Xuất khẩu Việt Nam giảm mạnh, riêng sầu riêng tăng vọt

Ngành dệt may là một trong ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam

Xuất khẩu Việt Nam trong 6 tháng đầu năm giảm tới 12% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng sầu riêng đã bứt phá để vươn lên dẫn đầu các loại trái cây xuất khẩu của Việt Nam với kim ngạch tăng hơn gấp 10 lần, theo số liệu vừa được giới chức công bố.

Bộ Công thương Việt Nam hôm 7/7 công bố báo cáo tình hình xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2023 mà theo đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giảm 12,1% so với cùng kỳ - mức giảm hơn gấp đôi so với Thái Lan hay Indonesia.

Đáng chú ý là các mặt hàng vốn là chủ lực xuất khẩu của Việt Nam đều giảm mạnh, chẳng hạn như dệt may giảm 15,3%, giày dép giảm 15,2%, điện thoại và linh kiện giảm 17,9%, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 28,8%, phân bón các loại giảm 45,6%..., theo số liệu trong báo cáo được Tạp chí Công thương dẫn lại.

Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật, Hàn, Asean đều giảm nhập hàng, đặc biệt thị trường Mỹ giảm 22,6%, EU giảm 10,1%, Hàn Quốc giảm 10,2%, cũng theo báo cáo của Bộ Công thương.

Dệt may, giày dép hay điện thoại… là những ngành hàng tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trên khắp Việt Nam. Lượng đơn hàng sụt giảm từ các thị trường xuất khẩu chủ lực là nguyên nhân dẫn đến tình trạng công nhân bị sa thải hàng loạt trong thời gian qua.

“Có thể thấy các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay đang đối mặt với khó khăn chồng khó khăn, trong đó có việc không có đơn hàng dẫn tới phải cắt giảm công suất, thậm chí là dừng sản xuất,” ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, được Tạp chí Công thương dẫn lời nói.

Nguyên nhân của sự sụt giảm này, theo lời ông Đông được dẫn lại, là do tình hình kinh tế khó khăn ở các thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật… với lạm phát cao, nhu cầu giảm và do sự cạnh tranh của các nước xuất khẩu có mặt hàng tương tự như Việt Nam.

Sầu riêng lên ngôi

Tuy nhiên, một điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu ảm đạm của Việt Nam là mặt hàng gạo và rau củ quả vẫn tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm.

Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan được VnExpress dẫn lại cho thấy xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong 6 tháng qua đạt 2,75 tỷ đô la, tăng hơn 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng sầu riêng xuất khẩu chỉ trong 5 tháng đầu năm đã đạt trên 526 triệu đô la, tăng hơn gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Với kết quả này, lần đầu tiên sầu riêng đã vượt thanh long trở thành loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Việt Nam.

Trước đó, thanh long đã dẫn đầu xuất khẩu trái cây của Việt Nam trong 10 năm liền với kim ngạch hàng năm đều trên 1 tỷ đô la. Tuy nhiên, trong năm tháng đầu năm nay, xuất khẩu thanh long đã giảm 11% và chỉ đạt 307 triệu đô la.

Sở dĩ xuất khẩu sầu riêng đạt kết quả ấn tượng như vậy là nhờ thị trường Trung Quốc. Kể từ tháng 9 năm ngoái, sầu riêng Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường tỷ dân này. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy hơn 96% sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam là đi Trung Quốc.

Trong khi đó, thanh long cũng dựa chủ yếu vào thị trường Trung Quốc nhưng nước này đã tự trồng được trái thanh long, khiến xuất khẩu thanh long của Việt Nam sụt giảm. Để so sánh, trong năm 2021, sầu riêng xuất khẩu chưa đến 178 triệu đô la so với 1,031 tỷ đô la của thanh long.

Với đà này, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả, được VnExpress dẫn lời dự báo xuất khẩu sầu riêng sẽ vượt mốc tỷ đô ngay trong năm nay, ước đạt 1,2 tỷ và sẽ tăng lên 2 tỷ từ 1 đến 2 năm sau.