta có thể gởi cho các kênh truyền thông.’”

Cô Abdullah là một phần của thế hệ những nhà báo công dân mới giúp vượt qua những hạn chế của chính phủ để đưa tin về Mùa Xuân Ả Rập ra thế giới bên ngoài.

Các nhà lãnh đạo Ả Rập tại Trung Đông và Bắc Phi cố hạn chế truyền thông tường thuật về những cuộc nổi dậy, nhưng hàng trăm người có quyết tâm như cô Abdullah sẽ không ngừng lại.

Ghi nhận những rối loạn chính trị từ căn phòng của cô là một bước to lớn đối với Abdullah, được nuôi dạy bởi người cha mà cô mô tả là một người bảo thủ thuộc bộ tộc Hashid còn bảo thủ hơn nữa.

Cô Abdullah nói: “Tôi không tưởng tưởng được là cha tôi, anh em tôi hay là gia đình chấp nhận cho tôi đi ra ngoài và phỏng vấn bằng máy quay phim. Điều này hầu như không thể nào thực hiện được vì những khuôn mẫu và truyền thống. Đây là những truyền thống khép kín và bảo thủ. Không thích hợp cho một phụ nữ xuất hiện tại nơi công cộng.”

CẢM HỨNG TỪ CÁCH MẠNG

Tuy do cảm hứng từ cuộc cách mạng dưới khung cửa sổ, cô Abdullah đã đi ra ngoài, còn được cha cô chúc lành. Cô tin cách mạng đã thay đổi mọi thứ.

Cô Abdullah mang máy quay phim ra đường theo dõi những tin tức đang xảy ra tại Sana’a. Cô ghi lại hình ảnh đàn áp của binh sĩ chính phủ, từ vòi rồng phun nước cho đến đạn thật. Cô quay video các xác người trên đường phố, những bệnh xá dã chiến đầy những người bị thương đến một người đàn ông ôm thi thể người thân trong nhà xác.

Ảnh hưởng mạnh nhất đối với cô là khi cô quay phim cái chết của một người biểu tình trẻ tuổi.

Cô nói: “Viên đạn xuyên qua đầu em này và em trở thành một người tử đạo. Đây là một tình huống rất khó khăn khi một trong những người trẻ chết trước mắt tôi.”

HÌNH ẢNH KỂ LẠI CÂU CHUYỆN

Cô cũng ghi nhận những hình ảnh thầm lặng, hòa bình hơn. Trong một bức ảnh các phụ nữ cầu nguyện buổi tối trong ngày lễ Ramadan, có một bé gái, mệt lả vì khóc, nằm yên ổn trong vòng tay của người mẹ: khuây khỏa giữa đức tin.

Những hình ảnh khác cho thấy những người biểu tình trương các dấu hiệu hòa bình hay chiến thắng trước các binh sỹ chính phủ, hay ngủ say trong các lều bạt trong lúc nước ngập chảy phía dưới.

Cô Abdullah nói cô quyết tâm cho thấy khuôn mặt thật của những người biểu tình mà chính phủ gán cho là côn đồ.

Cô Abdullah nói tiếp: “Với một máy quay phim và một bức ảnh bạn có thể chặn được những lời dối trá.”

Cuối cùng, những người biểu tình và những nhà báo công dân kể lại những câu chuyện của họ đã giúp lật đổ được một nhà cầm quyền cai trị lâu năm.

Đối với cô Abdullah, hiện đang theo đuổi nghề ký giả, những câu chuyện này còn giúp phá sập rào cản đối với phụ nữ Yemen.